- “Ma trận” sữa trẻ em và hàng loạt vụ bê bối trong thời gian quan đã khiến không ít phụ huynh phải hoang mang, lo lắng trong việc lựa chọn sữa cho con.

“Ngoại” bê bối

Dư luận quốc tế đang xôn xao khi Fonterra - nhà xuất khẩu sữa lớn nhất New Zealand và là hãng sữa lớn thứ tư thế giới - thừa nhận một “vấn đề chất lượng” liên quan tới 3 lô sữa bột whey protein cô đặc sản xuất tại một nhà máy của hãng ở New Zealand vào tháng 5/2012. Kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm lần này của Fonterra đã gây ra một sự chấn động trong ngành công nghiệp sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa ở New Zealand, một trong những ngành kinh tế chủ chốt của nước này.

Theo thông tin từ Bộ Công nghiệp New Zealand, ngoài New Zealand sẽ có 6 nước khác bị ảnh hưởng là Trung Quốc, Úc, Thái Lan, Malaysia, Ả Rập và Việt Nam. Fonterra là hãng sữa lớn thứ 4 thế giới, chuyên về sản xuất và xuất nhập khẩu các sản phẩm từ sữa, với doanh thu hàng năm vào khoảng 16 tỉ USD.

Thủ tướng New Zealand, John Key đã tuyên bố mở cuộc điều tra vụ bê bối sữa nhiễm khuẩn liên quan đến sản phẩm xuất khẩu của tập đoàn sữa này. Tập đoàn sữa Fonterra đã đưa ra lời xin lỗi chính thức về vụ bê bối nói trên. Công ty cũng cho thu hồi những lô sản phẩm nguyên liệu sữa cô đặc bị nghi nhiễm khuẩn tại một số quốc gia mà công ty đã xuất khẩu.

{keywords}
Chọn sữa nào cho con đang vấn đề gây đau đầu các bà mẹ trẻ.

Nhiều quốc gia trong diện chịu ảnh hưởng của vụ bê bối trên cũng đã tiến hành thu hồi những lô sản phẩm sữa bị nghi nhiễm độc. Singapore đang thu hồi sữa Mamil Gold PreciNutri bước 2 dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi; Hồng Kông thu hồi 2 lô sữa công thức Cow & Gate Happy Kid 3 dùng cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi. Nhà chức trách Nga thậm chí còn tuyên bố sẽ cấm nhập các sản phẩm sữa của Fonterra và đã bắt đầu thu hồi các sản phẩm sữa của hãng này, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng Nga không mua các sản phẩm khác của Fonterra.

Cách đây ít lâu, công ty thực phẩm hàng đầu Nhật Bản Meiji đã thu hồi 400.000 hộp sữa bột trẻ em sau khi các mẫu sản phẩm được phát hiện có chứa phóng xạ cesium.Đại diện Meiji cho biết đã tìm thấy phóng xạ cesium với mức 30,8 becquerels. Mức trên nằm dưới giới hạn an toàn của chính phủ (200 becquerels/kg) nhưng hãng sữa vẫn quyết định thu hồi toàn bộ số sữa bột sản xuất trong giai đoạn này.

Năm 2008, vụ bê bối sữa nhiễm melamin tại Trung Quốc đã gây chấn động toàn thế giới. Vụ bê bối này đã ảnh hưởng đến nhiều nước khác bởi các sản phẩm chứa sữa nhiễm bẩn nhập từ Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá rằng đây là vụ vệ sinh an toàn thực phẩm lớn nhất từ trước đến nay mà họ phải đối phó.

Sữa nhiễm melamine tại nước này làm thiệt mạng 6 trẻ em và gây thương tật cho gần 300.000 trẻ nhỏ sử dụng các sản phẩm sữa, sữa bột nhiễm hóa chất. 3 năm sau bê bối sữa nhiễm độc, Công an Trung Quốc đã bắt giữ 26 tấn sữa bột nhiễm melamine tại một cơ sở sản xuất kem ở miền nam nước này. Trung Quốc cũng thông báo đóng cửa 50% công ty sản xuất sữa trong nước do không đủ năng lực hoạt động và đảm bảo các yêu cầu về chất lượng.

Năm 2010, hãng sữa Abbott Laboratories của Mỹ đã phải thu hồi hàng triệu hộp sữa Similac dành cho trẻ sơ sinh vì có thể chứa côn trùng. Công ty cho hay sản phẩm sữa cho trẻ em bị thu hồi vì có thể chứa một loại bọ cánh cứng nhỏ hoặc ấu trùng, có thể gây đau bụng và các vấn đề về tiêu hóa. Vụ việc dự tính đã gây thiệt hại cho Abbott khoảng 100 triệu USD.

