Thời nay, nhiều đại gia sẵn sàng chi đến vài tỷ đồng để lập một bàn thờ hay xây phủ thờ, lăng mộ hoành tráng. Họ tin rằng, nếu càng làm bàn thờ hoành tráng thì con cháu sẽ càng được phù hộ.

Càng hoành tráng, càng nhiều bổng lộc?

Theo chân một đại gia trong giới kinh doanh dự buổi gặp gỡ bạn bè, có một chủ đề tôi thấy họ cứ nhắc lại nhiều lần. Không phải về lỗ, lãi của doanh nghiệp, không phải về những chốn ăn chơi xa hoa, cũng không phải chuyện về "hồng nhan" muôn thuở, mà đó chỉ xoay quanh chiếc bàn thờ và nhà thờ. Những đồ thờ cũng đủ để họ mất cả tháng để cân nhắc, lựa chọn cho phù hợp với bàn thờ của gia đình. Bên cạnh đó, có người còn phải nhờ đến cả thầy phong thủy đi cùng để chọn đồ thờ theo đúng mệnh của gia chủ.

Ông Nguyễn Văn Thông (SN 1968), người làng Tống Xá (Ý Yên - Nam Định) hiện là một người thuộc hàng đại gia. Hiện ông đang là chủ của một công ty chuyên sản xuất gạch tuynel, có trụ sở tại xã Hiển Vinh (huyện Vụ Bản), đồng thời là chủ một doanh nghiệp đúc. Mới chỉ học hết lớp 6, ông Thông theo nghề đúc gia truyền của cha ông để lại. Ít ai biết người đại gia này đã trải qua tuổi thơ cơ cực, từ chỗ lang thang nay đây mai đó với chiếc xe đạp rách đi bán đồ thờ. Có lúc, ông nghèo đến mức không có một xu dính túi, phải uống tạm nước ruộng cho khỏi chết khát. Song khi giàu lên, ông lại mạnh tay chi tiền

{keywords}

Nói đến bàn thờ của đại gia Thông có lẽ đó là cả một sự tỉ mỉ chọn lựa và đầu tư hoành tráng. Gia đình ông đã dành cả phần đất rộng xây 5 gian thờ, trong đó có 3 gian giữa 2 chái. Nhà xây theo lối của nhà cổ, tất cả đều làm bằng gỗ, có rất nhiều cột. Nền nhà cao so với sân 50cm, có một tường đá ở gian giữa. Chiều rộng giữa 2 cột chừng 4m. Phần bàn thờ được bài trí thành nhiều tầng, mỗi tầng lại tương ứng với một án gian. Hai bên bàn thờ có 4 câu đối ở 4 hàng cột. Đáng nói, cột đều được ông tuyển lựa bằng gỗ lim. Trên cùng của gian thờ có bức trướng, hai cái đôn bằng đồng bày hai bên, hai chiếc lọ bằng gỗ quý và "độc". Ngoài ra, đồ thờ có lư đồng, ly khay đựng hoa quả đồ lễ, 5 chén rượu... tất thảy đều làm bằng đồng. Được biết, năm gian thờ này khi xây hoàn chỉnh hết hơn 3 tỷ đồng, trong đó, riêng giá trị của bàn thờ là trên 1 tỷ đồng. Trong nhà để thờ, ông cho xây một bàn thờ chính và cả một bàn thờ phụ.

Từ chuyện này, tôi lại nhớ, năm 2007, người dân ở thị trấn Ngã Năm (huyện Ngã Năm, Sóc Trăng) đã bàn ra tán vào trước việc ông Trần Công Lộc đã đầu tư chừng 500 triệu đồng để xây phủ thờ. Phủ này được xây dựng công phu trên diện tích 7.000m2, các cột kèo đều được chạm trổ và làm bằng loại gỗ đắt tiền.

Bàn thờ tại gia trị giá hơn 2 tỷ đồng

Cùng là một đại gia ở thế hệ 6X, ông Chu Văn Đình (Vĩnh Phúc), một người trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản đang sở hữu ngôi nhà lớn độc nhất trong vùng với lối kiến trúc cầu kỳ. Trong những cuộc trà dư tửu hậu, vị đại gia này từng nói vui với bạn bè, trong nhà ông, hàng trăm người đi vệ sinh cùng lúc cũng không phải chờ nhau. Căn nhà có diện tích khoảng 10.000m2, toàn bộ tường được bao bằng đá. Giữa các khu nhà có một ao nhỏ với những chòi nghỉ ngơi, bậc lên xuống chẳng khác nào chốn cung điện của vua chúa xưa.

