Qua cách nói chuyện với “tai VIP” A Bắc, chúng tôi biết thêm một khái niệm “hàng hiệu” của người Quảng Châu và cả dân buôn Việt Nam. Đó là thứ hàng giống 99% hàng thật, kể cả vỏ hộp và những chi tiết nhỏ nhất, tuy nhiên giá của loại “hàng hiệu” này chỉ bằng 1/10 so với hàng thứ thiệt.

Không ghi hình vì...sợ nhái mẫu mã

Ngày hôm sau, chúng tôi quyết định chi thêm tiền để A Lù dẫn đến khu bán “hàng hiệu” này, đó là khu chợ Bạch Mã và Bạch Vân. Trên đường đến chợ, A Lù bật mí thêm “khách cũng có thể đặt làm bất cứ mẫu hàng hiệu nào, dù mới đến đâu, với số lượng không hạn chế, dù đó là sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng nào”.

Trước khi sang đây, ở Việt Nam tôi cũng đã được nghe bạn bè nói về thứ “hàng hiệu Made in Quảng Châu”, tuy nhiên không thể hình dung được quy mô và cách buôn bán, đánh thứ hàng này như thế nào. Vì thế, khi nghe thông tin từ A Bắc, tôi không ngần ngại rủ đôi trẻ đi chợ hàng hiệu.

Vì số tiền vốn cơ bản đã dồn vào thứ hàng chợ nên lần này đi chợ đồ hiệu, chúng tôi chủ yếu thăm dò và sắm sửa vài thứ về xài. Theo như quảng cáo của dân “ta”, thứ hàng hiệu này phải thật sự tinh ý mới phát hiện ra. Đưa thêm cho A Lù 200 tệ, anh tai này nhiệt thành dẫn chúng tôi tới phần đẳng cấp nhất của “kinh đô hàng chợ”.

Cả chợ Bạch Mã và Bạch Vân đều là những tòa nhà bề thế, cao vút với rất nhiều gian hàng được bài trí sang trọng, một chuyên quần áo và một chuyên đồ da. Tuy đều là hàng nhái nhưng do được làm cẩn thận bằng chất liệu tốt nên giá bán hàng hóa ở đây cao hơn hẳn so với mặt bằng giá chung. Được người dân gọi là “phần đẳng cấp nhất” của Quảng Châu. A Lù dẫn chúng tôi lên tầng 6 chợ Bạch Mã, dừng chân tại một gian hàng lớn trưng bày các phẩm cao cấp dành cho nam giới rồi nói gì đó với một người phụ nữ trung niên, dáng bà chủ. Người phụ nữ nghe xong, gương mặt mừng rỡ, nở một nụ cười tươi rói rồi ra đon đả chào mời chúng tôi bằng tiếng Việt. Tôi khá ngạc nhiên và thầm nghĩ, có lẽ bà này có gốc gác người Việt hay sao mà nói tiếng Việt sõi vô cùng. Người phụ nữ này giới thiệu tên là Dinh.

{keywords}

Được bà chủ nhanh nhảu lại giỏi tiếng Việt, chúng tôi cảm thấy thân thuộc hơn, dễ tin hơn dù trong lòng biết chắc đây là hàng nhái 100%. Cả 3 không ngần ngại bước vào gian hàng, trước mặt chúng tôi là vô vàn hàng hóa với đủ thương hiệu đẳng cấp như G&G, LV…Hàng hóa được sắp xếp gọn làm tôn lên vẻ lịch lãm và “thật” cho các sản phẩm nhái. Bà Dinh nhanh nhẩu giới thiệu: “Thế mạnh của chúng hàng tôi là làm “nhái” các mẫu hàng của Ý. Tuy nhiên quý anh chị cần bất cứ sản phẩm của hãng nào chúng tôi cũng nhận, bao nhiêu cũng có”. Quan sát cửa hàng, tôi giật mình vì thấy tấm biển nhỏ ghi chữ “No Camera”, hỏi ra bà chủ Dinh nhẹ nhàng giải thích: “Chúng tôi ghi biển cấm là vì sợ bị đánh cắp mẫu mã”.

