Cuộc ganh đua giữa các ông trùm hàng hiệu đang vào cao trào khi hàng loạt thương hiệu cao cấp nổi tiếng trên thế giới đã và đang đổ bộ vào Việt Nam.

Kẻ tám lạng, người nửa cân

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific - IPP) được mệnh danh là “ông trùm” hàng hiệu tại thị trường Việt Nam. Tên tuổi của ông và IPP gắn liền với hệ thống cửa hàng thời trang và mỹ phẩm chuyên bán hàng hiệu.

Hàng thời trang cao cấp được IPP đưa về và bán tại khu mua sắm Rex Arcade (TP.HCM) và các trung tâm thương mại nổi tiếng tại Hà Nội. Hiện IPP đã chiếm 70% thị trường hàng hiệu cao cấp tại Việt Nam.

Đầu năm 2011, ông Nguyễn đã đầu tư hơn 40 triệu USD cho trung tâm mua sắm hàng hiệu cao cấp Rex Arcade (tại Khách sạn Rex).

IPP tiếp cận được tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH (Pháp) để phân phối các nhãn hiệu cao cấp, như Chanel, Burberry, Cartier, Salvatore Ferragamo, Rolex... tại Rex Arcade.

Ngoài Rex Arcade, ở Sài Gòn, IPP còn có các địa điểm phân phối khác tại trung tâm thương mại Vincom, trung tâm thương mại Eden (khai trương ngày 10/10/2012). Tuy nhiên, ông tiếp tục bắt tay “đại phẫu” Tràng Tiền Plaza (Hà Nội), mong ước của ông mới được đáp ứng.

{keywords}

Để biến Tràng Tiền Plaza thành trung tâm thương mại chuyên về hàng hiệu theo đẳng cấp quốc tế, ông trùm Johnathan Hạnh Nguyễn đã rót 400 tỷ đồng cải tạo bên ngoài khu trung tâm thương mại này. Tổng số tiền hoàn thiện cho 112 gian hàng tại Tràng Tiền Plaza lên đến 150 triệu USD, tương đương 3.000 tỷ đồng.

Việc Tràng Tiền Plaza mở cửa trở lại vào giữa tháng 4 vừa qua đã hút hơn 40 thương hiệu quốc tế hàng đầu đổ bộ vào Việt Nam, với những hợp đồng cam kết dài hạn.

Thế nhưng, trong lộ trình tham vọng của ông trùm Johnathan Hạnh Nguyễn, Tràng Tiền Plaza sẽ không là điểm dừng chân cuối cùng. Ông đang ấp ủ tham vọng, 10 năm nữa sẽ mở một trung tâm thương mại lớn nhất tại Việt Nam, như mô hình Asia Mall của Philippines. Trung tâm sẽ có quy mô hơn 380.000 m2, bán cả hàng hiệu và hàng hóa khác. Ông dự tính, tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Song song đó, IPP cũng sẽ đầu tư mở một khu chuyên bán hàng lỗi mốt, khuyến mãi...

Đại kình địch của Johnathan Hạnh Nguyễn là ông Đoàn Viết Đại Từ, Chủ tịch Openasia Group. Lĩnh vực kinh doanh chính của Openasia Group là dịch vụ ngân hàng đầu tư và tư vấn tài chính. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, đại gia này đã dần đa dạng hóa chiến lược đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm phân phối hàng cao cấp, kinh doanh thiết bị hàng không, công nghệ, du lịch, thủ công mỹ nghệ, thẻ tiêu dùng thông minh. Dù là lĩnh vực mới, nhưng phân phối hàng hiệu đã nhanh chóng chiếm hơn 60% danh mục đầu tư và tổng doanh thu hàng năm của Openasia Group.

Mô hình kinh doanh hàng hiệu của tập đoàn này là nhập khẩu và phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng từ chính hãng thông qua hệ thống cửa hàng bán lẻ cao cấp do chính họ đầu tư.

Vị chủ tịch Openasia Group cũng sẵn sàng chi số phí đầu tư ban đầu cho một cửa hàng bán lẻ hàng hiệu cao cấp từ 2 triệu USD đến 4 triệu USD, thậm chí có thể lên tới 6 triệu USD. Trong đó, riêng tiền mặt bằng có thể ngốn của Openasia Group hàng triệu USD mỗi tháng.

Hiện Openasia Group đã đầu tư 9 cửa hàng phân phối hàng hiệu tại Hà Nội và TP.HCM, với vốn đầu tư mà theo giới bán lẻ hàng hiệu trong nước dự đoán có thể lên tới 70 triệu USD. Hiện tất cả các thương hiệu thời trang cao cấp do Openasia phân phối như Hermes, Hugo Boss, Kenzo, Atelier, Korloff, Chopard , B&O đều tọa lạc tại 3 vị trí “kim cương” là Rex Arcade, Vincom A (TP.HCM) và Tràng Tiền Plaza (Hà Nội).

