Cơ quan tố tụng của tỉnh Quảng Ninh vừa hoàn tất quá trình điều tra, chuẩn bị đưa ra xét xử vụ Bùi Thị Thu Hằng, SN 1984, đăng ký thường trú tại phường Bạch Đằng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cùng đồng bọn lợi dụng danh nghĩa công ty THHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam để lửa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này có 17 đối tượng bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền chúng chiếm đoạt của hơn 60 bị hại lên tới trên 230 tỷ đồng. Theo Trung tá Vũ Quý Cường, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Quảng Ninh, cán bộ trực tiếp điều tra vụ án: Thủ đoạn của Hằng và đồng bọn không mới, các nạn nhân sập bẫy bởi mất tỉnh táo từ mức lãi suất “khủng” và trước những chiêu trò mua chuộc lòng tin của các đối tượng.
Bùi Thị Thu Hằng được Công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam ký hợp đồng là đại lý bảo hiểm vào tháng 8/2009. Đến tháng 4/2010, thấy một số người tham gia bảo hiểm phàn nàn về thời gian đóng bảo hiểm quá dài và có nguyện vọng mua loại bảo hiểm có thời gian ngắn hơn, chóng thu hồi vốn hên nên Hằng nảy ra ý đồ làm giả các bộ hợp đồng bảo hiểm và chứng từ, hồ sơ liên quan để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Theo đó Hằng đã giả mạo là Trưởng phòng Kinh doanh, rồi Giám đốc Văn phòng phát triển kinh doanh khu vực Quảng Ninh của Công ty Prudential, lôi kéo chồng là Nguyễn Văn Hùng cùng một số người làm thuê cho Hùng, đối tượng ngoài xã hội đào tại thành nhân viên tiếp thị, sử dụng tên giả, giả mạo là đại lý của công ty bảo hiểm Prudential. Các đối tượng tiếp thị người mua lại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của người mua trước hủy ngang để duy trì tiếp số hợp đồng này, khi hết thời hạn hợp đồng sẽ được hưởng toàn bộ giá trị hợp đồng và nhận lãi suất 50-53% hoặc bỏ ra 100 triệu đồng mua gói bảo hiểm hưu trí thì mỗi tháng được nhận lương, chuyển vào tài khoản cá nhân từ 4-5,5 triệu đồng.
Ban đầu, Bùi Thị Thu Hằng mời chào một số người có uy tín và từng có chức sắc trong xã hội mua loại bảo hiểm hưu trí, sau đó dùng chính tiền đó trả lương vào tài khoản của họ rất đều đặn, đúng theo định kỳ hàng tháng nhằm lấy lòng tin của họ, đồng thời thông qua những người này để giới thiệu cho những người thân, quan hệ quen biết của họ hàng Hằng mời chào mua bảo hiểm ngắn ngày có lãi suất cao gọi là “Hợp đồng VIP”.
Với “tôn chỉ, bí quyết” kinh doanh “biến khách hàng thành người nhà, hiểu họ cần gì, muốn gì. Nâng cao tốt, dìm cái xấu và lợi dụng lòng tham của họ, tạo vỏ bọc hoàn hảo”, các đối tượng giả tạo gây dựng tình cảm thân thiết với nhiều khách hàng như nhận là bố, mẹ, là học sinh cũ, đồng khóa, đồng niên. Ngày càng có nhiều người tham gia mua bảo hiểm VIP và và tin tưởng tiếp tục tái đầu tư. Không ít trường hợp nộp thêm nhiều tiền hơn để mua bảo hiểm có giá trị lên đến nhiều tỷ đồng mà chỉ nhận phiếu thu tiền hoặc giấy biên nhận, không đòi hỏi phải có hồ sơ, giấy chứng nhận bảo hiểm.
Ngoài các hợp đồng, phiếu thu tiền giả, Hằng yêu cầu các đối tượng trong nhóm trích lại 15% số tiền “hoa hồng” kiếm được từ số hợp đồng mỗi nhân viên được hưởng để duy trì hồ sơ bảo hiểm của Công ty Prudential mang tên khách hàng, tên Hằng và các nhân viên của Hằng. Số hồ sơ này phát hành theo biểu mẫu thật, Hằng và đồng bọn gọi là “Hợp đồng thường”. Qua đó, Hằng không chỉ che đậy được hành vi bất hợp pháp của mình với Công ty Prudential mà còn được Công ty này vinh danh trong “Bảng vàng Prudential Việt Nam”.
Từ đây, Hằng tiếp tục quảng bá hình ảnh của mình, tạo dựng lòng tin với khách hàng qua các chiêu khuyến mại “sốc” như tặng xe máy giá trị cao, tri ân khách hàng, tổ chức các chuyến du lịch... Số khách hàng VIP của Hằng ngày một tăng, đến tháng 9/2011, khi vụ việc vỡ lở, đối tượng cùng chồng bỏ trốn và bị cơ quan Công an tỉnh Khánh Hòa bắt. Phân tích của cơ quan điều tra, con số hơn 60 nạn nhân trong vụ án chỉ là “bề nổi”, là số cầm cái, đứng tên mua bảo hiểm của nhóm Bùi Thị Thu Hằng.
Thực tế số trường hợp gián tiếp tham gia và thiệt hại trong vụ án còn lớn hơn nhiều bởi đã hùn vốn hoặc cho người khác vay để tham gia trò chơi bảo hiểm lãi suất cao này. Trung tá Vũ Quý Cường, điều tra viên thuộc phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, không chỉ số tiền thiệt hại trong vụ án lớn, các bị hại đông, quá trình điều tra vụ án kéo dài bởi gặp nhiều khó khăn do bản thân nhiều người bị hại khai báo không trung thực, thường có tâm lí khai số tiền bị lừa đảo chiếm đoạt nhiều, không nói rõ thực số tiền gốc cũng như tiền lãi. Có trường hợp bị hại khai báo đến 3-4 lần, nhiều người ban đầu nộp chứng từ photo, sau cơ quan điều tra yêu cầu bản gốc mới khai báo là đã thanh toán rồi.
Các nạn nhân trong vụ án đều là những người có trình độ, hiểu biết cao song vẫn sập bẫy lừa đảo của Bùi Thị Thu Hằng bởi ham lãi suất cao, bởi quá tin vào tình cảm giả tạo của các đối tượng. “Nhiều giấy chứng nhận, thư cảm ơn của công ty bảo hiểm Hằng giao cho khách thời gian cấp ghi trên số giấy tờ này từ năm 2006 có dấu đỏ của Công ty, chữ ký của Tổng giám đốc Prudential Việt Nam John Inniss Howell. Nếu cẩn thận, tỉnh táo rất dễ phát hiện mâu thuẫn và xác định là giả mạo bởi thời điểm các nạn nhân tham gia bảo hiểm là năm 2010, 2011. Ông Giám đốc Công ty Prudential Việt Nam không thể “Thánh” đến mức dự đoán sẽ có những khách hàng cụ thể là ông A, bà B, ở thành phố Hạ Long tham gia mua bảo hiểm để có thể ký và cấp hồ sơ, thủ tục trước 4-5 năm như vậy” - Trung tá Vũ Quý Cường phân tích.
(Theo Nguoiduatin)