Doanh nhân nhìn nhận thế nào về Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn và những gì Quảng Ninh đang nỗ lực làm? Hỏi chuyện người từng làm địa danh Tuần Châu vang danh khắp nước – “Chúa đảo” Đào Hồng Tuyển.
Bí thư Quảng Ninh đang vật vã
Với bộn bề những kinh nghiệm làm ăn ở đất Quảng Ninh, ông chia sẻ gì về Đề án Khu Hành chính- kinh tế đặc biệt ở Vân Đồn?
Cái thời của tôi nó khác bây giờ nhiều lắm. Có những đồng nghiệp của tôi, sau một giấc ngủ mà được chọn lại thì không muốn là doanh nhân nữa, muốn quay lại cái đĩa mẻ ngày xưa!
Vịnh Hạ Long thì chưa nói, nhưng Bái Tử Long đến tận bây giờ cũng chỉ để cho thiên hạ ngắm và đẹp suông thôi chả sinh lời ra tý nào. Và Quảng Ninh cũng chưa thoát khỏi cung cách quản trị cũ nên muốn bay chả cất nổi mình mà bay. Nhưng tôi biết ông Chính (ông Phạm Minh Chính UVTU, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh- TG) đang vật vã.
Vật vã?
Chứ sao! Tôi nghĩ không từ nào thích hợp hơn đối với thực trạng Quảng Ninh hiện nay. Các nhà lãnh đạo Quảng Ninh vật vã tìm ra lối riêng cho tỉnh. Trong lúc số đông đang rất lúng túng trước những lối mòn, những ngả rẽ.
Nhìn từ hôm nay trở về trước chưa thành công, tại sao chúng ta không nghĩ về cái mới. Chưa làm cái mới sao biết thành công, còn cái cũ quá lạc hậu rồi, động lực đã hết.
Cái Quảng Ninh tìm kiếm là đột phá. Tôi không khẳng định là thành công thế nào, nhưng là thành công khi dám làm cái mới, khác cái cũ. Cho nên, tôi nghĩ rằng, các nhà lãnh đạo nên ủng hộ vì đó là mô hình.
Đã từng phải vật vã dài dài như thế nên tôi rất khâm phục ông Bí thư Tỉnh ủy. Tôi biết những vật vã của ông ấy. Tôi lấy làm lạ rằng ông Chính sinh ra và được đào tạo không phải để làm kinh tế, nhưng khi làm bí thư một tỉnh biên giới, ông ấy tìm tòi, học hỏi, khiêm tốn và năng động. Miệng nói, chân bước, tay làm, cái gì không rõ thì tìm thầy, bạn. Tìm trong nước, tìm ngoài nước.
Ông ấy muốn Quảng Ninh phải thoát khỏi những trói buộc vô lý. Thành công hay không thì phải chờ thời gian, nhưng tôi biết, hành động như thế là đáng khâm phục. Kết quả không thể một sớm một chiều. Tôi có cảm giác, từ Quảng Ninh, ông Bí thư đang muốn tìm một mô hình đột phá không chỉ cho Quảng Ninh mà cho cả cơ chế bí bách bây giờ trong việc phát triển các đặc khu kinh tế. Thấy như vậy nên tôi rất ủng hộ.
Là người Quảng Ninh, cơ ngơi ở đất Quảng Ninh, hình như ông không tiếc lời về vị thủ lĩnh này?
Không, nhà báo nhầm. Tôi là nhà đầu tư, hoạt động chính của tôi là ở TP. Hồ Chí Minh kia. Ở ngoài này cũng chỉ là dự án thôi.
Những bạn bè doanh nhân trong ngoài nước, các học giả giáo sư và cả chính khách nữa khi nghỉ lại Tuần Châu, không ít người trong lúc gặp tôi trong câu chuyện, chẳng cần phải gợi ra làm gì họ đã chủ động chia sẻ bộc bạch. Mà thứ đầu tiên là cảm giác là nhận xét khi về Quảng Ninh được gặp lãnh đạo tỉnh trong đó có Bí thư tỉnh ủy.
Ông Bí thư có mến khách không và quan hệ với họ thế nào, tôi không biết. Nhưng qua họ, tôi biết ông thường chủ động gặp họ để xin một lời khuyên. Thế nên tôi mới biết, ông ấy là người cầu thị, chịu khó học hỏi.
Mở casino ở Vân Đồn vô cùng cần thiết
Ông nhận xét gì về một dự án đang được coi là nhạy cảm là Khu du lịch phức hợp cao cấp có casino và trò chơi có thưởng ở Vân Đồn?
Casino là vô cùng cần thiết. Tôi còn nhớ, ông Lý Quang Diệu (Singapore) sau khi nghỉ hưu, ông có nói, trong cuộc đời ông có hai điều ân hận. Thứ nhất là lẽ ra phải mở casino ở Singapore sớm hơn. Sau khi mở ra, nó đã tạo động lực cho du lịch tăng 40%, góp phần làm mới lại Singapore. Thứ hai, lẽ ra để Liên Hợp Quốc xây dựng trụ sở tại Singapore. Riêng điều này muốn sửa thì đã trễ rồi.
Đối với Vân Đồn, casino cần thiết, ngay cả cho người Việt Nam. Bởi vì quản lý đơn giản thôi. Thứ nhất, cửa cho người Việt Nam vào, ai vào chơi phải đóng 200 USD. Cửa đó không có người năn nỉ, xin xỏ. Anh không bị vợ, gia đình khiếu kiện, nợ ngân hàng… thì ngay lập tức nhập vào máy. Không bán thẻ, không vào được.
