Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng kêu than, diễn biến giá gas dù tăng hay giảm vẫn luôn theo chiều hướng có lợi cho người kinh doanh. Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp gas lại quả quyết, lợi nhuân kinh doanh ngành này rất thấp.
Luôn tăng cao hơn thế giới
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Hướng tới thị trường gas an toàn và ổn định” do Báo Công Thương tổ chức hôm 19/9, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ: “Thực ra, giá gas có tăng, có giảm theo thị trường thế giới. Vấn đề người tiêu dùng không đồng tình là thông tin không được minh bạch, đầy đủ”.
“So với giá thế giới, biên độ tăng hay giảm, người kinh doanh luôn ở thế chủ động, điều chỉnh có lợi cho mình”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng liệt kê: “năm 2012, tháng 1 giá thế giới tăng 85 USD/tấn, tương ứng 1.800 đồng/kg thì ở trong nước giá gas tăng 2000 đồng/kg. Tháng 2, giá gas thế giới tăng 3000 đồng/kg thì trong nước, giá tăng 3.500 đồng/kg. Tháng 3, giá gas trong nước tăng thêm 4.300 đồng/kg trong khi, giá quốc tế chỉ tăng có 3.800 đồng/kg.”
Ông Hùng so sánh tiếp: Tháng 4, giá thế giới giảm 17,6% thì giá trong nước giảm có 15%. Tháng 5, giá thế giới giảm tới 14% thì giá trong nước giảm có 8,6%. Tháng 6, giá gas trong nước giảm tiếp 8%, nhưng trên thị trường thế giới, mức giảm là tới 15%”.
Bảng tổng hợp này của Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, gas trong nước thường tăng hơn cả mức tăng của giá gas thế giới, nhưng khi giảm thì chỉ giảm nhỏ giọt, thấp hơn rất nhiều mức giảm của giá thế giới.
Các thống kê của Hiệp hội cho thấy, giá gas năm 2012 đã có tổng tăng tới 263.000 đồng/bình 12kg, với 9 lần tăng, nhưng khi giảm thì chỉ giảm có 5 lần, với tổng mức giảm là 183.000 đồng/bình. Chưa kể, việc giảm giá thường diễn ra sau khi có cuộc thanh kiểm tra của cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, thị trường gas lại tồn tại hiện tượng thống lĩnh thị trường, độc quyền nên quyền lợi của người tiêu dùng khó đảm bảo. Trong khi đó, chất lượng gas vẫn còn đang bát nháo, chưa được kiểm soát tốt.
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước lưu ý: Trong năm 2012, thuế nhập khẩu LPG có 3 lần tăng giảm khác nhau.
Ông cho hay, 5 tháng đầu năm nay, giá CP liên tục giảm, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng chỉ trong khoảng 305.000- 360.000 đồng/bình 12kg. Từ tháng 6 đến nay, giá CP có xu hướng tăng trở lại, khoảng 65 USD/tấn, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng trong khoảng 350.000- 405.000 đồng/bình 12kg.
Ông An cho rằng, diễn biến giá LPG thời gian qua thực sự vận hành theo cơ chế thị trường và theo diễn biến của giá thế giới.
Đăng ký một đằng, tăng giá một nẻo
Phản hồi lại những băn khoăn của Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, ông Trần Trọng Hữu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas VN, Chủ tịch Chi hội Gas miền Bắc cho rằng, thị trường gas rất minh bạch, cởi mở. Ý kiến cho rằng các DN gas (là doanh nghiệp đầu mối) muốn tăng giảm tùy ý là không đúng.
Ông phân tích, giá gas thế giới thay đổi hàng tháng tùy thuộc vào tình hình cung cầu và được công bố bởi Công ty Aramco vào đầu mỗi tháng (gọi là giá CP). Căn cứ vào đó, các doanh nghiệp điều chỉnh giá tương ứng, thông thường vào đầu tháng.
