Tại các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, nông sản được nhập về chủ yếu là hàng Trung Quốc. Nguy hiểm hơn, một lượng lớn các loại phụ gia hóa chất độc hại có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng đang được bày bán công khai.

Thực phẩm Trung Quốc ngập chợ

Trong khi tại chợ đầu mối hàng nông sản nhập từ Trung Quốc chiếm tỉ trọng áp đảo thì khi về chợ lẻ, các tiểu thương đều “xóa dấu vết” nguồn gốc để biến các mặt hàng này thành hàng Việt. Hầu như không tiểu thương nào dám ghi thông tin gừng, tỏi, rau củ, hoa quả được nhập về từ Trung Quốc.

Vụ khoai tây Trung Quốc “đội lốt” khoai tây Đà Lạt là một minh chứng rõ nét. Người bán sau khi nhập khoai tây “Tàu” đã cố tình trộn đất đỏ lấm lem như khoai Đà Lạt, rất khó phân biệt/ Lý do khoai tây Trung Quốc (TQ) tràn ngập các chợ, theo giới tiểu thương, là loại khoai này bán chạy hơn khoai trong nước nhờ giá rẻ hơn. Chị Thu Thanh, một tiểu thương ngành rau củ chợ Long Biên, cho biết giá khoai tây Đà Lạt đang tăng, loại ngon nhất bán thấp nhất cũng 40.000 đồng/kg. Trong khi khoai tây TQ loại lớn nhất bán ra chỉ khoảng 30.000 đồng/kg.

Không chỉ khoai tây Trung Quốc đột lốt khoai Đà Lạt, các mặt hàng như bắp cải, bông cải, gừng, tỏi, cà rốt, hành tây... người tiêu dùng cũng đang tù mù thông tin xuất xứ. Dù nhập hàng từ Trung Quốc nhưng không ít người bán vẫn giới thiệu hàng trong nước...

{keywords}

Ngoài mặt hàng nông sản, các loại hoa quả như cam, quýt nhập khẩu về Việt Nam và bày bán tại các chợ cũng phần nhiều là hàng Trung Quốc .Tại chợ đầu mối, cam, quýt đóng trong các thùng xốp, có dán một số thông tin bằng chữ Trung Quốc. Tuy nhiên, các tiểu thương mang về chợ lẻ bán lại xóa hết dấu vết hàng Trung Quốc, sau đó họ khẳng định với người tiêu dùng là “quýt Thái”, cam Hà Giang... Nhiều người tiêu dùng mua phải “quýt Tàu” mà vẫn nhầm tưởng trái quýt nhỏ, có vỏ màu vàng là quýt Thái.

Từng trả lời báo giới, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho rằng, rau củ TQ nhập khẩu vào VN chịu thuế suất chỉ 0% nên đầu mối không có lý do gì để nhập lậu. Tất cả các lô hàng rau củ khi qua hải quan đều đã được lấy mẫu kiểm định chất lượng VSATTP nên hầu hết rau củ trên thị trường VN từ TQ đều an toàn. Tỉ lệ rau nhiễm dư lượng thuốc BVTV quá ngưỡng, trong 1 năm rưỡi trở lại đây, chỉ chiếm 1 - 2%”.Tuy nhiên, để tăng cường kiểm soát chất lượng, Cục BVTV sẽ tăng cường hơn việc lấy mẫu rau - củ - quả từ TQ, trong đó tập trung cho các loại trái cây có nguy cơ cao gồm: Táo, lê, nho, cam, quýt... và một số mẫu rau củ phổ biến trên thị trường, sớm công bố kết quả cho người tiêu dùng.

Đầu độc người tiêu dùng

Tại các chợ đầu mối như chợ Đồng Xuân, chợ Bắc Qua, không khó để tìm các gian hàng bày bán nhiều loại phụ gia hóa chất. Trong vai người mở quán bán cơm bình dân và nước giải khát tại khu trọ cho sinh viên, PV Chất lượng Việt Nam tìm ngay được một “mối” chuyên cung cấp gia vị, phụ gia, đồ khô tại chợ Đồng Xuân. Ban đầu, người bán hàng khá dè chừng nhưng khi “tin tưởng” hơn, người bán “tiếp thị” rất nhiều loại gia vị như gia vị nấu lẩu, xốt tiêu, hoa hồi… Tuy nhiên, đó đều là những loại gia vị thông thường bán cho các bà nội trợ. Còn với người mua phụ gia để chế biến thực phẩm bán hàng thì có các loại phụ gia hóa chất hương vị tinh bò, phụ gia để pha nước cam, café, trà chanh….

Giá của mỗi loại phụ gia này khá rẻ chỉ từ 50.000 – 100.000 đồng/gói bán theo từng lạng, nếu lấy nhiều theo kg hay các can một lít thì mức giá còn “ưu đãi” hơn. Khi được hỏi về xuất xứ các loại phụ gia này thì người bán tỏ vẻ ngập ngừng nhưng theo quan sát của PV, phụ gia đều được đóng trong bao bì ni lông không hề thấy nhãn mác, nguồn gốc cũng như hướng dẫn sử dụng.

Công thức, liều lượng dùng các loại phụ gia này chỉ do các chủ quầy truyền miệng, chẳng hề có nhãn hiệu tiếng Việt. Hầu hết các loại phụ gia này đều có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc, được các chủ cửa hàng “sang chiết” lại bán theo từng lượng nhỏ. Bởi ngay cuối tháng 6, Đội Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về Môi trường CA quận Đống Đa, Hà Nội đã thu giữ gần 1 tấn hương liệu phụ gia rởm, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Toàn bộ số phụ gia này do Cty TNHH Khoa học công nghệ và thương mại Vĩnh Lập, tại 27 ngõ 161 Thái Hà, phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội, giám đốc là bà Nguyễn Thị Dung, SN 1980, trú tại phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội “nhập lậu” về. Lực lượng Công an đã phát hiện nhiều loại hương liệu phụ gia thực phẩm rởm, không có hóa đơn và giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Qua kiểm đếm, số lượng hương liệu phụ gia trên gồm: 72 can dung dịch dùng để tạo mùi, tạo màu cho bánh kẹo, đồ uống; gần 150 gói bột loại trung bình 2kg, 390 gói loại 2gr dùng để tạo mùi, tạo màu cho bánh kẹo, tạo độ dẻo, độ dai, giòn trong chế biến thực phẩm, cùng một số hương liệu phụ gia khác.

Theo điều tra, bao bì của các loại sản phẩm này có in chữ Trung Quốc. Các sản phẩm này là hương vị táo, cam, sữa, dừa dùng để chế biến bánh kẹo, đồ uống. Tuy nhiên, khi mở nắp các hương liệu này ra cho thấy dù có vị của hoa quả nhưng bên cạnh đó kèm theo mùi hăng, nồng khó chịu

Theo lời khai của Giám đốc Nguyễn Thị Dung thì chị ta đã kinh doanh mặt hàng hương liệu này từ đầu năm 2013 đến nay và đã nhập hàng trôi nổi trên thị trường, sau đó bán lại cho các cơ sở chế biến thực phẩm ở ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Thời gian gần đây, người tiêu dùng lại càng thêm hoảng hốt trước thông tin nhiều cơ sở sản xuất bún có sử dụng hóa chất Trung Quốc để tẩy trắng. Rõ ràng, thực phẩm và phụ gia Trung Quốc đang “đầu độc” người tiêu dùng Việt Nam trong khi công tác kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

(Theo VietQ)