Hà Nội hiện có 2.710 hiệu cầm đồ đang hoạt động dưới nhiều hình thức như công ty, hộ kinh doanh cá thể hoặc văn phòng giao dịch. Nguồn thu ngân sách từ loại hình kinh doanh này không cao, nhưng những nguy cơ, phức tạp tiềm ẩn của nó đối với ANTT thực sự đáng lo ngại.

Chớ dại “dính” đến “quân” cầm đồ

Hoạt động cầm đồ không đơn thuần chỉ là việc thế chấp, cầm cố tài sản để vay tiền và trả lãi. Nhiều hiệu cầm đồ treo biển, nhưng nguồn “kiếm ăn” chính lại là cho vay nặng lãi. Anh Lê Văn Bảo, nhà ở quận Hai Bà Trưng, biết và thấm thía hoạt động ngầm này của hiệu cầm đồ, bởi đơn giản, anh từng là nạn nhân trong vụ án bắt giữ người trái pháp luật, cướp tài sản, do một chủ nợ - chủ hiệu cầm đồ gây ra.

Anh Bảo có 4 cửa hàng kinh doanh máy tính trên địa bàn Hà Nội. Đặc thù nghề nghiệp khiến anh Bảo thường xuyên cần những nguồn tiền lớn, đột xuất. Và một trong những “nguồn” cung cấp tiền cho anh Bảo là Nguyễn Văn Hùng, 27 tuổi, nhà ở huyện Thanh Trì. Hùng có nhiều cửa hiệu cầm đồ trên địa bàn thành phố. Giao dịch vay “nóng” giữa anh Bảo và Hùng diễn ra từ nhiều năm nay, và khoảng năm 2011, người chủ hiệu máy tính vay của Hùng số tiền 8 tỷ đồng, lãi suất 6% tháng. Trong gần 1 năm, anh Bảo túc tắc trả lãi hàng tháng và trả được một nửa số tiền gốc. “Tiến độ” thanh toán cho đến khi cả gốc và lãi vẫn còn 4 tỷ đồng thì bị chậm lại, do việc kinh doanh của anh Bảo gặp khó khăn. Tuy nhiên, anh Bảo vẫn cam kết mỗi tháng chuyển cho Hùng gần 250 triệu đồng tiền lãi.

{keywords}

Nhưng, câu chuyện không đơn giản như suy nghĩ của anh Bảo. Một đêm mưa, “chủ nợ” Nguyễn Văn Hùng cùng 3 gã thanh niên mặt mũi cô hồn kéo đến cửa hàng của anh Bảo. Một đối tượng đứng bên ngoài cảnh giới, số còn lại do “chủ nợ” Hùng chỉ đạo ập vào trong. Sau khi giật hết dây điện thoại cố định, tịch thu điện thoại di động, các đối tượng bắt anh Bảo quỳ xuống đất, đồng thời “khoe khéo” chiếc lưỡi lê tự tạo và một vật trông như quả lựu đạn, cho anh Bảo nhìn thấy. Trong gần 3 tiếng đồng hồ, các đối tượng thay nhau đánh đập anh Bảo hết sức dã man. Cho đến khi tinh thần, sức chịu đựng cạn kiệt, anh Bảo buộc phải làm theo các yêu cầu của nhóm chủ nợ.

Hoạt động phạm tội liên quan đến các đối tượng kinh doanh cầm đồ bị xác định có dấu hiệu “nóng” trong vài năm trở lại đây. Có những vụ trước khi bắt giữ “con tin”, chủ nợ cũng là chủ những hiệu cầm đồ chuyên cho vay với lãi suất cao đã cho “đàn em” đổ chất bẩn, chất thải vào nhà “con nợ” để đe dọa, uy hiếp tinh thần, gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn. Gia đình bà Thanh, ở quận Ba Đình, từng là nạn nhân của một số đối tượng hoạt động kinh doanh cầm đồ ở đường Láng, quận Đống Đa.

