Lo sợ trước thông tin bún nhiễm độc, người tiêu dùng đã quay mặt, từ chối dùng bún khiến cho các cơ sở kinh doanh, hàng quán điêu đứng.

Giảm 50%

Trong một tuần qua, hầu hết các của hàng bún chả có mặt trên thị trường TP.HCM kinh doanh đã sụt giảm đến 50%, thậm chí là nhiều hơn. Trào lưu bún phở Hà Nội (bún đậu, bún chả) mới xuất hiện ở TP.HCM trong thời gian ngắn đã nhanh chóng thoái trào.

Bà Lê Thanh Hoa, chủ quán bún chả đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh cho biết: “Những ngày gần đây lượng khách hàng đến ăn tại quán cũng như đặt qua điện thoại đã giảm đến 50%. Ngay từ khi mở quán tôi đã nghiên cứu kỹ để lựa chọn bún đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bún không bóng, có mùi hơi chua, không dai…Tuy vậy khách hàng vẫn có phản ứng với tất cả loại bún, ngay cả những khách hàng quen cũng muốn tẩy chay mặt hàng này”.

{keywords}
Nhiều nhà hàng loại bún khỏi thực đơn.

Cùng chung cảnh ngộ, các hàng bún đậu mới nổi, tình hình kinh doanh ngày càng hẩm hiu, có quán một ngày chưa đến 10 khách. Ngay cả những nhà hàng lớn thì cũng đã loại bỏ bún ra khỏi thực đơn, những món có liên quan đến bún đều phải tìm thực phẩm khác thay thế.

Cụ thể, nhà hàng tiệc cưới Đại Dương, đường Phan Văn Trị quận Gò Vấp cũng không sử dụng bún trong các món lẩu như trước đây mà thay thế bằng các loại mì.

Ông Huỳnh Thế Quân, quản lý nhà hàng cho biết: “Trước đây nhà hàng vẫn sử dụng các loại bún cho các món lẩu. Tuy nhiên thời gian gần đây nhiều khách hàng đặt tiệc đề nghị điều chỉnh thực đơn và thay thế bún bằng các loại mì. Thông tin bún có chứa độc tố cũng khiến nhiều khách hàng đến dự tiệc ở đây dè chừng, mặc dù nhà hàng có xử lý bún qua nước sôi để đảm bảo vệ sinh.”

Hàng quán điều chỉnh thực đơn khiến kênh phân phối từ các chợ cũng sụt giảm nhanh chóng. Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn TP.HCM: chợ Văn Thánh, Vườn Chuối, Bà Chiểu, Thị Nghè…sức tiêu thụ bún, bánh phở tươi giảm tử 50-70%. Hầu như ở chợ nào những gian hàng bán các loại mặt hàng này luôn vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có người hỏi mua nhưng cũng mua với số lượng rất ít.

{keywords}

Người chủ quán này cho biết sau tin bún nhiễm độc, lượng khách giảm trên 50%. Ảnh: Đinh Tuấn

Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) chúng tôi ghi nhận, suốt một dãy dài ki-ốt kinh doanh bún thưa thớt khách hàng, nếu khách ghé vào thì họ cũng ít mua bún mà họ mua các sản phẩm khác.

Chị Tuyến, chủ một sạp bún ở đây cho biết: từ ngày báo chí đưa thông tin về bún bị nhiễm độc, lượng người mua giảm hẳn. Bún bán ở đây hầu hết lấy từ những lò bún từ Thủ Đức và quận 5, khi nhập bún từ các lò, chị cũng bắt buộc các chủ lò phải có giấy tờ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng.

Nếu ngày thường chị Tuyến có thể bán hết 200 kí bún tại quầy và còn bỏ được thêm khoảng 100 kí bún cho các quán ăn quanh khu vực chợ, nay lượng bún mà chị bán chỉ còn gần một nửa.

