Nghề đi mót khoai lang tím đã làm cho nhiều nhà khá giả ở huyện Bình Tân, Bình Minh (Vĩnh Long) say mê và hứng thú...
Nhắc đến chữ “đi mót” ai cũng nghĩ rằng chỉ dành cho những người nghèo khó chứ không ai dám nghĩ nhà giàu cũng tham gia. Thế nhưng, thời gian qua, nghề đi mót khoai lang tím đã làm cho nhiều nhà khá giả ở huyện Bình Tân, Bình Minh (Vĩnh Long) say mê và hứng thú...
Nhà nghèo đi mót
Có thể nói, xã Tân Quới, Tân Lược, huyện Bình Tân và xã Thuận An huyện Bình Minh (Vĩnh Long) là địa phương có diện tích trồng khoai lang tím nhiều nhất nhì vùng ĐBSCL. Hoạt động của người dân xung quanh loại nông sản này diễn ra khá nhộn nhịp trong những năm gần đây. Không chỉ người dân địa phương mà nông dân từ các nơi khác cũng tìm đường về đây mưu sinh.
Nhiều hộ dân cho biết, trước đây nghề mót khoai chỉ dành cho những trẻ em, người mất sức lao động... chờ khi chủ ruộng khoai thu hoạch xong thì người khác có thể vào ruộng mót số khoai loại còn lại về ăn. Thế nhưng, gần đây, cái nghề mót khoai này trở thành nghề “hot”, khiến nhiều người tham gia, trong đó có cả những người khá giả…
Hoạt động mua bán khoai lang tím của người đi mót tại điểm thu mua ở xã Thuận An, huyện Bình Minh. |
Chúng tôi tìm đến “Vương quốc khoai lang tím” này khi trời còn tờ mờ sáng, ruộng đồng ướt đẫm sương đêm. Dẫu thế, trên các ruộng khoai lang đã rộn ràng tiếng gọi nhau ơi ới của bà con hành nghề đi mót. Anh Phạm Nghĩa Bình, ở ấp Thuận Tiến, xã Thuận An (huyện Bình Minh) chia sẻ: “Vợ chồng tui thức dậy từ 3 giờ khuya để chuẩn bị cơm, nước cho cả ngày và đồ nghề mang theo để “tác nghịệp”. Dụng cụ hành nghề của vợ chồng tui là 2 chiếc xe máy đã cũ, 4 cái bao lúa, dao, cuốc… Thằng con trai năm nay 10 tuổi cũng theo tui hành nghề. Mình đi sớm thì sẽ thuê được những chỗ tốt, có nhiều khoai còn sót”.
Sau bữa cơm trưa trên cánh đồng khoai với chén mắm chưng cùng với vài quả dưa leo non vườn nhà, chị Hoa (vợ anh Bình) kể: “Cả nhà mình mót đến lúc không còn sức mót nữa thì mới thôi. Có ngày phải đến tối mới đầy 4 bao. Nhưng cũng có hôm chỉ cần vài tiếng là khoai đầy bao rồi. Nếu có những hôm khoai đầy bao sớm, thì chở về bán cho vựa rồi quay lại mót tiếp. Nhưng cũng có hôm thất bát, đi từ sáng tới chiều tối mà vẫn không đầy bao...”.
Theo chân gia đình anh Bình đi tác nghiệp, tôi cũng thấy nôn nao, háo hức. Anh Bình đi trước cuốc đất, dò khoai, vợ con anh đi phía sau bóp từng cục đất để tìm những củ khoai còn sót lại. Liên tục đưa tay quệt những giọt mồ hôi trên trán, anh Bình nói: “Cái nghề này nói vậy chứ không dễ, nếu có kinh nghiệm nhìn qua mới biết chỗ nào có khoai, chỗ nào không. Chứ cuốc bậy, đụng đâu cuốc đó là mất rất nhiều sức, lỗ cả chì lẫn chài. Những hôm mệt trong người tính không đi, mà thấy người ta đi nhiều quá nên cũng sốt ruột rồi đi theo luôn, nghỉ một bữa là uổng lắm, mất cũng vài trăm ngàn chứ không ít…”.
Một ngày theo chân anh Bình đi mót khoai, chúng tôi cảm nhận nghề này tuy cực những có nhiều niềm vui. Chỉ có lãi ít và nhiều chứ ít có ai bị lỗ vốn. Thấp nhất thì cũng là việc “lấy công làm lời”, nên dù cho ông trời có nắng, mưa thay đổi, trên những cánh đồng khoai lang tím này vẫn có nhiều người cặm cụi tìm những niềm vui đang ẩn trong lòng đất…
Ông Nguyễn Văn Ân (ấp Thuận Phú, xã Thành Đông, huyện Bình Tân) phấn khởi kể, nhà ông không có đất canh tác, thấy hàng xóm xung quanh đi mót khoai có tiền, nên cũng làm theo, đến nay theo nghề này cũng đã gần 2 năm. Mỗi ngày nếu được nhiều khoai và trúng giá, trừ chi phí thì được gần 500.000 đồng/ngày, nhờ đó lo được sách vở cho đứa con năm nay học lên lớp 11.
Nhà giàu cũng mót
Là hộ dân khá giả trong vùng, vợ chồng ông Nguyễn Văn Khỏe (ấp Thuận Tiến, xã Thuận An, huyện Bình Minh) dù tuổi đã ngoài 50, nhà có 10 công trồng lúa và 2 công nhãn nhưng cũng theo nghề mót khoai. Ông Khỏe hồ hởi: “Chỉ có hai vợ chồng ở nhà, 2 đứa con đều đi làm ở xa, tranh thủ những ngày không ra đồng lúa, mỗi sáng là vợ chồng tui đều đi mót khoai cùng hàng xóm, đến trưa thì về. Mỗi ngày trung bình cũng mót được trên 30kg, tuy hơi cực nhưng vui và có tiền lắm chứ! Những khi khoai đạt giá 10.000 đồng/kg, có thể được hơn 10 triệu đồng/tháng...”.
Thời điểm giữa tháng 8, giá khoai mót lớn bằng cổ tay bán được 5.000 đồng/kg. Còn nếu bé hơn là khoai bi thì chỉ có 1.000 đồng/kg. Bởi vậy, khi mót quen tay, người mót chỉ cần cầm củ khoai là biết ngay giá tiền. Là chủ vựa thu mua, chị Ngô Thị Nhỏ ở ấp Thuận Tiến, xã Thuận An (huyện Bình Minh) cho biết: “Trung bình mỗi ngày có gần 100 xe gắn máy chở khoai mót đến bán. Tháng 5 và 6 vừa qua, giá khoai cao, sức chứa ở vựa trên 5 tấn mà ngày nào cũng đầy.
Cũng theo chị Nhỏ, mùa hè vừa rồi có nhiều trẻ em đi mót khoai. Mỗi em trung bình một ngày cũng kiếm được 50.000 - 70.000 đồng để mua sách vở cho năm học mới. Những em nhỏ hơn thì đến đây phân loại khoai cũng có khoản thu khá”.
Theo lời bà con, trước đây các chủ ruộng cho vào mót không nhưng sau đó họ thấy nghề này ngon ăn nên nhiều chủ ruộng không cho mót nữa. Và các chủ ruộng ra giá cho thuê, ai muốn vào mót thì phải trả tiền thuê 100.000 đồng/công. Tuy vậy, việc thuê ruộng mót khoai cũng không phải muốn mà có mà phải liên hệ trước. Vào những ngày trời nắng thì việc thuê ruộng mót khoai càng khó hơn… |
(Theo Dân Việt)