Ì ạch phát triển 10 năm, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam gần như tiêu tan những mục tiêu đẹp đẽ nội địa hóa. Kết quả, giá thành ô tô sản xuất tại Việt Nam hiện đắt hơn 20% so với các nước trong khu vực.

Liệu rằng, 5 năm nữa, thuế nhập khẩu xe sẽ về 0% thì ngành công nghiệp hấp dẫn này có thoát khỏi cái bóng lắp ráp?.

Tiêu tan giấc mô ô tô Việt Nam

Chia sẻ hôm 22/8 tại cuộc tọa đàm về công nghiệp ô tô do Báo Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng thừa nhận sự thất bại ở nhiều mục tiêu đề ra trong quy hoạch phát triển ngành ô tô giai đoạn 2005-2010, tầm nhìn tới 2020.

Điển hình nhất là câu chuyện nội địa hóa. Trong quy hoạch, năm 2005, tỷ lệ nội địa hóa cho dòng xe thông dụng là 40%, đến năm 2010 là 60%, nhưng thực tế thì các liên doanh ô tô chỉ đạt dưới 10%, Ford chỉ đạt 2%, Suzuki 3%, Toyota 7% Cá biệt, có năm xe Innova của Toyota được “quảng cáo” đạt tới mức nội địa hóa 37% nhưng rồi sau đó, tỷ lệ này cũng mau chóng giảm sút.

Những nhà sản xuất khác như Vinaxuki, Trường Hải đầu tư thế mạnh là xe tải nhẹ, xe bus đạt được mức nội địa hóa cao hơn là 35-40%.

{keywords}

Không chỉ “lỗi” với quy hoạch của Chính phủ đề ra, chính bản thân các doanh nghiệp FDI cũng phạm lỗi với các bản cam kết của mình khi đến Việt Nam. Chẳng hạn như Toyota trong giấy phép đầu tư cấp lần đầu năm 1996 đã cam kết sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa tới 30% sau 10 năm, tức vào năm 2006 nhưng đến nay, đã qua 17 năm, mức nội địa hóa của hãng xe này cũng chỉ đạt 7%.

Ông Quân tổng kết, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện mới chỉ làm 3 công đoạn chủ yếu là hàn, tẩy rửa sơn và lắp ráp. Chúng ta đã có 210 doanh nghiệp tham gia làm công nghiệp phụ trợ nhưng nhỏ, yếu, hàm lượng nội địa thấp, chỉ sản xuất được những phụ tùng đơn giản như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy. Còn những phần quan trọng nhất là động cơ, hộp số, quy hoạch đặt mục tiêu nội địa hóa 50-90% thì giờ, vẫn chưa DN nào trong nước làm được.,

Điều đáng nói là, các doanh nghiệp ô tô và cả các nhà làm chính sách đều đổ lỗi cho dung lượng thị trường xe quá bé.

Ông Quân nhấn mạnh, cơ quan đề xuất quy hoạch (Bộ Thương mại) trước đây đã đưa ra các mục tiêu quá chủ quan, chưa lường hết được sự phức tạp, khó khăn của ngành. Mục tiêu tới 2010 tiêu thụ tới 240.000 xe một năm nhưng hiện nay, sản lượng tiêu thụ cao nhất cũng chỉ đến 120.000 xe/năm.

Ông Lâm Chí Quang, Tổng Giám đốc công ty máy động lực và máy công nghiệp dẫn chứng: “Ở Thái Lan, năm 2012 sản xuất và bán tới hơn 2 triệu xe. Cả năm bán hàng ở Việt Nam chỉ bằng 20-25 ngày bán hàng ở nước này. Do đó, việc sản xuất linh kiện phụ tùng cho ô tô không thể đẩy lên cao, ông Quang nói.

Minh chứng thêm nguyên nhân này, ông Quang lấy ví dụ thêm ở câu chuyện làm xe máy của Honda. 10 năm trước, Việt Nam đều phải nhập xe máy Honda từ Thái Lan nhưng giờ thì ngược lại, xe Honda Việt Nam đã có giá thành thấp hơn xe Thái, xuất khẩu đi cả Italia, Nhật Bản. Yếu tố quyết định sự thành công này là dung lượng thị trường xe máy của Việt Nam đủ lớn. Sức tiêu thụ lên tới 3,5 triệu xe/năm.

Nhưng với ô tô, chính hãng Honda cũng chưa làm được nội địa hóa như kỳ vọng bởi, dung lượng thị trường nhỏ.

Sửa sai cho phát triển ô tô

Hiện nay, Bộ Công Thương mới hoàn tất dự thảo Quy hoạch ô tô “sửa sai” cho quy hoạch cũ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Quân cho hay, trong bối cảnh thị trường Việt Nam, công nghiệp ô tô chắc chắn sẽ có cơ hội phát triển nhưng muốn đột phá sẽ hơi khó. Chính phủ cần phải xem xét chọn một dòng xe nào, phù hợp với nhu cầu sử dụng nhất ở Việt Nam, phù hợp với điều kiện Việt Nam, từ đó, xây dựng một chính sách nhất quán tập trung phát triển.

Các đại diện DN ô tô bày tỏ, Việt Nam có gần 100 triệu dân mà từ bỏ công nghiệp ô tô thì rất đáng tiếc. 5 năm tới, Chính phủ đưa ra chính sách phát triển để ít nhất đạt được tiêu chí như dự thảo quy hoạch. Chính các nhà sản xuất ôto tự hoạch định xem xét dòng xe nào có thể đáp ứng được tiêu chí đó.

{keywords}

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe trong nước VAMA cho biết, quan trọng hơn, Việt Nam phải có một dung lượng thị trường xe đủ để sản xuất phát triển. Để sản xuất một ô tô, cần tới hàng nghìn linh kiện khác nhau mà không một nhà sản xuất ô tô nào có thể tự sản xuất hết. Họ cần lợi thế về quy mô thị trường và chính sách hỗ trợ thu hút nhà đầu tư vào sản xuất linh kiện ở trong nước.

Ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển công nghiệp nói, chúng tôi sẽ thống nhất quan điểm với ngành giao thông. Quy hoạch hạ tầng giao thông đã đặt mục tiêu tới năm 2020, hạ tầng đáp ứng được từ 3,2 đến 3,5 triệu xe. Con số này phù hợp với mục tiêu dung lượng thị trường ở dự thảo quy hoạch ô tô mới, do đó, cũng sẽ thúc đẩy sản xuất.

Hơn nữa, ngành công nghiệp ô tô rất cần thiết. Tất cả quốc gia sẽ phải trải qua giai đoạn ô tô hóa, khi thu nhập đạt trên 3000 USD/người/năm. Nếu ta không chộp lấy cơ hội này thì khi người tiêu dùng Việt Nam có tiền, sẽ mua nhập khẩu.

Nhiều người tiêu dùng đang kỳ vọng đến 2018 sẽ mua được xe giá rẻ vì thuế nhập khẩu theo cam kết AFTA trong ASEAN về 0%. Thời gian còn lại quá ngắn, xuất phát điểm thấp nên cơ hội mở ra cho DN ô tô trong nước dù hấp dẫn nhưng giấc mơ về một ngành công nghiệp ô tô Việt Nam xem ra còn khá mong manh.

Phạm Huyền