Hình thành một cách ngẫu nhiên, chẳng có hóa đơn, không quảng cáo rầm rộ nhưng vẫn bán được hàng và tồn tại gần 10 năm nay, đó là chợ “mua của người chán, bán cho người cần” ở phường 15, quận Tân Bình, TPHCM.

Cùng đường, tìm ra nghề mới

Không trụ được với nghề giáo ở Tây Ninh, năm 1996 chị Trần Thị Lệ - chủ tiệm bán đồ cũ Hòa Lệ - lên Sài Gòn tìm kế mưu sinh với đủ nghề từ mua ve chai, nhà nát đến bán xe ba gác cũ cho những ai cần... Năm 2006, nhà nước cấm xe ba gác, chị chuyển sang bán đồ cũ cho công nhân, sinh viên, lao động nhập cư nghèo. Món đồ xài rồi đầu tiên chị mua là hàng thanh lý của một cơ quan. Từ đó chợ đồ cũ chính thức hình thành với sự ra đời của tiệm bán đồ cũ Hòa Lệ ở đường Tân Sơn.

Buôn bán gặp thời, kinh tế đất nước lúc đó phát triển nên nhiều người mở quán, làm nhà..., nhu cầu mua đồ cũ rất cao, vì thế hàng giá “mềm” của Hòa Lệ bán khá chạy. Vài chục nhân công ở đây thu mua, sửa chữa, tút lại đồ cũ, chở hàng giao cho khách... làm không hết việc. Hầu hết các tiệm “sinh sau đẻ muộn” ở chợ đồ cũ này đều học theo mô hình kinh doanh của Hòa Lệ vì các chủ tiệm đa phần từng làm ở đây.

{keywords}

Buôn bán nhỏ nhưng chợ này cũng thăng trầm theo nền kinh tế đất nước. “Thời gian mới mở, tiệm lúc nào cũng nườm nượp khách vào ra. Nhờ vậy, vợ chồng tôi mới có tiền nuôi hai con ăn học đàng hoàng. Khi kinh tế đi xuống, quán xá đóng cửa nhiều, nhà ít xây nên hàng bán chậm dần. Giờ thì khách chỉ lèo tèo, tuy vậy vẫn phải bám nghề vì đã lỡ “ôm” hàng trong kho nhiều quá rồi”, chị Lệ tâm sự.

Đã chọn nghề phải gắn bó

Học tập mô hình bán buôn của Hòa Lệ, hàng chục tiệm tương tự ra đời dọc đường Phạm Văn Bạch, song song với đường Tân Sơn. Chợ đồ cũ nhờ thế cũng nhộn nhịp, đến mức đã “thành danh” trên hai con đường này ở phường 15, Q.Tân Bình, TPHCM.

Hàng hóa ở đây rất da dạng, như tủ lạnh, tủ đông, tivi, bàn ghế, chén đũa, móc treo đồ... đủ đáp ứng nhu cầu mở quán... của những ông bà chủ ít vốn. Được biết trước đây nhiều người thu mua đồ cũ phải rong ruổi khắp thành phố, vất vả tha từng món về bán cho các chủ tiệm nhưng bị chê õng chê eo nên họ quyết định “mua tận gốc, bán tận ngọn” những món không còn mới này để kiếm thêm đồng lời, từ đó góp phần làm gia tăng sự nhộn nhịp ở khu vực. Nhưng cũng vì đông người bán mà chỉ lèo tèo khách mua nên các tiệm phải cạnh tranh khốc liệt để giữ mối. Có tiệm còn tốn tiền triệu quảng cáo trên báo hàng tháng để thu hút khách và bán kèm đồ mới cho phong phú...

Làm nghề này phải túc trực thường xuyên tại tiệm, bán suốt tuần không nghỉ. Nếu có việc đột xuất thì phải đóng cửa, thuê người bảo vệ. Mở tiệm đồ cũ đòi hỏi diện tích lớn, trên 120m2, nên mặt bằng phải thuê có khi lên đến hàng chục triệu đồng/tháng, tiền nhân công 200 ngàn đồng/ngày/người. Vì thế khi kinh tế đất nước gặp khó khăn, chợ đồ cũ buôn bán rất chậm, nhiều chủ tiệm cầm cự không nổi, một thời gian sau buộc phải giải phóng hàng tồn bằng cách bán phế liệu.

Gian nan là thế nhưng khi được hỏi có muốn bỏ nghề vì buôn bán ế ẩm không thì người nào cũng lắc đầu. “Trót chọn rồi thì phải theo. Nghề này cũng thú vị vì giúp khách tiết kiệm được chi phí. Bán chậm một chút nhưng vẫn có thể đắp đổi qua ngày. Hy vọng kinh tế đất nước hồi phục dần, hàng hóa rồi sẽ bán chạy hơn”, chị Đặng Thị Thúy Hằng - chủ tiệm đồ cũ Thanh Hằng mới mở được hơn 3 năm nay - khẳng định. Còn chị Lệ thì tươi cười cho biết: “Khó khăn rồi cũng sẽ qua. Hàng mình phong phú, đồ cũ giá rẻ hơn hàng mới 35-40%, chất lượng lại tương đương nên chắc chắn vẫn thu hút khách. Chừng nào còn sinh viên, công nhân và dân nhập cư lao động nghèo thì chợ đồ cũ ở P15Q.Tân Bình vẫn có cơ hội tồn tại”.

(Theo CATPHCM)