Mức độ uy nghi của bàn thờ cũng tương xứng với sự hoành tráng của ngôi nhà này. Bàn thờ nằm ở gian chính giữa của ngôi nhà. Năm lớp án gian đều được làm bằng gỗ gụ, một sập gụ cổ được bày phía trước bàn thờ, bên cạnh một tủ chè cổ cũng thuộc hàng hiếm. Trên bàn thờ bày biện đủ thứ, từ hạc, lọ lục bình loại lớn cho đến tượng, lư hương, cột kèo, tủ thờ, đôn thờ, hoành phi, câu đối, cửa võng, cuốn thư, quạt thờ, bát hương, đỉnh đồng thờ, lư hương, đế nến, bình hoa, tất thảy đều làm bằng đồng. Thêm vào đó là một ông Di Lặc lớn được đặt chính giữa, trông uy nghi, tráng lệ.

{keywords}

Đặc biệt, vị đại gia này còn bố trí hai con hạc bằng đồng đối xứng nhau hai bên bàn thờ. Đôi hạc này lại được đặt ngồi trên lưng đôi rùa cũng có chất liệu từ đồng. Ông Đình tiết lộ đây là đồng nguyên chất. Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu thì riêng đôi hạc đã có giá 200 triệu đồng. Bát hương có giá 20 triệu đồng, chưa kể đến mấy cặp câu đối mạ vàng thật được chạm trên cột gỗ gụ.

Một người bạn của ông Đình tiết lộ, cả căn nhà ông như một lâu đài, ông Đình cũng rất ít khi nói về bàn thờ của gia đình cho người ngoài vì sợ người khác sẽ cho là khoe mẽ. Thế nhưng, chỉ tính sơ sơ thì các đồ thờ và bàn thờ ấy cũng đã trên 2 tỷ đồng. Ông Đình còn có sở thích trưng trống đồng và nhiều thứ đồ cổ có giá trị văn hóa lâu đời trong nhà để chiêm ngưỡng.

Trao đổi với PV, anh Đỗ Đăng Ba (chủ một xưởng buôn đồ gỗ ở Phú Xuyên - Hà Nội) cho biết, đồ gỗ hiện đại giờ hay được dát vàng. Đây cũng là một trong những nguyên do khiến giá của chiếc bàn thờ, đồ thờ, hoành phi... cao ngất ngưởng. Ngoài ra, những đồ làm từ gỗ, đặc biệt đồ để thờ làm từ gỗ nghiến, gỗ lim, tồn tại từ ngày xưa hiện đang là hàng hiếm được nhiều gia đình săn lùng. Riêng sập gụ tủ chè cổ đã có giá bạc tỷ.

Anh Ba cũng kể lại trường hợp hoành phi cổ của dòng họ Nguyễn ở Hưng Yên được người mua đồ cổ trả giá gần 1 tỷ đồng nhưng mọi người giữ lại ở nhà thờ họ vì đó là đồ cổ gia truyền. Hoành phi này được khảm trai, ốc và đá quý.

Ngoài những bàn thờ có giá trị vài trăm triệu cho đến vài tỷ đồng ở một số gia đình, dòng họ có tiền có của, thời gian gần đây rộ lên mốt xây phòng thờ cúng riêng biệt ở các công ty, doanh nghiệp.

Ông Dương Đức Minh, giám đốc công ty sản xuất cơ khí, có trụ sở tại Bình Giang, Hải Dương cho biết: “Trước đây chúng tôi vẫn dùng bàn thờ nhỏ nhưng nay công ty quyết định xây phòng thờ riêng cho tiện việc cúng ngày rằm, ngày lễ. Công ty tôi xây tiết kiệm, chỉ tính riêng tiền xây đã hết tầm hơn 100 triệu đồng. Tôi đang nhờ anh em tư vấn để mua đồ thờ cho phù hợp với tình hình công ty".

Khi được hỏi đây có phải là một xu thế đang xuất hiện nhiều ở các công ty, doanh nghiệp, ông Minh khẳng định: "Xu hướng này chủ yếu xuất hiện ở tầng lớp đại gia hoặc nhà thờ tổ của những dòng họ lớn. Các công ty, doanh nghiệp làm phòng thờ vẫn đơn giản vì không phải nhà riêng mà là nơi thờ lấy may về tâm linh, cầu mong việc làm ăn phát đạt".

Trao đổi với PV, một nghệ nhân đúc đồng ở làng Tống Xá (Ý Yên), người từng tham gia đúc bức tượng đồng "Chiến thắng Điện Biên Phủ" nặng hàng trăm tấn cho biết: "Bàn thờ tiền tỷ trong các gia đình hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều. Mỗi gia đình khi tìm mua đồ thờ bằng đồng đều muốn nghe tư vấn để có những đồ thờ vừa quý vừa hợp với mệnh gia chủ và hợp phong thủy".

(Theo NĐT)