Có những chuyện vốn đơn giản nhưng người đời cứ hay phức tạp và rối rắm nó lên một cách không cần thiết mà câu chuyện gần đây nhất là chiếc bánh Trung Thu…
Thế là, cái bánh Trung thu tiền triệu thay vì được thưởng thức phút chốc bỗng trở thành đề tài bàn luận, thậm chí đàm tiếu của thiên hạ. Bởi không ít người tin rằng ở Việt Nam, người ta không ăn các loại bánh Trung Thu cao cấp mà chỉ dùng để lo lót, biếu xén…
Chợt nhớ một dạo, dư luận cũng từng xôn xao và “đánh” tơi bời những ai “dám” ăn bát phở lên tới 750 ngàn đồng!. Đến mức không ít “đại gia” từng ăn phở này buộc phải lên tiếng, dù đã “rào trước, đón sau” rằng không có nghĩa vụ phải giải thích việc bỏ ra gần một triệu đồng để ăn một bát phở.
Theo họ, giá một bát phở 750 ngàn đồng thì có gì quá to tát đến mức gây bàn tán xôn xao?. Còn tiền ở đâu ra để ăn bát phở đó thì có nhất thiết phải là chuyện quan trọng?. Có nhiều công chức Nhà nước đi ăn phở đó thật, bởi dù không làm lãnh đạo nhưng họ vẫn giàu cơ mà. Còn với các doanh nhân thì chuyện đó lại càng không quan trọng. Nhiều doanh nhân giàu có đã nếm trải những bát phở dưới 1 USD ở thời kỳ khó khăn và điều đó nhất thiết không phải rào cản để họ tiếp cận những dịch vụ đắt tiền khi đã trở nên giàu có.
Thế nhưng, sau đó ít lâu, loại phở này tăng thêm 100 ngàn, lên 850 ngàn đồng/bát mà vẫn đông khách và chẳng thấy còn ai bàn ra tán vào cho đến khi dòng phở cao cấp này tự dưng biến mất!
Dù đến nay vẫn chưa có “đại gia” nào lên tiếng về việc mua (và nhận) cái bánh đắt tiền nhưng nếu họ có mua (hay có nhận) thì cũng chẳng có điều gì ghê gớm đến mức như vậy.
Nhà giàu, đặc biệt là những đối tượng có thu nhập cao đã có đủ nhà lầu, xe hơi và có thừa đủ điều kiện để sáng sáng có thể chén những bát phở tiền triệu như đã nói ở trên thì có nhất thiết phải dè xẻn không mua (hay không dám mua?) một cái bánh đắt tiền để mang lại niềm vui cho người khác, hay tự mang lại niềm hoan hỉ cho chính mình trong cả dịp trăng rằm?
Đó là chưa nói tới vấn đề người đời vẫn hay nói đến chuyện “tiền nào của ấy”. Những người có điều kiện chọn cho mình những thương hiệu uy tín với giá cả cao cũng là một cách để họ tự bảo vệ sức khẻo và coi như cách thỏa mãn nhu cầu bản thân thì chuyện đắt rẻ của bánh Trung thu không còn là vấn đề.
Còn cái chuyện người có tiền, có điều kiện mua bánh nhưng “không ăn” mà chỉ để “biếu xén, lo lót” đành rằng cũng có nhưng chắc hẳn không phải là tất cả. Trong xã hội hiện đại, đặt bên cạnh những biệt thự, nhà lầu, xe hơi…mà người ta có thể biếu tặng nhau để “mưu cầu” cái gì đó, thì xem ra một hộp bánh Trung Thu chằng có nghĩa lý gì lắm về mặt vật chất…
Đương nhiên, câu nói của người xưa: “Nghèo thì người ta khinh, giàu thì người ta ghét” cho đến nay vẫn còn giá trị.Nhưng giá như chúng ta có một cái nhìn công bằng hơn về những vấn đề trong đời sống thì sẽ ít xảy ra những chuyện nghe ra có vẻ vô duyên: chiếc bánh trẻ con và lòng dạ người lớn.
Tâm Thời