Khi con nợ không thực hiện đúng "điều khoản" như đã "giao kèo", các chủ nợ áp dụng những thủ đoạn hiểm độc hòng hoàn vốn sớm nhất có thể. Lúc này, tiền là "tối thượng" tính mạng con nợ được ví nhẹ tựa lông hồng...

Vay tiền hay “bán mạng sống”

Mới đây nhất, trong vòng chưa đầy một tuần mà gia đình ông N.V.T. (quận Ba Đình, Hà Nội) liên tục bị "dội bom bẩn", đe dọa phóng hỏa, lần nào cũng vào lúc tờ mờ sáng khiến các thành viên trong gia đình "hồn" như lên ngọn cây, lúc nào cũng hoang mang lo sợ. Tính mạng các thành viên trong gia đình ông T. đang ở trong tình trạng hết sức nguy hiểm. Nghiêm trọng hơn, chúng còn dùng xăng để phóng hỏa như muốn đốt trụi luôn căn nhà mà cả gia đình ông đang sống trong đó.

Qua tìm hiểu, PV được biết, nguyên nhân của những cuộc "dội bom bẩn" là do gia đình người anh trai của ông T. tên là N.M.D. làm ăn thua lỗ, nợ tiền của ai đó không có khả năng chi trả nên đã bỏ trốn khỏi nơi ở lâu nay. Theo lời thuật của ông T. thì anh trai ông có vay của một người gần 2 tỷ đồng để đầu tư khai thác mỏ ở Hà Giang. Nhưng mỏ này bị thu hồi nên doanh nghiệp cũng đổ qụy bao nhiêu vốn liếng anh trai ông đã "ném" hết vào đó. Kể từ khi phá sản, anh trai ông T. trốn biệt tích. Thế nhưng, không tìm được người vay, nhóm côn đồ này được lệnh đến "hành" những người thân của con nợ, trong đó có gia đình ông T., là em trai.

Thi thoảng có một nhóm côn đồ xăm trổ đầy người đến gia đình ông T. đe dọa, uy hiếp, mặc cho anh em trong nhà cũng đã cam kết với họ là khi nào Nhà nước thanh toán tiền đền bù căn nhà thì sẽ gom góp mỗi người một ít để trả nợ cho anh trai, nhưng họ không chịu. Thế là, thi thoảng, gia đình ông T. lại được nhận những trận "bom bẩn" (gồm mắm tôm và trứng thối) và bị phóng hỏa.

{keywords}

Vụ việc khiến PV nhớ lại chuyện cho nợ và thu hồi nợ của một tay anh chị "có số" ở Thanh Hóa mang tên Tuấn “thần đèn” (tên đầy đủ là Nguyễn Anh Tuấn, SN 1974, TP. Thanh Hóa). Theo hồ sơ từ công an tỉnh Thanh Hóa, mọi chuyện bắt đầu bằng việc, khoảng cuối năm 2009, anh B.H.T. (phường Trường Thi, TP. Thanh Hóa) có vay của người nhà Tuấn “thần đèn” số tiền là 850 triệu đồng với lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày.

Số tiền vay được, anh T. đầu tư làm ăn nhưng không thu được kết quả. Tuy nhiên, hàng tháng, anh T. vẫn phải lo đủ số tiền lãi để đưa cho Tuấn, nếu không sẽ bị đám "ong ve" đến quấy rối, phá phách. Trớ trêu thay, việc làm ăn của anh T. cứ mãi bết bát, với việc phải gánh số lãi suất cắt cổ nên mọi việc cứ thế trôi qua tầm kiểm soát. Lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền lãi không được thanh toán đúng thời hạn đã được Tuấn cộng dồn vào tiền gốc, vì vậy mà số lãi cứ thế nhân lên theo tháng. Sau 3 năm nợ, anh T. phải thanh toán cho Tuấn số tiền là hơn 8 tỷ đồng.

Không đòi được tiền, Tuấn “thần đèn” cho đàn em đến nhà anh T. "ép nợ" nhưng không được nên quay ra đánh đập khổ chủ thậm tệ, kèm theo đó là quậy phá ngôi nhà. Bị đánh trọng thương đến mức phải nhập viện, anh T. còn bị Tuấn ép phải nhượng lại công ty Sao Khuê cho mình với giá rẻ mạt.

Lưới trời lồng lộng, với những tài liệu đã thu thập được từ trước, cộng với những thông tin quan trọng do anh T. cung cấp, công an tỉnh Thanh Hóa đã gấp rút hoàn thiện hồ sơ về Tuấn thần đèn và băng nhóm của gã. Tối ngày 21/9/2012, công an tỉnh Thanh Hóa đã huy động lực lượng lên tới hơn 100 cán bộ chiến sĩ bao vây toàn bộ ngôi nhà của Tuấn và tiến hành các thủ tục bắt giữ đối tượng này.

Vị đại diện văn phòng cơ quan CSĐT, công an tỉnh Thanh Hóa cho hay, trong giới tội phạm băng nhóm, tín dụng đen nơi đây, vẫn còn rất nhiều tên tuổi tiếng tăm, thủ đoạn cũng chẳng kém Tuấn “thần đèn”. Có kẻ là trùm bảo kê đội lốt Giám đốc doanh nghiệp, có kẻ thì là sát thủ mang danh công tử bột, giới giang hồ Thanh Hóa có những sự biến thiên đến mức độ khó lường, khiến cho lực lượng chức năng luôn gặp khó trong việc triệt phá. Nhiều người vì, đặt bút ký giấy vay tín dụng đen, chả khác gì ký vào bản giao kèo tính mạng.

