Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Petrolimex- cho biết: lợi nhuận kinh doanh xăng dầu bình quân chỉ đạt 31% so với lợi nhuận định mức quy định.
6 tháng đầu năm 2013 lợi nhuận hợp nhất trước thuế TNDN của Petrolimex đạt 898 tỷ đồng. Dư luận cho rằng Petrolimex đang “lãi lớn”. Xin ông giải thích rõ khoản lợi nhuận này từ những nguồn thu nào?
- Về lợi nhuận trước thuế hợp nhất (của tất cả các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam và ở nước ngoài), Petrolimex chỉ đạt 45% so với nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (1.980 tỷ đồng).
Ông Trần Ngọc Năm - Phó tổng giám đốc Petrolimex: Lợi nhuận kinh doanh xăng dầu trước thuế tại Việt Nam, bình quân đạt 94 đồng/lít, kg; tương ứng với khoảng 31% so với lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở quy định.
Về lợi nhuận kinh doanh xăng dầu trước thuế tại Việt Nam - đây là điểm mà báo chí, công luận cả nước quan tâm - cũng chỉ đạt 388,22 tỷ đồng, bình quân đạt 94 đồng/lít, kg; tương ứng với khoảng 31% so với lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở quy định tại Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 15/12/2009 của Bộ Tài chính và đạt 46,27% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông năm 2013 đã thông qua (839 tỷ đồng).
Ông Trần Ngọc Năm |
Đây là lợi nhuận truớc thuế của Công ty Mẹ - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và 42 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do Petrolimex đầu tư 100% vốn) hoạt động tại Việt Nam, chịu sự chi phối của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo các số liệu nói trên đã cho thấy, lợi nhuận trong kinh doanh xăng dầu nội địa của Petrolimex đạt thấp do mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; vì thế, trong 6 tháng đầu năm 2013, Chính phủ tiếp tục điều hành giá bán xăng dầu trong nước dần tiếp cận với sự biến động của giá xăng dầu thế giới, đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước - Doanh nghiệp - Người tiêu dùng.
Đối với khoản lợi nhuận trước thuế là 898 tỷ đồng thì sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp lợi nhuận còn lại của Petrolimex là bao nhiêu?
- Tại bản công bố thông tin, Petrolimex đã công bố lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 687 tỷ đồng. Nếu tính trên số vốn kinh doanh do chủ sở hữu đầu tư và các cổ đông khác góp vốn thì tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn đạt 4,7%.
Theo quy định của chế độ tài chính hiện hành, khi kết thúc năm tài chính, lợi nhuận sau thuế được phân bổ vào các quỹ theo quy định của pháp luật; chủ yếu là để bảo toàn vốn, duy trì trạng thái hoạt động bình thường của doanh nghiệp và chia cổ tức cho các cổ đông; trong đó, cổ đông chi phối là nhà nước hiện nắm giữ 95,1% vốn điều lệ.
Để minh bạch hóa lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương yêu cầu Petrolimex xây dựng đề án minh bạch hóa, ông có thể cho biết hướng xây dựng đề án này?
- Chúng tôi sẽ có báo cáo lên Bộ về đề án này. Trong đó, báo cáo của chúng tôi sẽ xuất phát từ các quan điểm Tổng giám đốc Petrolimex đã công bố tại bài “Minh bạch xăng dầu: 5 vấn đề từ góc nhìn doanh nghiệp”.
Minh bạch là một khái niệm tổng thể và toàn diện, gồm nhiều thành tố không thể tách rời, ở đó có: Chính phủ, liên bộ, tổ giám sát/điều hành, doanh nghiệp và cả các cơ quan báo chí; nhưng phải bắt đầu từ “cơ chế”; tức là, từ nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.
Để minh bạch, tôi cũng cho rằng, nghị định sắp tới cần phân định rõ vai trò, vị trí của giá cơ sở và cơ quan công bố giá cơ sở duy nhất là Bộ Tài chính - làm “vật chuẩn” để các doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh, để người tiêu dùng thực hiện quyền giám sát.
(Theo Báo Công Thương)