Sau khi rà soát quy hoạch và tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, Bộ Công Thương mới đây đã đề xuất loại bỏ 338 dự án và không đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng.

Trong khi đó, các địa phương cũng đã chủ động loại bỏ, dừng hàng loạt các dự án thủy điện nhỏ. Đắk Lắk đã chấm dứt chủ trương đầu tư 7 dự án thủy điện nhỏ. Lâm Đồng cũng đã loại khỏi quy hoạch gần 30 dự án thủy điện nhỏ kém hiệu quả, chậm triển khai. Quảng Nam đã loại 2 dự án khỏi quy hoạch và tạm dừng 18 dự án khác.

Thủy điện nhỏ, rủi ro lớn

Theo Bộ Công thương, có nhiều dự án thủy điện chủ đầu tư không thực hiện theo cam kết tiến độ đã đề ra. Có một số dự án không thực hiện xây dựng, gây nhiều hệ lụy về kinh tế xã hội. Trong khi đó, việc trồng rừng bù lại diện tích bị mất do xây dựng thủy điện rất chậm; quản lý chất lượng các dự án thủy điện vừa và nhỏ bị buông lỏng.

Theo phân cấp, thủy điện vừa và nhỏ do ngành công thương địa phương quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, do năng lực các địa phương hạn chế nên việc kiểm soát chất lượng xây dựng, đánh giá tác động môi trường… không được thấu đáo.

{keywords}
Đập Thủy điện Ia Krêl 2 bị vỡ.

Cụ thể, do các sở công thương thiếu hoặc chưa có cán bộ chuyên môn thủy điện; thiếu sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác, thiếu kinh phí nên nên chất lượng quy hoạch và thiết kế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu và thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung. Thậm chí, một số dự án được thông qua thiết kế cơ sở nhưng sơ đồ khai thác chưa hợp lý, công suất lắp máy quá cao ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, khai thác của dự án cũng như hệ thống truyền tải điện, tác động tiêu cực lớn đến môi trường - xã hội...

Theo các chuyên gia, các địa phương thiếu hoặc không có cán bộ chuyên môn về thủy điện nhưng vẫn phải đảm nhận chức năng phê duyệt, cấp phép cho làm thủy điện, tiếp đến là chủ đầu tư các dự án thủy điện nhỏ cũng không có kiến thức… sẽ gây ra nhiều hậu quả đáng quan ngại.

Thời gian qua, đã có một loạt các sự cố nghiêm trọng đã xảy ra với thủy điện nhỏ. Chỉ tính từ tháng 10/2012 đến tháng 6/2013 đã có 3 vụ vỡ đập với thủy điện Đắk Krông 3 (Quảng Trị), Đăk Mêk 3 (Kon Tum) và Ia Krel 2 (Gia Lai).

Trước đó có sự cố tràn đập Hố Hô (Hà Tĩnh), vỡ đường ống áp lực công trình thủy điện Đăm Bol (Lâm Đồng)... Tất cả đều gây ra thiệt hại lớn, gây nên tâm lý bất an cho người dân sống ở hạ lưu các hồ thủy điện.

Nguyên nhân được đưa ra là do: thiết kế thi công không theo quy trình, sai, ẩu, thiếu kinh nghiệm, hiểu biết và giám sát quản lý không chặt.

Chẳng hạn khi thủy điện Đăk Mek 3 vỡ, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra mới phát hiện chất lượng công trình quá kém, thân đập chỉ được sử dụng đất, cát, đá thay thế bêtông, đá hộc như trong thiết kế cơ sở.

Làm tràn lan nhưng thiếu hiệu quả

Số lượng thủy điện nhỏ được quy hoạch là rất lớn nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Phần lớn trong số những thủy điện trên có công suất nhỏ dưới 10 MW, có diện tích chiếm đất rừng lớn, trên 14 ha/MW điện, suất đầu tư cao từ 16-20 tỷ đồng/MW điện, lại ở những vùng sâu, xa chi phí đầu tư cho truyền tải lớn.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo về xây dựng các dự án thủy điện ở Tây Nguyên thì thủy điện nhỏ và vừa không chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng sản lượng phát điện. Mùa khô các dự án thủy điện này không có nước để phát điện, mùa mưa thì EVN không cần mua điện của các nhà máy này vì lượng nước về hồ nhiều.

{keywords}

Vỡ đậpThủy điện Dắk Krông 3

Tuy được kỳ vọng là góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cộng đồng, phát triển giao thông, tiếp cận nước sinh hoạt, giáo dục và y tế. Tuy nhiên, trên thực rế việc xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ lại đang làm hư hỏng đường giao thông, tăng gánh nặng chi phí vận chuyển, sửa chữa; làm mất nguồn lợi thủy sản và giảm sản lượng nông nghiệp.

Tại Gia Lai, sự xuất hiện của nhà máy thủy điện nhỏ làm giảm thu nhập của dân cư làng TơDrăh 1 và 2 xã Bar Măih, một số rơi vào tái nghèo, phân hóa giàu nghèo… do mất việc làm vì đất sản xuất giảm, hạn hán, lũ lụt ảnh hưởng đời sống người dân. Nghiêm trọng hơn, để phục vụ cho xây dựng các nhà máy thủy điện này, tỉnh Gia Lai đã bị mất 503,28 ha rừng, thu hẹp đất sản xuất trong thời gian từ năm 2005 – 2008 khoảng 8.786 ha đất.

Tại Quảng Nam, việc quy hoạch, phát triển thủy điện ồ ạt đã ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên, môi trường và di dân, tái định canh, định cư. Với 33 dự án thủy điện đã và đang triển khai, ảnh hưởng đến 3.270 hộ với 14.850 nhân khẩu. Trong đó, 1.733 hộ dân phải di dời, tái định cư.

Đặc biệt, đời sống của nhân dân vùng thủy điện gặp rất nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất ở hầu hết các khu tái định cư. Diện tích đất sản xuất mà các chủ đầu tư thủy điện cấp cho dân chủ yếu là đất nương rẫy, số lượng chỉ bằng 1/3-1/4 diện tích nơi cũ. Còn lại chủ yếu hỗ trợ bằng tiền mặt để nhân dân tự lo liệu.

Về đất rừng, cả tỉnh dự kiến thu hồi 11.396 ha. Đến nay đã thu hồi, cho thuê và chuyển mục đích sử dụng là 7.657ha. Ngoài ra, còn có thêm 8.596 ha đất lâm nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác để làm thủy điện, tái định cư, đường dây điện... Tuy nhiên, đến nay các chủ dự án thủy điện chỉ mới trồng rừng bồi hoàn được 28,5ha/520,406ha, đạt 5,476%.

Dù thủy điện vừa và nhỏ được xem là một phần của các nguồn năng lượng tái tạo, loại năng lượng được khuyến khích sử dụng trong tương lai, song nhiều ý kiến cho rằng, với những hậu quả thực tế do loại hình này mang lại, cần dẹp bỏ bớt các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Chỉ các dự án hiệu quả thực sự mới được triển khai xây dựng.

Trần Thủy