Các ngân hàng đã tất toán nhưng lượng vàng đấu thầu vẫn được mua hết. Nhu cầu vàng trong dân còn lớn, dường như khi các kênh đầu tư đang bế tắc thì thói quen tích vàng lại mạnh mẽ hơn.

Cả các chuyên gia từ NHNN và các DN vàng đều khẳng định, dù có giảm nhưng nhu cầu về vàng trên thị trường vẫn còn và việc đấu thầu cung vàng ra thị trường để đáp ứng nhu cầu.

Trước đây, các dự báo đều cho rằng, sau 30/6 khi thời hạn tất toán vàng của các ngân hàng đã hết thì nhu cầu về vàng sẽ giảm mạnh, giá vàng trong nước sẽ dần gần với giá vàng thế giới.

Đến nay, đã gần 3 tháng kể từ thời điểm 30/6, nhu cầu vàng vẫn cao và đấu thầu vàng của NHNN vẫn đắt khách. Câu hỏi đặt ra là vàng đi đâu?, Có phải người dân đang đẩy mạnh mua vàng trong tình hình các kênh đầu tư khách khó khăn?.

{keywords}

Theo số liệu của NHNN, từ đầu năm 2013 đến nay cơ quan này đã bán ra trên 57 tấn vàng, trong đó bán cho các ngân hàng thương mại để tất toán trạng thái vào khoảng 30 tấn, số còn lại được các đơn vị trúng thầu bán ra thị trường.

Sau thời điểm 30/6, mức chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá thị trường không lớn, thời điểm cao vào khoảng 340.000 đồng/lượng. Đến lần đấu thầu 12/9 vừa qua thì giá trúng thầu của 1 số đơn vị còn cao hơn giá trên thị trường từ 100.000- 150.0000 đồng/lượng.

Để bán vàng trúng thầu này đến tay người mua cuối cùng, các đơn vị này còn phải bỏ thêm hàng loạt chi phí, nếu thêm rủi ro biến động khiến giá giảm thì chỉ có nước thua lỗ.

Vậy nhưng, vàng đấu thầu phần lớn bán ra đều được mua hết. Câu hỏi đặt ra là không lẽ các đơn vị đấu thầu mua vàng để rồi chịu lỗ?

Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, nguyên giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thụỵ Sỹ cho rằng, thứ nhất nhu cầu về vàng của người dân Việt Nam cao là có thật. Và nhu cầu này cần phải được đáp ứng để đảm bảo thị trường bình ổn.

“Theo thống kê của các ngân hàng Thụy Sĩ - nơi cung vàng chủ yếu cho thị trường Việt Nam, mỗi năm Việt Nam cần từ 70 - 100 tấn. Trong khi đó từ đầu năm tới nay Ngân hàng Nhà nước bán ra 57 tấn, trừ đi 30 tấn dành cho các ngân hàng thương mại tất toán trạng thái vàng thì số lượng còn lại bán ra thị trường không phải là lớn”, ông Kim phân tích.

Trên thế giới, khi kinh tế càng bất ổn, thì tình trạng tích trữ vàng càng tăng. Hiện nay kinh tế Việt Nam còn nhiều vấn đề chưa ổn định bền vững. Nỗi lo lạm phát và tăng giá vẫn còn đe dạo, trong khi các kênh đầu tư BĐS, chứng khoán và sản xuất kinh doanh bế tắc thì tâm lý tích trữ vàng để phòng thân của người dân sẽ tăng cao.

{keywords}

“Vì thế, như một thói quen bảo toàn tài sản người dân sẵn sàng chuyển qua giữ vàng trong nhà. Điều này càng dễ hiểu khi các kênh đầu tư thì chứng khoán đi xuống, bất động sản trầm lắng, lãi suất ngân hàng ngày càng giảm. Với ngoại tệ thì tỷ giá không biến động nhiều, nên không hấp dẫn. Xem ra, đầu tư vào vàng vừa giữ được giá trị của đồng vốn và ngủ ngon với kỳ vọng giá vàng sẽ tăng”, ông Kim cho biết.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý chuyện các ngân hàng cũng đang đầu cơ găm giữ vàng không phải là không có. Tuy NHNN đã yêu cầu các đơn vị tham gia đấu thầu, kinh doanh vàng miếng phải báo cáo trạng thái vàng từng ngày và bị khống chế tỷ lệ 2% vốn tự có, nhưng nếu các NH chuyển sang cho công ty sân sau, công ty con thì khó có thể kiểm soát được.

Theo ông Kim, đây là vấn đề phải cảnh giác. Hiện nay, các đang thừa vốn, không cho vay được, mua trái phiếu lãi suất ngày càng giảm, trong khi vốn huy động vẫn phải trả lãi vì vậy phải tìm kênh đầu tư.

Trong khi đó, theo dự báo giá vàng thế giới xuống chỉ là tạm thời, sang 2014 có thể tăng lên mức 1.500 USD/ounce. Vì vậy, không ít NH sẽ liều mạng đầu cơ vàng dù chuyện này không hề dễ.

Hiện tại, việc huy động vàng đã bị chấm dứt, cần vàng, các NH thương mại và DN phải mua. Mua thì nhu cầu tăng, vì vậy chỉ cần ngừng đấu thầu vàng, giá vàng rất có thể tăng lên. Khi đó, rất có thể vàng đầu cơ sẽ lại được tung ra.

Theo số liệu từ các cơ quan, hiện số vàng do người dân Việt Nam đang sở hữu ước tính từ 400 - 1.000 tấn, tương đương với 20 -43 tỷ USD. Việc đóng băng loại tài sản này chẳng khác gì đem một lượng tiền khổng lồ “chôn xuống đất”, hoàn toàn không tham gia vào việc tạo thêm các giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Vì thế, trước mắt việc đấu thầu vàng cung ra thị trường là cần thiết để đáp ứng nhu cầu, tạo cơ sở bình ổn thị trường vàng. Tuy nhiên, về lâu dài, NHNN sẽ cần tính đến một chiến lược huy động khối vàng này để tạo thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đặc biệt, giải phóng được khối vàng này cũng giảm được những nguy cơ từ “vàng hóa” đối với nền kinh tế.

Trần Thủy