- Làn sóng trẻ hóa, Tây hóa người điều hành DN lớn đang có dấu hiệu chững lại. Không ít đại gia phải đích thân quay lại lèo lái con thuyền do mình xây dựng lên, hoặc cậy đến những gương mặt cũ nhiều kinh nghiệm.

Thay sếp thời biến động

Tháng 7/2013, Tập đoàn FPT (FPT) đã thông qua nghị quyết bổ nhiệm ông Bùi Quang Ngọc, 57 tuổi làm Tổng Giám đốc FPT, thay thế ông Trương Gia Bình.

Ông Ngọc là một trong những nhân vật kỳ cựu, là thành viên sáng lập và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT. CEO mới của FPT là đồng niên, là bạn học phổ thông với ông Trương Gia Bình. Ông Ngọc là một trong số ít người chưa từng bán cổ phiếu từ khi FPT lên sàn. Ông hiện là cổ đông lớn thứ 2 tại FPT sau ông Bình với 10,2 triệu cổ phiếu (3,7% cổ phần).

{keywords}
FPT liên tục đổi tổng giám đốc.

Ông Ngọc là nhân vật tiếp theo trong chuỗi hay đổi vị trí CEO một cách ‘bất đắc dĩ” của FPT. Trước đó, FPT đã hai lần chuyển giao quyền lực vị trí CEO cho thế hệ thứ hai nhưng đã thất bại. Hai gương mặt nổi đình đám là Trương Đình Anh và Nguyễn Thành Nam đều đã không trụ được lâu.

Gần đây, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng đã vời bà Đàm Bích Thủy - người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng về làm tổng giám đốc.

Vụ chuyển giao quyền quản trị cho thế hệ thứ 2 tại Tập đoàn Hoa Sen (HSG) hồi năm 2011 không những không thành công mà còn là một sự cố đáng tiếc với những cuộc đấu khẩu và kiện tụng rùm beng.

Trong trường hợp Quốc Cường Gia Lai (QCG), mặc dù doanh nghiệp này mang tên đại gia Cường đô-la nhưng trên thực tế người xây dựng lên QCG và vận hành doanh nghiệp này từ trước cho đến nay vẫn là bà Nguyễn Thị Như Loan, mẹ ông Quốc Cường.

Người quen và kinh nghiệm

Những trục trặc tại FPT, HSG hay QCG… gần đây cho thấy một thực trạng, việc chuyển giao vai trò lãnh đạo trực tiếp cho những người trẻ hơn không hề dễ dàng và luôn được như mong muốn của những người gây dựng lên doanh nghiệp.

Trong trường hợp của FPT, sự năng động của sức trẻ, của thế hệ thứ 2 dường như chưa theo kịp kinh nghiệm của những con người như ông Trương Gia Bình và ông Bùi Quang Ngọc. Mặc dù là người rất kín tiếng nhưng ông Ngọc là người tham gia điều hành hầu hết các hoạt động chính của tập đoàn như tham gia vào ban lãnh đạo của Công ty Đầu tư FPT, Đại học FPT và FPT Telecom và có liên quan đến Công ty TNHH Bất động sản BQ…

Trước đó, với việc bổ nhiệm ông Trương Đình Anh vào vị trí tổng giám đốc, FPT được kỳ vọng sẽ có những bước tiến nhanh chóng nhờ vào sự năng động, tài năng và sự khát vọng của vị CEO trẻ tuổi này. Tuy nhiên, kết cục đã không như mong muốn. Ở một cấp độ cao hơn, quy mô lớn hơn, việc điều hành xem ra không phải dễ dàng.

Với nhiều NĐT, việc tổ chức lại đội ngũ quản lý cao cấp đang được xem như là một sự cẩn trọng, chuẩn bị cho một giai đoạn mới. Trường hợp QCG, cho dù công ty mang tên đại gia Cường đô-la nhưng trên thực tế, Nguyễn Quốc Cường chỉ nắm một số lượng cổ phiếu rất ít (khá khiêm tốn với 0,41% so với mức gần 48% bà Loan nắm). Ông Cường cũng chỉ nắm chức vụ phó giám đốc, người công bố thông tin nhưng trên thực tế cũng không thấy có hoạt động gì. Hơn nữa, trong giai đoạn khó khăn và đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường BĐS đi xuống, việc chuyển giao cả một DN lớn cho thế hệ trẻ hơn chắc chắn là điều cần cân nhắc kỹ.

Tre già măng mọc,, những doanh nhân nổi tiếng xây dựng lên những tập đoàn quy mô lớn nhưng họ sẽ không thể mãi ngồi trên vị trí điều hành được. Việc tìm kiếm người thay thế là cần thiết. Tài năng và sự năng động của thế trẻ có thể giúp doanh nghiệp bật lên rất nhanh nhưng sự chuyển giao là một quá trình và sự cẩn trọng không bao giờ thừa.

Mạnh Hà