- Năm vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đã được Kiểm toán Nhà nước chuyển sang cơ quan điều tra, với tổng số tiền sai phạm lên tới hàng nghìn tỷ đồng - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Lê Minh Khái - thông báo sáng 25/7.
Thất thoát hàng nghìn tỷ đồng
Trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách 2011 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2011, diễn ra sáng 25/7, ông Lê Minh Khái cho biết, trong 5 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển sang cơ quan điều tra, 1 vụ liên quan đến sai phạm trong xây dựng cơ bản, 2 vụ liên quan đến quản lý tài sản Nhà nước và 2 vụ liên quan đến tổ chức tài chính - ngân hàng.
Ngoài ra, ông Lê Minh Khái cho biết thêm, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị kiểm điểm xử lý trách nhiệm 26 cá nhân có liên quan đến những sai phạm trong quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước.
Cụ thể, vụ thứ nhất liên quan đến sai phạm của Ban quản lý dự án thuộc Sở NN-PTNT Hưng Yên đối với 2 dự án công trình cấp nước sinh hoạt liên xã ở huyện Yên Mỹ và Yên Thi. Vào thời điểm cuối năm 2011, Ban quản lý đã quyết toán khống khối lượng hơn 3 tỷ đồng.
Vụ việc thứ hai xảy ra tại Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh (thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc - Vinafood 1) khi ký hợp đồng với 3 công ty TNHH trong Tiền Giang để mua gạo. Công ty Thanh Nghệ Tĩnh đã ứng trước 90% số tiền, tương đương khoảng 143 tỷ đồng. Song, đến thời hạn đã không nhận được hàng. Nếu tính cả lãi suất thì tổng cộng, số tiền này lên tới 161 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước nhận thấy có dấu hiệu bất thường trong việc thỏa thuận, ký kết hợp đồng nên đã chuyển sang cơ quan điều tra.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan trong việc ứng trước một số tiền quá lớn, dẫn đến nguy cơ mất vốn cao tại công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh.
Sau khi kiểm toán quyết toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 14.710 tỷ đồng, trong đó tăng thu cho ngân sách 2.183 tỷ đồng; giảm chi gần 2.459 tỷ đồng; nợ đọng phát hiện tăng thêm gần 958 tỷ đồng; nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 8.858 tỷ đồng và xử lý khác gần 252 tỷ đồng. Đồng thời, cơ quan này cũng kiến nghị các bộ, ngành địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi bổ sung 78 văn bản không phù hợp với quy định của Nhà nước. |
Vụ thứ ba liên quan đến Bảo hiểm Xã hội, cụ thể là Công ty Tài chính II - công ty con của Ngân hàng NN-PTNT (Agribank). Trước đó 2 năm, Kiểm toán Nhà nước đã đánh giá và nhận thấy tại đây có dấu hiệu vi phạm trong việc cân đối vốn nên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan điều tra làm rõ. Tuy nhiên, vì xét thấy công ty này có khả năng trả nợ nên Kiểm toán Nhà nước chưa chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, đến năm 2012, vụ án đã được khởi tố, đưa ra xét xử và kết quả cho thấy khả năng trả nợ là rất khó. Trong vụ này, Bảo hiểm Xã hội đã cho Công ty Tài chính II vay hơn 1.000 tỷ đồng, kể cả gốc lẫn lãi. Sai phạm ở đây, ông Khái cho rằng đó là do điều kiện cho vay vốn, mức bảo lãnh, phương án, đối tượng cho vay chưa phù hợp (lẽ ra phải là ngân hàng chứ không không phải công ty tài chính, công ty con thuộc ngân hàng).
Vụ thứ tư là sai phạm tại Công ty CP xây dựng Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân khi tiến hành mua đất đai ở phía Nam, rồi sang tên, đổi quyền sử dụng đất, mua đất lâm nghiệm trong vùng quy hoạch... nhưng cuối cùng dự án không thực hiện được. Số tiền thất thoát khá lớn, lên tới vài chục tỷ đồng.
Cuối cùng là việc quản lý sử dụng vốn tại Công ty Tài chính Sông Đà. Khi kiểm toán chuyên đề liên quan đến sử dụng vốn và tài chính, Kiểm toán Nhà nước phát hiện tại Công ty Tài chính Sông Đà đã có những dấu hiệu bất thường trong việc huy động và sử dụng vốn như về chi lương, thủ tục đầu tư không rõ, sai phạm trong mua bán máy móc...
Lãi giảm mạnh, nợ “khủng”
Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011 của 27 tập đoàn, tổng công ty là DNNN cho thấy, suy thoái và những khó khăn của nền kinh tế đã tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. 23/27 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh vẫn có lãi, nhưng con số lãi rất thấp và mức lãi giảm mạnh so với năm 2010. Có 4 tập đoàn, tổng công ty thua lỗ.
Tương tự, tại các tổ chức tài chính, ngân hàng, hầu hết các đơn vị có lợi nhuận không cao hoặc giảm so với trước đó. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, một số đơn vị còn không đảm bảo tỷ lệ an toàn tại nhiều thời điểm theo quy định của NHNN; một số chứa đựng nhiều rủi ro, nguy cơ mất vốn lớn do ham hố cho vay các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.
Điều đáng lưu ý, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang có số nợ rất lớn, lên tới 54.133 tỷ đồng nợ phải thu, chiếm gần 21% tổng tài sản (tính đến 31/12/2011). Kiểm toán Nhà nước cho rằng, nợ phải trả của các DNNN chiếm đến gần 70% tổng nguồn vốn cho thấy các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng, vi phạm quy định về mức độ huy động vốn, sử dụng vốn vay không hiệu quả...
Riêng về nợ xấu, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho hay quan này đang tiến hành kiểm toán 3 ngân hàng là Vietcombank, Agribank và Vietinbank. Cùng với báo cáo của các ngân hàng thương mại cổ phần khác, cơ quan này sẽ có riêng báo cáo về tình hình nợ xấu của các ngân hàng tính đến thời điểm 30/6/2012.
Năm 2012, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán của 15 Bộ, cơ quan trung ương; 28 tỉnh, thành trực thuộc Tung ương; 37 dự án đầu tư xây dựng; 4 dự án chương trình mục tiêu quốc gia;18 chuyên đề; 34 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tổ chức tài chính ngân hàng; 20 đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh; 4 đầu mối thuộc cơ quan Đảng (6 thành ủy, tỉnh ủy; Thành ủy TP.HCM; Thành ủy Hà Nội; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM) và kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2011 tại Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT. |
Ngọc Hà