Hãng sữa nổi tiếng thế giới Nestlé của Mỹ mới đây thông báo tự nguyện thu hồi hơn 200.000 hộp sữa bột hương vị chocolate Nesquik vì có thể nhiễm khuẩn salmonella, gây bệnh tiêu chảy. Các sản phẩm bị thu hồi này chỉ được phân phối tại Mỹ, với các hộp 309g, 618g và 1153g, được sản xuất vào đầu tháng 10/2012. Triệu chứng phổ biến khi nhiễm khuẩn Salmonella là tiêu chảy, đau bụng, sốt. Bệnh thường kéo dài 4 - 7 ngày, phần lớn người bệnh có thể tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng nếu xảy ra ở trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai hoặc người có hệ miễn dịch yếu.

“Nội” hoang mang

Tại Việt Nam, người tiêu dùng hoang mang khi 3 thương hiệu sữa có tiếng trên thị trường là Similac, Dumex, Karicare (xách tay) với giá cao ngất ngưởng đồng loạt bị thu hồi. Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, tính đến 16h00 ngày 5/8/2013 Văn phòng đại diện Abbott Laboratories S.A tại Việt Nam đã tiến hành thu hồi 11.600 thùng, còn lại 1.327 thùng từ 2.060 cửa hàng, 90 nhà phân phối tại các địa phương và 5 chuỗi siêu thị.

Tổng số thùng Similac GainPlus Eye-Q nghi nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum đã đưa ra thị trường là 12.927 thùng, đã thu hồi 10.135 thùng. Công việc thu hồi đang được tiếp tục.

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, đây là sự cố thu hồi sữa với số lượng lớn nhất tại Việt Nam từng được ghi nhận trong những năm gần đây. Theo tính toán, hiện vẫn còn khoảng 1.800 thùng sữa nhiễm khuẩn cần thu hồi.

Đây không phải lần đầu tiên người tiêu dùng trong nước lo lắng, từ vụ sữa dê Danlait, không ít người tiêu dùng hoang mang với ma trận sữa nhập khẩu và sự thiếu minh bạch trong công bố thông tin của nhiều hãng sữa hiện nay. Tình trạng nhập nhằng, "phù phép" sữa thành các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng... nhằm lách luật trốn thuế, tránh kê khai đăng ký giá để tăng giá, trục lợi.

Trong vòng sáu năm qua, giá sữa tăng khoảng 30 lần. Riêng từ đầu năm 2013 đến nay, các hãng sữa bột đã ba lần tuyên bố tăng giá. Trước tình trạng đó, các cơ quan chức năng đang xem xét đưa mặt hàng này vào diện kiểm soát giá.

Theo thống kê, trên thị trường Việt Nam đang có gần 500 dòng sản phẩm sữa. Tuy nhiên, lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, và chủ yếu phục vụ cho sản xuất sữa nước. Khoảng 70% còn lại là nhập khẩu, trong đó 50% là sữa nguyên liệu và 20% là sữa thành phẩm.

Theo báo cáo của Euromonitor, doanh thu từ các sản phẩm sữa nước năm 2012 tăng trưởng 21% so với năm 2011, các sản phẩm sữa bột có mức tăng trưởng cao nhất với 23%. Thị trường sữa ở Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào hàng nhập khẩu. Với cơ cấu sản xuất và nhập khẩu như trên, thị trường sữa ở Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào thị trường nước ngoài từ số lượng, chủng loại mặt hàng, giá cả thậm chí cả phương thức mua bán.

Hiện trên thị trường nước ta có khoảng 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm. Đây là một con số không nhỏ để tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh trong ngành sữa. Nhưng trong khi giá sữa nguyên liệu trên thế giới liên tục giảm thì giá sữa trong nước vẫn tăng cao, đặc biệt là đối với các loại sữa bột nguyên hộp nhập khẩu.

Giá một hộp sữa bột cùng loại ở thị trường Việt Nam đang cao hơn 20-30% so với các nước lân cận. Nguyên nhân do chi phí nhập khẩu, thuế nhập khẩu, phân phối sản phẩm và quảng cáo của các hãng hiện nay khá lớn. Điều này đã khiến cho giá sữa bột tăng cao và “trăm dâu” đổ đầu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chất lượng sữa không đảm bảo khiến cho người tiêu dùng thêm một lần nữa hoang mang.

D.Anh