- Những thông tin liên quan đến chủ đề tăng giá điện bị Thứ trưởng Bộ Công Thương từ chối trả lời vì đã nói quá nhiều. Phải chăng, cơ quan trực tiếp quản lý lĩnh vực này đã chán những lời ca thán và câu hỏi của người dân? Từ chối trả lời có phải thông điệp để chấm dứt dư luận về vấn đề này?

Né giá điện

Trong buổi họp báo của Bộ Công Thương ngày 5/8, nhiều câu hỏi về giá điện và liên quan đến ngành điện đã được đặt ra.

Trong báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sáu tháng đầu năm EVN đã cân đối tài chính, tổng doanh thu tăng 23% so với cùng kỳ. Tại sao EVN vẫn xin tăng giá điện?. Hay trước đó, tại buổi họp báo ngày 30/7, người phát ngôn Chính phủ là ông Vũ Đức Đam truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu việc tăng giá điện phải lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp. Vậy nhưng bất ngờ Bộ Công Thương ban hành Thông tư 19 cho phép tăng giá điện 5% từ ngày 1-8, Bộ đã lấy ý kiến người dân hay chưa?

Hoặc một vấn đề muôn thuở là Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN công khai, minh bạch giá điện với nhân dân. Có phải Bộ đã làm trái chỉ đạo của Chính phủ? Giá điện Việt Nam có phải đang cao hơn một số nước trong khu vực như Lào, Myanmar, Indonesia hay không?.

Tuy nhiên, giải đáp các bức xúc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chỉ đứng lên nói rằng: “Vừa rồi có rất nhiều câu hỏi liên quan đến giá điện và ảnh hưởng tăng giá điện đến các hộ sản xuất và sinh hoạt. Tôi xin phép tại họp báo chúng tôi không trả lời nữa. 

{keywords}

“Chủ đề này đã được trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7; ngày 1/8, cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực đã trả lời trên VTV1, ngày 3 và 4/8, Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri và Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã trả lời trên VTV về giá điện”, bà Thoa giải thích thêm.

Phản ứng này của Bà Thoa khiến cho báo chí rất chưng hửng không chỉ về vấn đề giá điện tăng nóng và họ cũng không thể lường được tình huống người phát ngôn từ chối thẳng thừng như thế. Vì theo quy định tại Quyết định 25 ngày 4-5-2013 của Thủ tướng về quy chế phát ngôn, người phát ngôn có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp: những vấn đề thuộc bí mật Nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn; các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần thông tin trên báo chí.

Câu trả lời của Thứ trưởng Thoa khiến khán phòng rộ lên vì bất ngờ. Một số phóng viên cảm thấy hụt hẫng, cố hỏi thêm một vài vấn đề chưa rõ về quyết định tăng giá điện cũng bị Thứ trưởng từ chối.

Vậy, với vấn đề giá điện đang được yêu cầu minh bạch sao Bộ Công Thương vẫn từ chối trả lời?

Cần lưu ý rằng, trong chỉ đạo của mình, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu EVN phải tăng cường hơn nữa công tác quan hệ với công chúng, báo chí, giải thích rõ ràng mọi thắc mắc của người dân. 2013 cũng là năm EVN quyết tâm xây dựng “văn hoá EVN” với mục tiêu là nâng cao phục vụ khách hàng, đặc biệt là vấn đề cung cấp thông tin thái độ phục vụ.

Món nợ minh bạch giá điện

Theo EVN, lần tăng giá điện 5% ngày 1-8 chủ yếu do giá than và giá khí vừa qua tăng mạnh. Đặc biệt từ 20/4, Bộ Tài chính cho phép giá bán than bán cho điện tăng bình quân từ 37-41%, làm cho chi phí phát điện của nhiệt điện than tăng lên, tạo sức ép tăng giá. Theo tính toán của EVN đáng lẽ ra giá bán lẻ điện vừa rồi phải tăng 10% mới bù đắp được chi phí.

Hiện EVN đang còn treo 8.000 tỉ do chi phí chạy dầu phát điện trong năm 2011 và hàng ngàn tỉ đồng chênh lệch tỉ giá.

Tuy nhiên có thể thấy rằng, sau mỗi lần tăng giá điện, EVN đã thu về một khoản tiền không nhỏ để bù những khoản lỗ trên. Cụ thể, năm 2012, tổng doanh thu bán điện của tập đoàn này lên tới trên 143.000 tỉ đồng, lợi nhuận trên 5.000 tỉ đồng. Đặc biệt, lần tăng giá ngày 22/12/2012, EVN thu lợi 6.000-7.000 tỉ đồng, trong đó chi 900 tỉ đồng vào chênh lệch giá mua than, 3.800 tỉ đồng mua khí và 3.000 tỉ đồng do chênh lệch tỉ giá.

Với thực tế Việt Nam, khi EVN độc quyền, nhà nước cần điều hành thông qua kiểm soát giá, quy định giá tùy vào thực tế. Chẳng hạn như độc quyền thuần túy thì nhà nước định giá chuẩn, còn cạnh tranh yếu thì cần có giá sàn, trần và khung giá; khi mua thì giá sàn, bán thì giá trần. Nếu để DN tự định giá thì không chỉ 7 cent mà có thể lên đến 3.000-5.000 đồng/kWh.

Về cơ cấu giá điện, theo chuyên gia Ngô Trí Long có ba yếu tố hình thành nên cơ cấu giá điện gồm chi phí phát điện, phân phối, bán lẻ (thuế, phí,... ). Cơ cấu này Bộ Tài chính nắm rất rõ. Trong đó chi phí phát điện rất quan trọng, nhất là thủy điện, bởi đây là hình thức chi phí thấp, phụ thuộc vào tình hình thủy văn, ảnh hưởng trực tiếp đến giá điện.

Vì vậy, Bộ Tài chính, Công Thương cần đặt ra vấn đề tỉ trọng mua điện từ nguồn thủy điện như thế nào để giảm giá thành bình quân đầu vào. Năng lực quản trị của EVN, giảm tổn thất điện năng, chi phí sản xuất và năng lực giám sát của cơ quan quản lý nhà nước để khẳng định việc tăng giá của EVN là hợp lý?

Với tư cách là người từng tham gia trong ban thẩm định, phản biện về giá điện trong các lần điều chỉnh, ông Long tiết lộ, cơ cấu giá điện rất rõ ràng, từng loại chi phí đều được quy định rõ.

Tuy nhiên, mỗi buổi họp kết thúc, EVN luôn thu lại tài liệu sau khi đã phát cho những người tham dự. “EVN luôn nói tăng giá là để bù lỗ, thu hút đầu tư vào ngành điện, nhưng thử hỏi chi phí vận hành điện đã tốt chưa, sử dụng nguyên liệu đã hợp lý chưa, với những khoản chi và đầu tư ngoài ngành thua lỗ thế nào... Minh bạch giá điện vẫn là món nợ" - TS Ngô Trí Long thẳng thắn.

Ngọc Sơn - Nam Hồng