- Không chỉ xăng dầu, những mặt hàng lợi nhuận cao như ô tô, thuốc lá, bia rượu... cũng dễ dàng thẩm lậu về Việt Nam do sự thông thoáng trong hoạt động gửi kho ngoại quan.

Báo cáo tới Thủ tướng mới đây, Bộ Tài chính lo ngại hoạt động gửi kho ngoại quan chờ xuất đi nước thứ ba cũng có nhiều nguy cơ bị DN lợi dụng thẩm lậu về Việt Nam. Kho ngoại quan được xem là khu phí thuế quan nên hàng hóa xuất khẩu gửi vào kho được xem như đã xuất khẩu, không phải nộp thuế.

Hoạt động này có nhiều nét tương đồng với hình thức tạm nhập tái xuất, nhưng thủ tục đơn giản hơn nhiều, các DN đã đăng ký tạm nhập tái xuất cũng dễ dàng chuyển sang hình thức xin gửi kho ngoại quan.

Các đối tượng chủ yếu dùng thủ đoạn không thực tái xuất hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Sau khi hoàn tất thủ tục, hàng được tuồn trở lại hoặc vẫn đưa vào nước bạn (như trường hợp thị trường Trung Quốc) nhưng DN không làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào nước này.

Điển hình gần đây nhất là vụ thẩm lậu 125.000 bao thuốc lá ngoại gồm Esse, 555, Camel. Lô hàng tạm nhập từ Singapore về, sau khi làm thủ tục tái xuất khỏi cửa khẩu đã được các đối tượng dùng xuồng siêu tốc đưa quay trở lại Việt Nam. Hay như trường hợp công ty TNHH Tuấn Đông tạm nhập 36 xe từ Hồng Kông, sau khi làm thủ tục tái xuất khỏi Việt Nam, chúng được gắn biển lậu Trung Quốc để thẩm lậu vào Trung Quốc. Những vụ việc này đều đang được cơ quan cảnh sát mở rộng điều tra.

{keywords} 

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy từ 1/1/2012 đến hết 31/5/2013, đã có 4.499 tờ khai rượu các loại, trị giá hơn 1,7 tỷ USD, 122 tờ khai xe du lịch trị giá hơn 4 triệu USD và 109 tờ khai đường tinh luyện, tổng trị giá hơn 19,8 triệu USD đã gửi kho ngoại quan Việt Nam để xuất đi Campuchia, Trung Quốc.

Riêng mặt hàng xì gà, thuốc lá điếu, chế phẩm thuốc lá có hơn 3.013 tờ khai, tổng trị giá tới 180 triệu USD cũng “tạm trú” kho ngoại quan Việt Nam chờ xuất đi 5 nước là Trung Quốc, Campuchia, Singapore, Thái Lan, Lào.

Các mặt hàng này được gửi kho ngoại quan ở TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, nhưng chủ yếu là Hải Phòng, Quảng Ninh để xuất đi Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc. Một số ít hàng hóa gửi ở kho ngoại quan TP.HCM chờ xuất đi Campuchia.

Để tránh tình trạng mất bò mới lo làm chuồng, Bộ Tài chính vừa yêu cầu các cục hải quan phải siết chặt quản lý hoạt động này, rà soát toàn bộ kho ngoại quan, “lọc” ra những kho hoạt động kém hiệu quả hoặc đang đình trệ, không hoạt động thì ra quyết định chấm dứt hoạt động theo quy định.

Công chức hải quan phải giám sát trực tiếp 24/7 đối với các kho ngoại quan, kiểm tra sau khi tái xuất ra khỏi kho ngoại quan, phải thực xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Các chủ kho ngoại quan phải sắp xếp lại hàng hóa trong kho theo tờ khai xuất, nhập ở vị trí riêng biệt, không được để chung hàng hóa nhiều tờ khai cùng một vị trí.

Trước đó, Bộ Tài chính còn yêu cầu các chủ hàng phải nộp ngay thuế nhập khẩu như hàng vào nội địa, khi tái xuất mới được hoàn tiền thuế, đồng thời, tạm dừng làm thủ tục gửi kho ngoại quan cho hàng hóa nước ngoài chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như bia, rượu, xì gà, thuốc lá điếu, ô tô du lịch và hàng nhập theo hạn ngạch như đường, muối trứng.

Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng thực hiện, nhiều địa phương như Bình Dương, Quảng Ninh, TP.HCM cho hay, hàng trăm container đã bị ách tắc vì chủ kho không thể đủ tiền để nộp thuế ngay. Hoạt động kho ngoại quan theo đó cũng bị ngưng trệ, khiến địa phương thất thu ngân sách. Trên thực tế, kể từ khi siết chặt lại quản lý, lượng hàng tạm nhập tái xuất qua Quảng Ninh đã giảm 49,6% so với cùng kỳ năm 2012.

Vì vậy, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cho phép “bình thường hóa” hoạt động kho ngoại quan như trước đây.

Phạm Huyền