Trong nhiều tư liệu, hiệu phở Cát Tường tại phố Cầu Gỗ được nhắc tới là quán phở đầu tiên ở Hà Nội do người Việt làm chủ.

Thương hiệu này khá tiếng tăm trong những năm đầu thế kỷ XX nhưng ít ai biết về cuộc đời đặc biệt của bà chủ quán cũng như hậu duệ của bà.

Gánh bún dạo làm nên nhiều căn nhà phố cổ

Cụ Trần Thị Bảo, năm nay 90 tuổi, nguyên cán bộ Xưởng phim hoạt họa Việt Nam, trú tại khu Tập thể Văn nghệ sỹ Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội, mà chúng tôi gặp chính là con gái bà chủ hiệu phở Cát Tường Phùng Thị Tài tiếng tăm đó. Cụ Bảo tâm sự: “Mẹ tôi vốn có nghề bán bún gánh. Bà không được học hành gì nên một chữ bẻ đôi cũng không biết. Mãi sau này bà mới được các con đi học về dạy lại chữ. Từ việc gánh bún đi bán khắp nơi, bà lại học lỏm được nghề đóng giày rồi làm nghề ấy. Dần dần, bà có tiền và mua được căn nhà số 108 Cầu Gỗ và mở hiệu phở tại đó. Bà gặp và lấy cha tôi – một người đàn ông đã có vợ ở quê mà mãi sau này bà mới biết”.

Việc kinh doanh khấm khá, bà Tài tiếp tục mua thêm các nhà số 110 và 106 trên phố Cầu Gỗ. Cả 3 căn nhà đó hợp lại vẫn lấy chung hiệu là Cát Tường, chỉ có 1 cửa hàng là bán phở còn 1 cửa hàng bán rượu Tây, cái còn lại bán bánh kẹo. Bà Tài bảo với con gái rằng Cát Tường là “tốt đẹp dài lâu”…Mọi việc ở cửa hàng đều do một tay bà đảm nhiệm.

{keywords}

Cụ Trần Thị Bảo – con gái chủ hiệu phở Cát Tường xưa

Cũng theo lời cụ Bảo, từ hiệu Cát Tường, mẹ của cụ mua được rất nhiều tài sản khác trên các phố lớn. Sự phát triển nhanh chóng ấy đã khiến người phụ nữ với gánh bún ban đầu kia không muốn dừng lại. Bà tiếp tục mở rộng việc kinh doanh nên đã “đốt cháy giai đoạn” bằng cách chơi “họ”. Cụ Bảo nhớ lại: “Tôi nhớ hồi đó phở bán 2 xu 1 bát, vậy mà mẹ tôi dám cầm “họ” 1 vạn đồng Đông Dương. Tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng là những người cùng chơi không có tiền đóng cho mẹ tôi nữa còn mẹ tôi thì vẫn phải trả nợ cho người khác. Vậy là mẹ tôi đành phải cầm cố cả 3 căn nhà trên phố Cầu Gỗ cho ngân hàng và hàng ngày phải trả lãi khá vất vả. Cứ đến cuối ngày, tôi lại thấy người ta đến thu lãi. Cả nhà sống trong nợ nần khá nhiều năm. Thật may, sau này em gái tôi làm ăn khá giả nên đã có đủ tiền để chuộc lại toàn bộ 3 căn nhà ấy cho gia đình và chúng tôi tiếp tục kinh doanh cho đến tận sau này”.

Cụ Bảo kể, tuy mẹ cụ là người làm ăn buôn bán nhưng bà vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động cách mạng: “Bà tham gia vào Hội Phụ lão cứu quốc. Cứ sau những giờ tất tả lo cho quán, tôi lại thấy bà cụ vác búa chim đi đào hầm hàm ếch trên phố Chương Dương thời bấy giờ….Tôi vẫn luôn tâm đắc lời mẹ tôi nói là “cứu một người phúc đẳng hà sa”. Thế nên, mẹ tôi dù bận bịu nhưng bà vẫn rất tích cực như thế”, cụ Bảo nhớ lại.

1.000 cây vàng và 1 nếp gia phong

Hiệu phở Cát Tường được ghi nhận là quán phở đầu tiên ở Hà Nội do người Việt làm chủ bởi thời bấy giờ cũng đã có một quán phở khác khá nổi tiếng nhưng là của người Tàu bán tại Bờ Hồ. Bà chủ quán phở người Việt đầu tiên đó vốn là một cô gái sống trên phố Lò Đúc, có tên là Phùng Thị Tài.

Mặc dù là người không được học hành nhưng bà chủ hiệu Cát Tường vẫn lo cho các con ăn học đầy đủ. 14 lần sinh nở, bà chỉ giữ lại được 9 người con. Người vợ cả của chồng bà mất sớm, để lại một người con trai, bà Tài lại đón ra Hà Nội chăm bẵm, nuôi dưỡng, lo chuyện học hành.

Cả 10 người con ấy của bà chủ hiệu Cát Tường sau này có người thành bác sỹ, giáo viên, người làm ngân hàng, người vào quân đội… Theo cụ Bảo, các con cháu của cả gia đình sau này đều có cuộc sống khấm khá. Điều đáng mừng nhất là cả một gia đình lớn như thế nhưng các con các cháu không có ai vướng vào tệ nạn gì, đều là những người chăm chỉ học hành, làm ăn.

Nói về hiệu phở Cát Tường, cụ Bảo cho biết, sau này hiệu không còn bán phở mà chuyển sang bán mì vằn thắn, sủi cảo…. Thế nhưng, các anh em trong gia đình của hiệu Cát Tường đều đã có những công việc nhất định. Họ họp nhau lại và quyết định bán cả 3 căn nhà trên phố Cầu Gỗ vào năm 1996 với tổng trị giá hơn 1.000 cây vàng. Đó cũng là lúc hiệu Cát Tường chính thức chấm dứt hoạt động kinh doanh.

Nghĩ về thương hiệu của gia đình đã xây dựng trong nhiều năm, cụ Bảo cho biết đó là thời điểm phải dừng lại. Anh em nhà cụ tuy có bán căn nhà không được nhiều tiền như thời bây giờ nhưng họ đã không hối tiếc. Theo cụ Bảo, 3 căn nhà đó là một tài sản lớn. Anh em nhà cụ đã nhìn thấy những bài học từ nhiều gia đình đông con khác. Có những gia đình anh chị em lục đục, thậm chí tương tàn nhau chỉ vì tài sản cha mẹ để lại. Vì thế, họ quyết định bán đi chia đều cho nhau để tự lo làm ăn, phát triển. Từ những đồng tiền ấy, mỗi gia đình đều đã sử dụng vào việc làm ăn và đều là những đồng tiền có ý nghĩa cho cuộc sống bản thân, con cháu họ.

(Theo Giadinh)