Thêm vào đó, do gas là mặt hàng bình ổn nên khi muốn tăng giá, các DN cũng phải kê khai, đăng ký giá và giải trình các nguyên nhân điều chỉnh.
“Đề nghị Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng hiểu là kinh doanh gas rất vất vả. Hiện nay, thông tin giá gas rất cởi mở, chẳng hạn như dự kiến giá gas thế giới tăng bao nhiêu và giảm bao nhiêu đều có cả” ông Hữu nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, vị đại diện cho các doanh nghiệp gas khẳng định: “Trên thực tế nhiều năm nay, các doanh nghiệp kinh doanh lớn như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) có lợi nhuận kinh doanh gas là thấp, chỉ khoảng 0,5% doanh thu”.
Theo ông, người tiêu dùng đang được lợi rất nhiều, nhờ tính cạnh tranh khốc liệt ở thị trường này. Các DN cạnh tranh nhau bằng chi phí kinh doanh chứ không phải là giá đầu vào. Do đó, họ phải đưa ra cơ chế giá bán hợp lý để thu hút khách hàng, tăng sản lượng, tăng doanh thu. Tồn kho, phải giảm giá thì họ phải tự gánh chịu nên lãi rất thấp.
Ông Hữu lấy ví dụ, tháng sau, giá thế giới được dự báo giảm 50 USD/tấn mà đơn vị lại đang tồn kho 1.000 tấn, tính ra đã là giảm mất 50.000 USD rồi. Như vậy, DN sẽ thiệt hại. Để tránh tổn hại, các DN cạnh tranh, “down” giá thấp xuống để giải phóng tồn kho. Như thế là người tiêu dùng được lợi.
Tất cả hợp đồng mua bán gas về thị trường Việt Nam ký theo tháng, ký hợp đồng trong suốt thời gian dài theo công thức giá CP, chứ không đàm phán mua được giá. Điều này rất khó khăn. DN nào không đảm bảo được nguồn chi phí thì sẽ phải đi mua với giá rất cao”, ông Hữu nói.
Ông Hữu còn cho hay, việc nhập khẩu gas rất phức tạp, khâu thanh toán L/C rất “nguy hiểm, ”bởi L/C phải thanh toán trong vòng 30 ngày ngân hàng bảo lãnh, lấy tỷ giá là theo ngày thanh toán. Nếu tỷ giá trong nước điều chỉnh trượt giá, chỉ cần tăng 0,5% - 1% trong vòng 30 ngày này thì DN sẽ lỗ hoàn toàn. Trong khi đó nhập khẩu về Việt Nam, hôm sau đã xuất hóa đơn luôn. Cứ vênh tỷ giá là lỗ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, câu chuyện giá gas hiện nay đang tồn tại nhiều hạn chế.
Ông An chia sẻ thêm: Có tình trạng, doanh nghiệp đầu mối đăng ký giá với Bộ Tài chính một đằng, nhưng đến tay người tiêu dùng, giá đã bị các đại lý bán lẻ thổi lên. Ví dụ, giá đăng ký là 300.000 đồng/bình như ở dưới, giá bán lẻ có thể đội lên tới 350.000 đồng/bình.
Theo ông An, tới đây, khi sửa đổi lại Nghị định 107 của Chính phủ quy định về kinh doanh gas, Bộ Công Thương dự kiến sẽ siết chặt quản lý thị trường tương tự như thị trường xăng dầu.
“Trách nhiệm được quy tới cùng cho các thương nhân kinh doanh. Ai có hệ thống đại lý kinh doanh gas của mình thì phải chịu trách nhiệm toàn bộ trong hệ thống đại lý về giá cả, chất lượng. Không thể có chuyên cùng một loại gas, hãng gas nhưng trong Nam giá một kiểu, ngoài Bắc lại bán giá một kiểu khác. Nếu đăng ký giá là 400.000 đồng/bình mà ở đại lý bán lẻ đẩy giá bán là 401.000 đồng/bình thì phải xử phạt ngay”, ông An nói.
Phạm Huyền