Trong khi đó tại chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3) tình hình kinh doanh của những sạp bún ở đây cũng không khả quan. Người bán chỉ biết “ngồi đuổi ruồi” và chờ một vài vị khách vào coi hàng xong…bỏ đi

Cô Hạnh, chủ một gian hàng khô ở đây nói với chúng tôi: trước đây ngày nào cũng nhập 40-50 kí về bán kiếm thêm, nhưng từ khi có tin bún bị nhiễm độc thì mỗi ngày chỉ dám nhập khoảng 15 kí, vậy mà có ngày bán không hết.

Xưởng bún treo máy

Lo lắng trước thông tin bún, phở tươi có chứa chất làm trắng huỳnh quang có thể gây ung thư nên người tiêu dùng đã chuyển sang các sản phẩm thay thế như bún khô, hay loại thực phẩm khác… Để an toàn, phần lớn người tiêu dùng đều cho rằng, chưa biết kết quả kiểm nghiệm ra sao nhưng hiện tại tạm thời nói “không” với bún.

Không phải toàn bộ các cơ sở sản xuất bún đều sử dụng độc tố, tuy nhiên thông tin bún có độc đã ảnh hưởng toàn bộ thị trường.

{keywords}

Cảnh vắng vẻ tại một quầy bán bún ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TPHCM) Ảnh: Đăng Biên

Các cơ sở đều phải giảm công suất sản xuất, lượng tiêu thụ cũng giảm liên tục vì phản ứng của thị trường và người tiêu dùng. Nhiều cơ sở thậm chí phải đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Theo chị Phan Thị Mai, chủ cơ sở bún Kiều Trang tại Gò Vấp: sau khi thông tin bún tươi có sử dụng chất tinopal đã làm ảnh hưởng đến nhà sản xuất cũng như các hệ thống phân phối. Trước đây mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 3 tấn bún thì trong 2 tuần trở lại đã phải giảm công suất xuống còn một nửa vì không tiêu thụ được. Đơn hàng từ siêu thị cũng đã điều chỉnh từ 1 tấn/ngày xuống còn 500kg/ngày.

“Hiện chúng tôi cũng đang mong mỏi sớm có kết quả chính thức từ cơ quan chức năng để tình hình có thể ổn định trở lại.” - chị Mai nói

Trong khi đó vấn đề đảm bảo ổn định sản xuất khiến anh Nguyễn Văn Tình cơ sở bún Hiền Thành, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức lo lắng: “Lượng bún xuất xưởng mỗi ngày chỉ còn 1/3 trước đây. Như vậy cơ sở cũng phải cho công nhân nghỉ hết hơn một nửa vì không chạy hết công suất. Mặc dù không muốn nhưng cơ sở không thể cáng đáng nổi”.

“Hiện tại vẫn chưa có kết quả chính thức từ các cơ quan chức năng, người tiêu dùng đã quay lưng với bún, tình trạng này kéo dài sẽ không ít cơ sở bún phải đóng cửa”, anh Tình lo lắng.

Phát hiện thêm chất cực độc trong bún

Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TPHCM, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Sắc ký Hải Đăng, ngoài chất cấm tinopal, nhiều mẫu bún tại TPHCM có cả acid oxalic rất độc hại cho thận, gan, bị cấm dùng trong thực phẩm.

“Tinopal tìm thấy trong bún tươi là loại tinopal CBS-X được dùng trong sản xuất bột giấy và xà phòng. Dùng chất này sẽ gây hư thận, suy gan và dùng lâu dài chắc chắn sẽ gây ung thư”, GS Sơn cảnh báo.

Ông nói: “Acid oxalic còn nguy hiểm hơn khi gây sỏi thận, kích thích làm phát cơn hen suyễn và gây ung thư. Trên thế giới chưa có báo cáo nào cho thấy người ta dùng chất huỳnh quang trong bún hay gạo mà chỉ có ở Việt Nam”. Theo ông nhiều mẫu bún được phân tích cũng phát hiện có chất bảo quản sodium benzoate vượt 100mg/kg. Những chất này giúp bún tươi lâu, chống ôi thiu.

(Theo Tienphong)

Nam Phong - Đăng Biên