- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng tháng 8 bật mạnh trở lại với tốc độ tăng 0,83% so với tháng 7, cách biệt lớn so với các mức tăng của 5 tháng trước.

Như dự đoán của nhiều chuyên gia, CPI tháng 8 có những “đột biến”. Với lực đẩy của giá xăng, giá điện liên tiếp tăng trong nửa cuối tháng 7 và đầu tháng 8, đặc biệt là giá dịch vụ y tế, CPI tháng 8 đã bứt phá với tỷ lệ 0,83%. So với tháng 12/2012, CPI đã tăng 3,53%.

Trước đó, CPI luôn có xu hướng giảm nhẹ hoặc tăng không đáng kể. So với tháng trước, CPI tháng 3 giảm (âm) 0,19%, tăng 0,02% trong tháng 4, tiếp tục giảm 0,06% trong tháng 6 và chỉ tăng 0,27% trong tháng 7.

{keywords}

Theo công bố sáng nay 24/8 của Tổng cục Thống kê, trong số 11 nhóm hàng hóa dịch vụ thì thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh nhất, tới 4,11%. Riêng dịch vụ y tế tăng 5,09%.

Giá xăng tăng kéo theo, nhóm giao thông tăng tới 1,11%. Hai nhóm dịch vụ giáo dục và nhà ở, vật liệu xây dựng cũng tăng khá cao, lần lượt là 0,9% và 0,88%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng lớn trong “rổ” tính CPI có mức tăng trung bình là 0,54%.

Bộ Tài chính mới đây cũng đã đưa ra đánh giá, lạm phát vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Vì giá một số mặt hàng tiếp tục được điều hành theo lộ trình thị trường như giá điện, đã tăng từ 1/8, giá than cho sản xuất điện, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước; giá dịch vụ giáo dục (học phí)... 

Thêm vào đó, giá xăng dầu thế giới diễn biến thất thường sẽ tác động đến giá xăng dầu trong nước. Tới đây, cầu một số hàng hoá, dịch vụ có khả năng tăng vào dịp khai giảng, Quốc Khánh 2/9 và những tháng cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014... gây sức ép lên mặt bằng giá.

Phạm Huyền