Không trả được là “chết”!

Lên mạng tra google với nội dung tín dụng đen trong vài giây, PV không khỏi giật mình khi có đến hàng trăm ngàn kết quả có liên quan đến vỡ nợ tín dụng đen như: Bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ; đòi nợ thuê chém trọng thương con nợ, đánh cả cảnh sát; bắt cóc sinh viên để đòi nợ hàng trăm triệu đồng; kinh hoàng truy sát để đòi nợ hay đòi nợ, bắt cóc chồng, ép vợ bán xe... điều đó phần nào đã cho thấy bức tranh toàn cảnh của các vụ vỡ nợ tín dụng đen hiện nay. Có đối tượng liều lĩnh đâm ôtô, đối tượng khác thì lại đổ xăng với mục đích đe dọa con nợ để đòi tiền...

Hẳn nhiều người còn chưa quên sự vụ xảy ra ngay tại Hà Nội, một con nợ đã phải treo cổ tự vẫn tại ngôi nhà của chủ nợ bởi chỉ có cái chết mới giúp ông thoát khỏi cái thòng lọng lãi suất khủng đã bị tròng vào cổ. Người đàn ông bất hạnh ấy là H. nhà ở Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, HN). Do cần tiền làm ăn nên ông đã vay của vợ chồng Vũ Minh Trí và Trương Kim Dung ở Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) số tiền 460 triệu đồng. Mặc dù, lãi suất mà Dung đưa ra rất “dã man” là tính theo ngày, cứ vay 10 triệu thì phải trả 2 triệu đồng tiền lãi, nhưng vì cần tiền nên ông H. chấp nhận. Nhưng rồi, từ khoản tiền ban đầu cộng lãi mẹ đẻ lãi con, rốt cuộc ông H. gánh món nợ 1,5 tỷ đồng.

Sau một tháng, đến hẹn mà không có tiền để trả, ông H. buộc phải bỏ trốn. Bất ngờ, Dung gặp ông H. tại Chùa Bộc nên lập tức điện thoại cho chồng và một số đối tượng khác đến bắt. Từ đây, ông H. bị đưa về giam lỏng tại nhà riêng của vợ chồng Trí - Dung tại phố Thái Hà. Tại đây, ông H. bị Trí và đồng bọn đánh đập, hành hạ để rồi sau đó chúng bắt ông H. phải gán nợ bằng ngôi nhà ở Thanh Xuân Bắc. Sau khi bán căn nhà cho Dung, ông H. vẫn chưa thoát khi bị Dung ép nợ thêm 1,1 tỷ đồng cả vốn lẫn lãi do thời gian ông bỏ trốn Dung đã vay nợ lãi của nhiều người, nay ông phải trả. Không còn trông cậy vào đâu để có thể thanh toán được khoản tiền khổng lồ, ông H. đã thắt cổ tự vẫn ngay tại tầng 5 của nhà Dung, nơi chúng đã giam lỏng ông nhiều tháng ròng.

Theo thiếu tá Kiều Xuân Quyền, đội trưởng đội Điều tra tội phạm trật tự xã hội (công an quận Hà Đông, Hà Nội) thì: Tín dụng đen và các loại tội phạm liên quan đến nó đang là vấn đề nóng được lực lượng công an tập trung điều tra làm rõ. Đây cũng là loại hình tội phạm phức tạp, có khó khăn trong việc ngăn ngừa, điều tra. Bởi lẽ, các vụ vay nợ tín dụng đen đều là thỏa thuận dân sự, không có hợp đồng, cơ quan chức năng chỉ phát hiện ra khi thực hiện việc đòi nợ, các đối tượng có những hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh là dù thỏa thuận vay mượn là dân sự, nhưng khi các đối tượng có những hành vi trái pháp luật để đòi nợ, siết nợ thì tính chất của vụ việc đã khác. Bởi các “chủ nợ” không từ một thủ đoạn nào từ đánh đập, bắt cóc, đe dọa, tống tiền thậm chí là giết người. Đổi lại, tiền chưa thấy đâu, nhưng nhiều kẻ trong số đó đã phải nhận hình phạt thích đáng của pháp luật...

Những con số kinh khiếp

Theo điều tra của cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45), Bộ Công an, đối tượng cho vay tín dụng đen rất đa dạng. Có những băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi được tổ chức một cách chặt chẽ, tập hợp nhiều đối tượng có tiền án tiền sự, côn đồ hung hãn, sẵn sàng dùng các thủ đoạn tàn ác, trái pháp luật với con nợ và gia đình họ để thu hồi các khoản tiền lãi cắt cổ và nợ gốc. Các đối tượng cho vay nặng lãi, trong nhiều trường hợp đã trực tiếp hoặc thuê đối tượng côn đồ đe dọa con nợ hoặc sử dụng chất nổ, xăng, chất lỏng dễ cháy hoặc ném "chất bẩn" vào nhà con nợ để gây áp lực về mặt tinh thần hoặc có hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản đối với con nợ. Thống kê sơ bộ của công an các địa phương cho thấy, trong vòng chưa đầy 2 năm (từ năm 2010 đến tháng 6/2012) trên địa bàn cả nước đã xảy ra hơn 4.000 vụ việc liên quan đến tội phạm dạng tín dụng đen, trong đó có 31 vụ giết người, 218 vụ cố ý gây thương tích, 689 vụ cưỡng đoạt tài sản.

(Theo NĐT)