Đặc biệt, ông Đại Từ còn liên kết với Công ty Coffee Concepts (Việt Nam), một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Maxim (Hồng Kông), để đưa thương hiệu cà phê Starbucks vào Việt Nam hồi đầu năm nay như một cuộc cạnh tranh đối đầu với ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Bởi trước đó, công ty con của Johnathan Hạnh Nguyễn (là Cánh Diều Xanh) đã hợp tác với Burger King, nên không thể hợp tác với Starbucks.

Kinh doanh hàng hiệu: Cần đầu tư đúng đẳng cấp

Cần nhắc lại rằng, Tràng Tiền Plaza đã từng qua tay nhiều chủ đầu tư và từng được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều thương hiệu lớn, nhưng thực tế, đã không thành công. Tuy nhiên, khu trung tâm thương mại bậc nhất Thủ đô này đã trở lại cuộc đua thu hút hàng hiệu khi ông Johnathan Hạnh Nguyễn bắt tay vào cuộc “đại phẫu”.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, cách thu hút các thương hiệu quốc tế cao cấp về Tràng Tiền Plaza là đầu tư đúng đẳng cấp. Hàng hiệu là biểu tượng của chất lượng cao, đẳng cấp vượt trội, mang đến những giá trị tinh tế, đầy sáng tạo, giàu cảm xúc. Vậy nên, ngoài việc đầu tư cho một gian hàng đạt chuẩn hạng sang lên tới vài triệu USD, các thương hiệu cao cấp này còn đòi hỏi không gian hoàn hảo đến từng chi tiết, mà nhiều doanh nghiệp trong nước khó lòng theo kịp.

Theo giới kinh doanh hàng hiệu, hiện việc kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam vẫn gặp những rào cản nhất định.

Chẳng hạn, hàng hiệu ở Việt Nam vẫn bị gọi là hàng xa xỉ, và bị áp thuế suất rất cao. Đây là một khó khăn đáng kể, khiến Việt Nam khó cạnh tranh được với các nước có mặt bằng thuế thấp hơn. Singapore và Hồng Kông áp thuế suất hàng hiệu bằng 0%, Thái Lan và Philippines là 5%, trong khi Việt Nam là 25 - 30%.

Ông Lê Hoàng Chương, Tổng giám đốc Công ty Thời gian thành phố (Cititime), người góp phần mang nhiều thương hiệu đồng hồ nổi tiếng thế giới về Việt Nam và gần đây nhất là thương hiệu S.T Dupont (Pháp), cho hay: “Trong những năm qua, đã có nhiều thay đổi về thuế suất theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần có thêm chính sách thuế suất ưu đãi, để Việt Nam có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Trước mắt, rào cản về thuế suất này tự giới kinh doanh phải đồng hành cùng nhau, chấp nhận giảm lợi nhuận, để kéo giá hàng hiệu tại Việt Nam xuống mặt bằng chung với các quốc gia trong khu vực”.

Đầu tư hàng hiệu hiện còn gặp một khó khăn khác là vốn đầu tư lớn, nhưng thời gian hoàn vốn chậm. Trong khi đó, sức mua đang giảm, do kinh tế chưa ổn định.

Tuy nhiên, theo tính toán của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, hai khó khăn trên có thể bù đắp bằng sức mua của du khách quốc tế. Các thương hiệu lớn xuất hiện cũng nâng đẳng cấp du lịch của Việt Nam lên một tầm mới.

Được biết, IPP đang phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xúc tiến chương trình: “Năm du lịch hàng hiệu 2013” tại Việt Nam, nhằm thu hút ngoại tệ thông qua việc mua sắm hàng hiệu cao cấp từ hàng triệu du khách nước ngoài.

Hiện lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trở lại. Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2013, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,54 triệu lượt khách, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2012.

Tuy nhiên, tham vọng của giới kinh doanh hàng hiệu là không chỉ hút ngoại tệ của du khách nước ngoài, mà còn nhằm thu hút khách nội địa. Mục đích là giúp Việt Nam giữ lại ngoại tệ.

Hiện tốc độ phát triển của thị trường hàng hiệu tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh. Theo ông Lê Hoàng Chương, nếu các doanh nghiệp trong nước biết liên minh lại với nhau, thì việc kinh doanh hàng hiệu không khó. “Sớm muộn gì, Việt Nam sẽ đủ mặt anh tài, người giàu trong nước không cần phải ra nước ngoài mua sắm”, ông Chương nói.

Hơn nữa, Việt Nam đang nổi lên những nhân vật có thể coi là tín đồ của hàng hiệu. Điều này, khiến các chuyên viên về hàng hiệu thế giới dễ dàng đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh theo chuẩn hóa của thông lệ quốc tế, để mở rộng kênh tiêu thụ hơn nữa.

(Theo Đầu tư)