Rất nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau khi cổ phần hóa đã nhanh chóng lớn mạnh, có vị thế lớn trong nước và quốc tế. Tại các DN và trong quá trình CPH này đã tạo cơ hội và môi trường xuất hiện những doanh nhân nổi tiếng. Dù đã có tuổi và nhiều người bày tỏ ý muốn chuyển giao nhưng chưa dễ tìm được người thay thế.
Thế hệ "cổ phần hóa"
Ngày 22/8, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) chốt danh sách cổ đông để hưởng cổ tức đợt một năm 2013 với tỷ lệ 20%, tương đương 2.000 đồng/cp. Tổng số tiền mà doanh nghiệp này dự kiến chi cho đợt này là khoảng 1.670 tỷ đồng. Theo kế hoạch VNM sẽ trả cổ tức 34% bằng tiền mặt cho năm nay.
VNM đang là một DN hàng đầu trên thị trường chứng khoán khi liên tục duy trì và tăng trưởng cùng với khả năng sinh lợi cao, ổn định trên 20% qua các năm. Với mức vốn hơn 8.300 tỷ đồng, VNM dự kiến thu về gần 6.150 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay, tương đương EPS là 7.377 đồng/cp.
Sự phát triển của Vinamilk gắn liền với tên tuổi bà Mai Kiều Liên, tên tuổi của doanh nhân này càng được khẳng định khi DNNN này được cổ phần hóa năm 2003.
Ba nữ DN thuộc thế hệ CPH: Mai Thanh, Kiều Liên, Ngọc Dung. |
Cho dù không nắm số lượng cổ phiếu chi phối và tỷ lệ sở hữu lớn vẫn thuộc về SCIC (45%), F&N Dairy Investments, Dragon Capital… nhưng bà Liên là cổ đông cá nhân lớn nhất và có ảnh hưởng rất to lớn tới đường đi nước bước của Vinamilk.
‘Nhiệm kỳ’ giám đốc của bà đã kéo dài suốt từ năm 1992 tới nay. Và phía sau bà, cho đến nay vẫn chưa thấy bất cứ một gương mặt nào đủ sức thay thế. Và đây được nhiều nhà quan trị ví như là điểm yếu còn lại của Vinamlik cho giai đoạn hậu Mai Kiều Liên khi DN này rút về hậu trường.
CTPC Cơ điện lạnh (REE) trước đây là một xí nghiệp cơ điện lạnh thuộc sở hữu Nhà nước, sau CPH đã phát triển mạnh mẽ, nổi lên là một trong những DN tốt nhất trên TTCK với lợi nhuận tăng ấn tượng.
Thành công của CTPC Cơ điện lạnh (REE) gắn liền với vai trò cá nhân bà Nguyễn Thị Mai Thanh, người đã dẫn dắt REE đột phá sang các mảng kinh doanh mới sinh lời lớn như BĐS trong vài năm trước và gần đây là đầu tư tài chính vào lĩnh vực năng lượng.
Hiện bà Thanh là chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ; con trai Nguyễn Ngọc Thái Bình là thành viên HĐQT (trong tổng số 5 người) và là giám đốc tài chính REE. Bà và chồng Bà đang là 2 cổ đông cá nhân lớn nhất (với tổng cộng gần 11%); con gái Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh cũng nắm giữ gần 1,3% cổ phiếu.
Sự giàu có cũng như những ảnh hưởng của gia đình bà Thanh lên REE rất rõ ràng và có lẽ đó là kết quả của sự gắn bó phần lớn cuộc đời của bà Thanh, suốt từ năm 1982 cho tới nay.
Với FPT, sự ảnh hưởng của ông Trương Gia Bình đối với tập đoàn này là rất lớn, không chỉ với tư cách là cổ đông cá nhân lớn nhất, thành viên hội đồng sáng lập, mà còn ở vai trò dẫn dắt FPT trong cả chục năm qua ở vị trí chủ tịch HĐQT và một thời gian dài là TGĐ.
Trước đây, FPT tiền thân là một công ty công nghệ thực phẩm, sau đổi thành Công ty phát triển Đầu tư Công nghệ do nhà nước sở hữu và được cổ phần hóa năm 2002. FPT đã phát triển nhanh chóng và nhiều khi được coi như là doanh nghiệp của ông Bình.
Sau hàng loạt sự thay đổi vị trí CEO, từ ông Nguyễn Thành Nam, đến ông Trương Đình Anh đều không thành buộc ông BÌnh phải nắm quyền Tổng giám đốc một thời gian trước khi vời đến một trong 3 sáng lập viên là ông Bùi Quang Ngọc lên làm TGĐ.
Biểu tượng quyền lực
Một đặc điểm chung của các doanh nhân trở thành ông chủ lớn của các DNNN sau cổ phần hóa là họ gắn cả sự nghiệp, cả cuộc đời làm việc với công ty. Cả hai nữ doanh nhân, Nguyễn Thị Mai Thanh và Mai Kiều Liên đều có vài chục năm gắn bó với doanh nghiệp. Ông Trương Gia Bình cũng vậy.
Ban đầu họ là những người làm thuê cho doanh nghiệp, làm thuê ở những vị trí cao cấp và quá trình CPH giúp họ được sở hữu một lượng cổ phiếu tương đối lớn. Trong trường hợp VNM, bà Liên được mua một số lượng lớn cổ phiếu ưu đãi cũng đã giúp bà trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của doanh nghiệp.
Rất nhiều DNNN đã cổ phần hóa trước đây giờ đã thành những công ty đại chúng niêm yết cổ phiếu trên TTCK. REE, VNM, FPT, cũng như PNJ (tiền thân là Cửa hàng Kinh doanh Vàng bạc Đá quý Quận Phú Nhuận, trực thuộc UBND Quận Phú Nhuận) của bà Cao Ngọc Dung; GMC, TCM và VDN của Lâm Quang Thái; hay SMC (trước đây là Xí nghiệp Sản Xuất Kinh Doanh Vật Liệu Xây Dựng Số 1 trực thuộc Công ty Xây lắp Thương Mại 2, Bộ Thương Mại) của ông Nguyễn Ngọc Anh. Hay Mía đường Lam Sơn của ông Lê Văn Tam.
Hai chị em nhà Trương Gia Bình ở FPT |
Có thể thấy, qua cổ phần hóa đã không chỉ hình thành lên những DN lớn mà còn tạo ra những doanh nhân lớn, ông chủ lớn. Những doanh nhân thành công có nguồn gốc từ nhà nước trên đây hiện đều là những nằm giữu tài sản và quyền lực lớn không chỉ tại DN họ lãnh đạo mà còn nhiều lĩnh vực khác. Không những thế, bước sau họ là thế hệ mới có quan hệ gần gũi cùng tham gia lãnh đạo, là ông chủ nắm giữ cỏ phiếu DN.
Chính vì thế, bên cạnh biểu tượng thành công thì các doanh nhân này đã trở thành những biểu tưởng quyền lực thực sự. Và tại không ít DN, sau dấu ấn cá nhân đang cho thấy dấu ấn những gia đình kinh doanh quyền lực. Tất nhiên, người mở đường và trở thành biểu tượng chính là các doanh nhân thế hệ F1 có gốc DNNN.
Huấn Tú