Còn như hiện nay, báo chí đã đăng hơn 80% số người Việt sang Campuchia sang Hồng Kông, Macao... có vào casino. Chúng ta đang chảy máu ngoại tệ. Tại sao không dùng nguồn thu từ casino để làm cái việc cứu trợ xã hội chẳng hạn?
Thế còn sân bay Vân Đồn?
Để tránh tình trạng những thập niên trước đây tỉnh tỉnh thành thành đều làm cảng biển. Việt Nam rơi vào tình trạng lạm phát cảng biển nếu không muốn nói nhiều nhất nhì thế giới, nhưng hiệu quả thấp nhất thế giới. Nếu không cẩn thận thì sân bay chúng ta cũng rơi vào tình trạng như vậy.
Hãy ủng hộ ông Bí thư Tỉnh uỷ hết mình bằng tài năng, nhiệt huyết của mình có thể có được. Ông ấy là người yêu nước, vì vậy tôi ủng hộ. Không chỉ bằng công sức trí tuệ, mà bằng tiền bạc. Bất cứ những gì tôi có, có thể làm được, tôi đều ủng hộ sự mới mẻ này.
Hải Phòng gần kề Quảng Ninh. Nếu chúng ta làm một con đường cao tốc nối Nội Bài - Hải Phòng (Hải Phòng đang có dự án mở rộng sân bay quốc tế), với cao tốc ấy cộng với vài chục km nữa thì không nên làm sân bay Vân Đồn.
Còn nếu xét thấy, phải có sân bay, đặc khu mới phát triển được, tôi nghĩ rằng, làm sân bay không khó khăn gì. Nhưng quan trọng là vấn đề duy tu, phát triển nó để có tần suất máy bay nhiều thì từ đó mới có tiền để duy tu.
Theo tôi, nếu không có sân bay thì Vân Đồn không phát triển được. Do đó, trước tiên cho làm sân bay mức độ vừa phải, cần thiết thì mở rộng, nhưng cần phải quy hoạch ngay từ bây giờ để không lãng phí. Nếu phát triển tốt thì chúng ta mở rộng.
Người ta nói nhiều về động lực và sự lan tỏa của Khu Hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn nay mai. Tuần Châu không xa Vân Đồn sẽ thế nào?
Không chỉ Vân Đồn, ngay tại Tuần Châu này, tôi cũng đang có đối tác muốn làm casino với số vốn 7,5 tỷ USD và tổ chức tài chính, ngân hàng khác đã đồng ý. Chúng tôi đang chờ nghị định. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ mở một chi nhánh tại Vân Đồn.
Còn Tuần Châu chúng tôi sẽ làm casino trên một bến du thuyền. Điều này đã được các cơ quan có trách nhiệm chấp thuận. Tháng 10 này, chúng tôi sẽ cố gắng khánh thành bến du thuyền. Với casino chúng tôi đã hoàn thành hồ sơ, chứng minh tài chính, thiết kế, quy hoạch đã xong từ... hai năm nay.
Chúng tôi đang trù tính, chia 7,5 tỷ USD ra, 4 tỷ USD vào Vân Đồn. Ít hôm nữa, tôi sẽ trình văn bản này lên những cơ quan hữu trách..
Còn sự lan tỏa nào nữa?
Không riêng gì Vân Đồn, ông Chính còn động viên các nhà đầu tư, trong đó có tôi, cũng như các đầu tư nước ngoài xây dựng những dự án lớn như thành phố thông minh.
Thành phố thông minh?
Bây giờ thì chưa nói cụ thể được...Thành phố thông minh sẽ nằm trên khu đất hoang hóa. Đây cũng là một việc làm một bước đi cần thiết, Chúng tôi cần được sự ủng hộ cao, nhanh hơn nữa. Tiến độ này có lẽ cũng phải tỷ lệ thuận với tiến độ Luật mới cho Vân Đồn.
Nhìn từ hôm nay trở về trước chưa thành công, tại sao chúng ta không nghĩ về cái mới. Chưa làm cái mới sao biết thành công, còn cái cũ quá lạc hậu rồi, động lực đã hết. Cái Quảng Ninh tìm kiếm là đột phá. Tôi không khẳng định là thành công thế nào, nhưng là thành công khi dám làm cái mới, khác cái cũ. Cho nên, tôi nghĩ rằng, các nhà lãnh đạo nên ủng hộ vì đó là mô hình. Mô hình đó, trong quá trình vận hành chưa trơn tru thì điều chỉnh. Tôi cho đó là quá trình định vị lại dân tộc. Ta vẫn nằm trong những nước nghèo. Phải tìm cách đi mới...
Lúc mới gặp ông có vẻ là người bi quan? Bây giờ hình như lại lạc quan?
Tôi là một người lính cảm tử trong chiến tranh, hiện là Phó chủ tịch thường trực Hội cựu chiến binh Đoàn tàu không số Việt Nam, tôi thấy hãy ủng hộ ông Bí thư hết mình bằng tài năng, nhiệt huyết của mình có thể có được. Ông ấy là người yêu nước, vì vậy tôi ủng hộ. Không chỉ bằng công sức trí tuệ, mà bằng tiền bạc. Bất cứ những gì tôi có, có thể làm được, tôi đều ủng hộ sự mới mẻ này.
Chúng ta sống hay chết hãy chọn đi. Nếu không thay đổi, chúng ta chết, vậy tại sao chúng ta không thay đổi. Tại sao không làm gì mới mẻ, khác lạ hơn?
Và Tuần Châu cũng có phần trong đó?
Vâng tất nhiên
Xin cảm ơn ông
Theo Tiền phong