Chẳng có việc để làm trong khi chi phí hoạt động thì vẫn phải duy trì, tiền đầu tư nằm “chết” một chỗ không rút ra được, tiền lãi vay ngân hàng thì đến nhanh chẳng khác “điện giật”... Không ít doanh nghiệp hiện nay đang sống trong cảnh “dặt dẹo” như thế!
Những số liệu thống kê thời gian gần đây cho thấy nền kinh tế vẫn đang tiếp tục duy trì đà phục hồi tăng trưởng khá ổn định và theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Sự ổn định của nền kinh tế nếu tiếp tục được duy trì trong năm 2013 sẽ là nền tảng tạo điều kiện cho kinh tế 2014 - 2015 phát triển.
Thực tế trong mấy tháng gần đây, nền kinh tế đón nhận rất nhiều tín hiệu lạc quan như tăng trưởng tín dụng – một trong những nút thắt quan trọng trong bài toán phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế - đã rõ ràng hơn và mục tiêu 12% cho năm 2013 cũng được khẳng định là khả thi; lượng doanh nghiệp thành lập mới, phá sản hoặc giải thể cũng tăng dần trong mấy tháng gần đây...
Trả lời báo chí trong các phiên họp báo Chính phủ mấy tháng gần đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng không ít lần lên tiếng nhấn mạnh đến sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế khi bài toán lạm phát đang được kiểm soát, vấn đề tồn kho đã không còn là vấn đề của nền kinh tế…
Bức tranh kinh tế đang dần sáng tỏ hơn và đây là tín hiệu lạc quan cho thấy chúng ta đang trên đường thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, sự phát triển quá “nóng” về số lượng các doanh nghiệp tham gia thị trường đã đẩy nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản, nợ nần. Và để tiếp tục duy trì hoạt động, họ buộc phải mang tài sản mà mình có đi cầm cố.
Theo anh Minh, Chủ một cửa hàng cầm đồ ở phố Chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, khách hàng là chủ doanh nghiệp, công ty tư nhân tìm đến các cửa hàng cầm đồ bỗng nhiên tăng đột biến. Có người đến cầm cái ô tô, có người cầm cái sổ đỏ… thậm chí có người đến chỉ là cầm cái xe máy để lấy dăm chục triệu đồng.
Cũng theo anh Minh thì những doanh nghiệp này phần lớn là doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng. Vì thị trường bất động sản đóng băng, dự án thì “ngủ đông” quá lâu, nhiều khoản đầu tư của họ hoặc các hợp đồng thi công, cung cấp vật liệu xây dựng… bị tắc nên vốn đọng rất lớn. Thậm chí có doanh nghiệp đã vay cả chục tỉ đồng từ ngân hàng để cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án bất động sản nhưng giờ đang bị “treo”. Tiền đổ vào không rút ra được mà lãi ngân hàng thì cứ phải thanh toán đều hàng tháng.
Nhiều doanh nghiệp đang sống trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như thế!
Tiếp câu chuyện của anh Minh, tôi tìm đến Hùng - một “ông trùm” cho vay nặng lãi tại khu vực này – mới được biết, thực ra chuyện doanh nghiệp tìm đến các tiệm cầm đồ hoặc đi vay nặng lãi đã diễn ra từ lâu. Những khoản vay của họ cũng khá “lặt vặt”, có khi chỉ vài ba chục triệu đồng gọi là vay “nóng” giải quyết việc trước mắt ví như tiếp khách hay quà cáp gì đó…
Nhưng theo anh Hùng thì thời gian gần đây, chuyện này đã diễn ra thường xuyên hơn, “mật độ” cầm đồ của một doanh nghiệp cũng tăng lên, tài sản cầm cố cũng lớn dần bởi nhu cầu dùng tiền cuối năm là rất lớn. Anh kể: Mới tuần hôm qua thôi, cũng có một anh tự giới thiệu là giám đốc của một công ty xây dựng đến cầm chiếu Toyata Camry mà anh này đang đi để lấy 300 triệu đồng. Hỏi ra thì mới biết, anh này vay "nóng" mấy ngày để trả lương cho cán bộ, công nhân viên và các chi phí hoạt động khác.
Qua trao đổi, tiếp xúc với một số doanh nghiệp xây dựng tại Hà Nội được biết, mấy năm trước, khi nền kinh tế còn sôi động, giữa lúc thị trường bất động sản hưng thịnh nhất, hàng loạt doanh nghiệp đã được lập bởi những cá nhân tuy tiềm lực chẳng có gì nhưng lại có quan hệ. Họ chỉ như một chiếc “thùng rỗng”, sinh ra, cậy quan hệ để được làm cái này, cái kia, rồi nhờ tác động vào chỗ này, chỗ kia để vay được vốn thực hiện.
Và hệ quả thì rõ, khi thị trường đóng băng, nền kinh tế gặp khó, dòng vốn đi vay của những doanh nghiệp này bị tắc, bị “ngâm” trong các công trình, dự án thì họ sẽ “chết”. Chỉ riêng chuyện lãi trả ngân hàng thôi cũng đủ “chết” chứ đừng nói tới các khoản chi phí duy trì hoạt động hàng ngày. Họ chỉ như con “mèo nhỏ” nhưng lại muốn bắt “chuột to” nên giờ đang bị “nghẹn” như thế!
Giờ đây, không chỉ có học sinh - sinh viên, dân lô đề, cờ bạc mà có cả doanh nghiệp làm "mồi" cho cầm đồ, tín dụng đen.
(Theo Petrotimes)