Khác với những vụ sáp nhập, hợp nhất NH ồn ào, chấn động trước đây; hiện đang cùng lúc có 3 - 4 vụ tái cơ cấu các NH nhưng dường như độ nóng trên dư luận đã giảm bớt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tái cơ cấu NH đang chậm lại, hay dễ dàng và ít được quan tâm hơn mà trái lại nó vẫn đang tăng tốc trên một lộ trình đầy khó khăn và nhạy cảm. Không chỉ NHNN mà chính các NH thương mại cũng ý thức được rằng, phải vượt qua giai đoạn khó khăn này càng nhanh càng tốt.

Những cuộc se duyên mới

Cuối tháng 8 đầu tháng 9, giới NH dồn dập đón những thông tin về hoạt động tái cơ cấu NH.

Ngày 8/9, Đại hội cổ đông hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng cổ phần Phương Tây (Westernbank) đã diễn ra ở Hà Nội. Kết quả là Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVCombank) ra đời, đánh dấu bước đi thành công quyết định trong quá trình tái cơ cấu hai tổ chức tín dụng thông qua việc hợp nhất thành một NH mới.

PVCombank, cái tên mới nhưng không lạ trong hệ thống NH Việt Nam khi sự ra đời của nó là thay thế hai tổ chức tín dụng PVFC và Westernbank. Sau hợp nhất, PVcomBank có vốn điều lệ là 9.000 tỷ đồng và ông Nguyễn Đình Lâm - Chủ tịch PVFC được bầu là chủ tịch NH mới.

{keywords}

Đại diện NHNN chi nhánh Cần Thơ, nơi trực tiếp quản lý Westernbank mấy chục năm qua và trực tiếp theo sát vụ hợp nhất này từ đầu đã thở phào khi thương vụ hợp nhất có nhiều cái mới và cái khó này đã kết thúc bằng một “cuộc hôn” nhân êm đẹp. Dù có những nuối tiếc nhưng với tâm trạng “gả con gái về nhà chồng”, vị đại diện này tin rằng, hợp nhất là một quyết định đúng đắn và sẽ mang lại cơ hội phát triển mới.

Trước đó, ngày 28/8, HDBank đã công bố đã mua đứt 100% vốn của công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF). Việc mua lại công ty tài chính này của HDBank đã gây thêm nhiều chú ý khi NH này đang trong quá trình hợp nhất với một NH khác.

Ngay sau công bố trên, cái tên HDBank lại được nhắc đến khi DaiABank thông báo tổ chức Đại hội cổ đông bất thường (vào 25/9 tới) để thông qua việc sáp nhập với HDBank. Lộ trình sáp nhập hai tổ chức không nằm trong diện bắt buộc tái cơ cấu đã được định sẵn khi hai bên đã tự nguyện bắt tay và ký Biên bản ghi nhớ về việc sáp nhập/hợp nhất từ hồi tháng 6/2013. Dù có một số trục trặc ban đầu trong việc tổ chức ĐHCĐ của DaiABank nhưng lộ trình sáp nhập hai ngân hàng này đang được đẩy nhanh hơn.

Trước đó, trong nửa đầu 2013, thị trường cũng đã chứng kiến một vụ tái cơ cấu khá êm đẹp tại NH Đại Tín khi các hoạt động tái cơ cấu ở đây diễn ra nhanh chóng và đổi tên thành NH Xây Dựng cho một giai đoạn phát triển mới.

Trong khi đó, những thông tin trong giới NH cho biết, số ít còn lại các HN trong diện tái cơ cấu như GP Bank hay Navibank cũng đang trong quá trình tái cơ cấu theo những phương án được hướng dẫn và phê duyệt. Nếu mọi việc diễn ra đúng dự kiến, những kết quả đầu tiên về tái cơ cấu của các NH này sẽ sớm được công bố trong thời gian tới.

Tiến từng bước cho mục tiêu lớn

Nói về những khó khăn trong tái cơ cấu, lãnh đạo một tổ chức tài chính kể, trước khi làm, chúng tôi đã lập ra nhiều kịch bản và lường trước các khó khăn, thách thức có thể diễn ra. Nhưng khi vào thực tế, mỗi việc tưởng như nhỏ nhất đều có vô vàn vấn đề khó khăn, có khi mất cả nửa năm trời để giải quyết. Nói thật, nếu biết được trước thực tế nảy sinh thế này thì chắc không ai dám nhảy vào làm tái cơ cấu.

Thế nhưng, sau hơn hai năm vật lộn với tái cơ cấu, vị lãnh đạo và đội ngũ của mình hoàn toàn có thể tự hòa với hành trình đã vượt qua để lấy thêm tự tin cho giai đoạn tới khi nhưng thời khắc khó khăn nhất đã qua. Chia sẻ điều này, đại diện NHNN cho rằng, tái cơ cấu hệ thống NH là một mục tiêu lớn thì thành công của mỗi tổ chức chính là một bước tiến quan trọng.

{keywords}

Chuyên gia NH từng chia sẻ, tái cơ cấu NH vốn việc khó và đầy nhạy cảm thì việc tái cơ cấu các NH hiện nay có nhiều thách thức và bất lợi do điều kiện kinh tế vĩ mô, điều kiện sản xuất - kinh doanh, thị trường tài chính trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, hệ thống NH trải qua một giai đoạn nhiều sóng gió… Điều này khiến cho việc huy động các nguồn vốn và tìm kiếm các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, quản trị để tham gia tái cơ cấu là điều không dễ.

Lường trước khó khăn này, các chuyên gia tài chính quốc tế đã cảnh báo, rủi ro lớn nhất của tái cơ cấu ngân hàng chính là sự trì hoãn. Nếu mọi không tiến hành đúng thời điểm các rủi ro vốn có sẽ được “phóng to” lên và chi phí phải trả cho tái cơ cấu sẽ cao hơn.

Thực tế, đã có không ít lo ngại về sự chậm trễ trong quá trình tái cơ cấu của các NH nhưng cho đến nay, với những kết quả đã có thì dường như lĩnh vực khó nhất lại đang đi nhanh hơn. NH không chỉ là lĩnh vực đầu tiên xây dựng và được thông qua đề án tái cơ cấu sớm nhất mà kết quả thực tiễn cho đến nay đã cho thấy điều này.

Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan nhà nước trong việc tiến hành các giải pháp tái cơ cấu được tiến hành đồng bộ, với những giải pháp phù hợp thì điều quan trọng không kém là chính các tổ chức tín dụng nhận thức được tầm quan trọng cũng như cơ hội, thách thức trong quá trình tái cơ cấu và đã chủ động tìm cách cứu mình. Với nỗ lực chung đó, trong phát biểu mới đây, đại diện NHNN cho rằng, đến năm 2015, công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng sẽ cơ bản đạt được mục tiêu đặt ra.

Ngọc Sơn