"Tôi cho rằng đây không phải là một hướng đi thông minh mà là một hướng đi thiếu chuyên nghiệp", ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết.
Tháng 6/2013, sau khi công bố dư nợ từ các dự án BĐS, Hoàng Anh Gia Lai quyết định bán 6 dự án thủy điện và 2 dự án đang xây dựng bất động sản mà công ty đã và đang đầu tư. Việc bán các dự án thủy điện này giúp giảm nợ vay 1.876 tỷ đồng và mang lại doanh thu 2.099 tỷ đồng cho Hoàng Anh Gia Lai.
Việc Hoàng Anh Gia Lai quyết định "đầu hàng" thị trường BĐS tại Việt Nam được coi như một cuộc tái cấu trúc ngành BĐS. Bởi lẽ ông Đức cho rằng: "Hoàng Anh Gia Lai tạm thời bỏ ngỏ thị trường BĐS Việt Nam vì càng làm càng lỗ". Theo giải thích của ông Đoàn Nguyên Đức, chỉ những phân khúc đầu tư cho nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp may còn trông chờ chút lãi. Nếu đầu tư vào phân khúc nhà ở thương mại và nhà ở cao cấp thì không mong thu được vốn.
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng thừa nhận thị trường BĐS trong nước không có dấu hiệu phục hồi và họ sẽ tập trung chủ yếu vào đầu tư BĐS ở nước ngoài. Ông Đức cho biết, riêng dự án bất động sản tại Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tách các công ty con sở hữu các dự án căn hộ ra khỏi tập đoàn, chỉ giữ lại dự án tại Myanmar và một số dự án trực thuộc Công ty Phát triển nhà Hoàng Anh.
Trước tuyên bố sẽ rút ra khỏi thị trường BĐS Việt Nam để đầu tư ra nước ngoài của Chủ tịch Tập đoàn HAGL, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đánh giá:
"Tôi cho rằng đây không phải là một hướng đi thông minh mà là một hướng đi thiếu chuyên nghiệp. Chúng ta đã làm một ngành nghề gì thì phải có một sự chuyên nghiệp về ngành nghề đó. Ví dụ sau 1/9, thị trường hàng không hết phép thì phải chuyển sang làm thị trường hàng không giá rẻ, các hãng hàng không phải tranh thủ nghiên cứu thị trường. Chứ không phải là bay không được thì chuyển sang đi tàu hoả, công ty sản xuất máy bay không được thì chuyển sang sản xuất tàu ngầm. Không như vậy được. Chuyên nghiệp là phải sống chết với nghề và biến khó khăn trong nghề đó thành một loại sản phẩm khác, chứ không phải bỏ chạy."
Theo ông Đực: "HAGL muốn bỏ chạy cũng không dễ. Toàn bộ BĐS nằm ở đây nhưng bán cho ai? Nên nhớ trước đây HAGL từng tuyên bố, ai muốn bán dự án, HAGL mua. Nhưng cuối cũng HAGL có mua được của ai đâu?".
"Bây giờ ngược lại, HAGL tuyên bố bán nhưng có bán được đâu? Rõ ràng hơn 1 năm trước HAGL rất kiêu ngạo, ai cần thì mua, nhưng mua với giá rẻ, chèn ép người khác nên người ta không thể bán được. Giờ đến phiên HAGL bán dự án thì ai là người mua? Và mua với giá bao nhiêu? Của anh 10 đồng, người ta mua 3 đồng được không?".
Đánh giá động thái "khua chiêng gõ trống" rút khỏi thị trường BĐS của HAGL, TS. Alan Phan nhận định: "Tôi không biết HAGL còn bao nhiêu dự án tại Việt Nam và thanh khoản của HAGL tại những dự án này như thế nào. Nhưng có một điều tôi thấy hơi lạ, là thường thường khi một doanh nghiệp tháo chạy như vậy sẽ im lặng để thị trường không xáo động, để người ta lặng lẽ mà chuồn."
"Còn bây giờ, trong một cái rạp hát, ông muốn chuồn mà ông lại la làng lên rồi ông chạy thì có thể gây ra một sự hoang mang lớn cho thị trường và cho đám đông ở xung quanh. Đây chỉ là một nhận xét của tôi thôi, chứ như tôi đã nói, tôi không có những thông tin chi tiết về HAGL để mà bàn sâu về vấn đề này", TS. Alan Phan cho hay.
Trước tình trạng dự án hoàn tất nhưng bán không được dẫn đến hàng tồn kho tăng lên trong khi vẫn phải trả lãi suất, đáo hạn ngân hàng, không chỉ có HAGL mà hàng loạt doanh nghiệp BĐS lớn nhỏ khác cũng đang từng bước "rút chân" khỏi thị trường BĐS. Liệu đây có phải là xu hướng cho các doanh nghiệp BĐS từ giờ đến cuối năm nay?.
Theo Trí Thức Trẻ