Mặc dù việc kinh doanh trên vỉa hè là vi phạm, nhưng "luật bất thành văn" về việc sang nhượng lại địa điểm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra tại Hà Nội.

Mở quán bán trà đá trên phố Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội được vài năm, bác Thủy cho biết, nhờ gần sân bóng đá, việc kinh doanh cũng khá thuận lợi. Muốn mở rộng quán từ lâu, nhưng những vị trí tốt đều đã được người khác nhận hết, quán chỉ có 3 chiếc bàn kê trên diện tích gần 8m2.

"Tháng trước, chủ quán liền kề nói nếu muốn mở rộng sang chỗ của nhà họ, tôi phải trả 5 triệu đồng, nếu không họ sẽ bán lại chỗ ngồi này cho người khác. Diện tích vỉa hè chỉ khoảng 12m2, lại là địa điểm công cộng, nói thật ra là bán hàng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè mà cũng có giá 'sang nhượng' như đất thổ cư, nghe rất vô lý. Nhưng vô lý vậy mà nhiều người vẫn tranh mua, giờ giá lên đến gần chục triệu rồi mà còn chưa biết về tay ai", bác Thủy cho hay.

{keywords}

Không chỉ là nơi bị chiếm dụng bán hàng, vỉa hè còn là mảnh đất để sang nhượng với những cái giá rất vô lý cho mỗi m2 đất công cộng.

Dù không có giấy tờ chứng minh sở hữu, nhưng những mảnh đất tốt trên vỉa hè các con phố kinh doanh sầm uất vẫn được sang nhượng lại bằng miệng với giá từ vài triệu tới hàng chục triệu. Đắt đỏ nhất là những vỉa hè gần trường đại học, bệnh viện, công viên, sân bóng hoặc phố mua sắm, rẻ thì trong những lối ngõ, ngóc ngách Hà Nội.

Bán đồ ăn vỉa hè trước cổng một bệnh viện lớn tại khu vực Quán Sứ, Hà Nội, chị Hoa cho hay, chuyện mua bán đất công cộng "ngầm" không phải hiếm. Thậm chí không bán trước cửa nhà mà chỉ cần dựa lưng vào tường cũng bị tính phí, rẻ thì vài trăm, đắt cũng lên tới tiền triệu.

"Kinh doanh trên vỉa hè vốn đã phạm luật, trước khi được chính quyền cho phép thì phải xin 'chủ nhà', bảo vệ bệnh viện chứ ai dám bày bán nếu người ta không cho phép. Chỗ tốt có khi phải bỏ tiền ra mua, tùy theo diện tích và việc có đắt hàng hay không, còn những chỗ tối, không khách, có thể ngồi thoải mái, nhưng chỉ tốn thời gian vì chẳng bán được cho ai", chị Hoa cho biết.

Theo nhiều người bán hàng vỉa hè, ngoài việc nộp tiền cho "chủ nhà", họ còn phải qua nhiều "cửa" khác mới giữ được chỗ bán hàng quen của mình, ví như mất tiền cho bảo kê, bảo vệ tòa nhà hoặc công trình. Những khoản "phí duy trì" đắt đỏ khiến bất cứ ai khi bỏ kinh doanh cũng muốn bán lại chỗ ngồi để thu vốn, và việc chuyển nhượng đất công vỉa hè qua giao dịch miệng cứ thế đã trở thành "luật bất thành văn".

(Theo Trithuc)