Cuối tháng 5 vừa qua, gia đình bà Thanh liên tiếp bị kẻ xấu đổ chất bẩn, chất thải như dầu luyn, mắm tôm, tiết lợn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày. Nguyên nhân của những vụ “khủng bố” tinh thần đó về sau đã được lực lượng Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng CSHS - CATP Hà Nội làm rõ, là do con gái bà Thanh nợ chủ hiệu cầm đồ ở đường Láng 100 triệu đồng, chưa có điều kiện để thanh toán. Sau vài lần đòi nợ không được, chủ hiệu cầm đồ đã sử dụng côn đồ thực hiện hành vi “khủng bố” tinh thần.

Không chỉ thực hiện hành vi đe dọa, bắt giữ người trái pháp luật, nhiều hiệu cầm đồ còn “bắt tay” với những đối tượng chuyên trộm cắp, tiêu thụ tài sản phi pháp. Từ đầu năm đến nay, Phòng CSHS và công an một số quận, huyện trên địa bàn thành phố đã phát hiện, thu giữ cả trăm chiếc xe máy là tang vật các vụ trộm cắp, được bọn tội phạm “chôn” tại các hiệu cầm đồ để chờ tiêu thụ đi các tỉnh lân cận.

“Liên minh ma quỷ”

Đó là nhận xét của Thiếu tá Phan Quang Vinh, Đội phó Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS - CATP Hà Nội về những vấn đề liên quan đến công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

“Việc kiểm tra, xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh cầm đồ tương đối khó khăn, bởi các hiệu “cầm đồ” thường liên kết chặt chẽ với nhau. Trên cùng tuyến phố hoặc phường, quận, khi nơi này bị kiểm tra, các đối tượng “cầm đồ” sẽ tự thông báo cho nhau để cùng… đóng cửa hàng” - Thiếu tá Phan Quang Vinh nêu một trong những thủ đoạn đối phó thường được các chủ hiệu cầm đồ áp dụng, nhằm chống đối sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Một cách thức đối phó khác được các cơ sở kinh doanh cầm đồ “áp dụng” là khi bị kiểm tra, chủ cơ sở viện nhiều lý do để không ra mặt. Cơ quan chức năng cứ làm việc với nhân viên, và sẽ chỉ nhận được thái độ “không biết”, “không hiểu”…

Theo Thượng tá Hà Hùng, Phó trưởng Phòng CSHS, hoạt động kinh doanh cầm đồ luôn tiềm ẩn những phức tạp, gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT. Ngoài những thủ đoạn nhằm chống đối sự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của cơ quan công an, nhiều chủ hiệu cầm đồ đã biến tướng hình thức kinh doanh sang loại hình công ty cho thuê tài chính. Đây là thủ đoạn mới, bởi khi chuyển sang mô hình “Công ty cho thuê tài chính”, hoạt động của cơ sở sẽ nằm trong sự điều chỉnh quy định hoạt động của doanh nghiệp, và “né” được sự kiểm tra, quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Ngoài thủ đoạn “lách” mô hình kinh doanh, “giới” cầm đồ hiện nay còn có nhiều biện pháp để “trói” khách giao dịch, đặc biệt với những khoản giao dịch giá trị lớn, bằng cách yêu cầu đối tác trước khi vay một món tiền nào đó sẽ phải viết giấy sang tên, chuyển nhượng nhà, đất hoặc các loại bất động sản có giá trị. “Đây chính là cái cớ để các đối tượng hoạt động kinh doanh cầm đồ sử dụng vũ lực đối với “con nợ” khi không có khả năng thanh toán hòng siết nợ” - Thượng tá Hà Hùng phân tích và khẳng định đó cũng là phần chìm của tảng băng liên quan đến những vụ án manh động liên quan đến hoạt động cầm đồ đã và đang xảy ra…

(Theo ANTD)