Tuy không dám nhận là tín đồ sành sỏi, nhưng từ khi quyết tâm “đi buôn”, chúng tôi cũng đã dành thời gian tìm hiểu về các hãng thời trang nổi tiếng, vì thế ít nhiều cũng có chút kiến thức về mặt hàng xa xỉ này. Lan mân mê chiếc áo khoác nam hiệu Gucci rồi thì thầm vào tai tôi: “Hàng đẹp từ chất liệu đến đường may. Đúng là không thể phân biệt được”. Tôi lật thử bên trong thấy đường may rất sắc sảo, miếng vải lớp túi lót in mờ tên hãng “Gucci”, các tem size, bảng hướng dẫn giặt, nút dự phòng... đều đầy đủ các đặc điểm mà thương hiệu này hay sử dụng. Trong cửa hàng, còn đủ các thương hiệu nổi tiếng khác của Ý như D&G, Valentino, Mango, Milano, Versace... Ngoài ra còn một số mẫu quần áo không thấy in nhãn mác nhưng trông cũng rất “khôn”. Bà Xảo giải thích: “Đó là quần áo đặt riêng. Anh chị muốn gắn nhãn của hàng nào, chúng tôi xin phục vụ như ý”.

Siêu lời 

Chọn lựa được mẫu áo khoác ưng ý, Gucci, Tuân hỏi giá thì bà chủ Dinh đon đả, nếu lấy sỉ thì chỉ có 230 tệ 1 chiếc, còn với hàng lẻ sẽ không dưới 650 tệ/chiếc. Tôi đang băn khoăn thì Lan thì thầm vào tai “cái này ở Hà Nội bán gần 10 triệu đấy, anh mua về đi”. Nghe người yêu thằng bạn nói vậy, tôi đưa 650 tệ cho bà Dinh rồi khoác luôn chiếc áo “hàng hiệu” lên người. Thì ra, nếu đánh “hàng hiệu” thì mức lãi sẽ khủng hơn hàng chợ rất nhiều. Tôi thầm nghĩ đến quả đắng mà khách hàng trong nước đang phải hứng chịu và khoản lợi nhuận kếch sù mà dân buôn hàng hiệu thu được.

Vừa gói chiếc áo khoác lại, bà Dinh vừa bô bô nói về những sản phẩm “hàng hiệu” được bày bán trong cửa hàng. Từ giá cả cho đến mẫu mã đều rất phải chăng, đa dạng. Theo bật mí của A Lù thì những cửa hàng như của bà Dinh ở chợ Bạch Mã này đều có thể làm nhái bất cứ mẫu hàng hiệu nào trên thế giới. Nếu như Louis Vuitton vừa cho ra đời một chiếc túi xách với giá hàng nghìn USD thì chỉ độ 5 ngày sau ở Quảng Châu, sản phẩm mới đó đã được ra lò với giá chỉ vài trăm tệ.

“Chỉ cần gửi mẫu qua email và gọi điện cần hàng vào ngày nào, công ty chúng tôi sẽ có hàng gửi sang cho anh chị đúng theo hợp đồng. Khi đã tin nhau, chúng tôi có thể cho quý anh chị nợ lại 1/3 tiền hàng và trả gối vào lần sau. Chúng tôi cũng miễn phí công vận chuyển về tận Việt Nam nếu đặt từ 10.000 sản phẩm trở lên. Hiện tại chúng tôi đang là nhà cung cấp lớn nhất cho hai thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh”, bà Dinh tiếp thị thêm. Đoạn, bà tiết lộ, ở Việt Nam hiện có 3-4 ca sỹ nổi tiếng là khách hàng thường xuyên của bà.

Họ mua “hàng hiệu” Quảng Châu về trà trộn với hàng chính hãng để bán, lấy uy tín của mình để che mắt khách hàng. Có những lúc tỉ lệ hàng xịn trong cửa hàng chưa bằng 1/3 hàng “nhái”. Chưa biết thông tin bà chủ Dinh tiết lộ có bao nhiêu phần trăm là sự thật nhưng cũng khiến chúng tôi choáng, đặc biệt là Lan cô đang lo lắng cho những hàng hiệu mà cô đã trót mua ở Việt Nam. Bao nhiêu trong những sản phẩm đó là hàng hiệu thứ thiệt?

Mọi diễn biến ở chợ đồ da Bạch Vân diễn ra tương tự với những gì chúng tôi trải qua ở Bạch Mã. Những sản phẩm đẹp, sắc sảo và tinh tế đến ngộp thở khiến chúng tôi chỉ biết ngẩn người ra nhìn ngắm.

Tuy nhiên ở Bạch Vân sự tiếp thị diễn ra dè dặt hơn. Theo tiết lộ của A Lù, bởi nhiều sản phẩm bị “nhái” tại đây thuộc hàng xa xỉ phẩm, giá thực tế siêu đắt, có sản phẩm lên tới hàng chục nghìn USD nên cơ quan chức năng cũng để mắt đến khu vực này nhiều hơn. Và cũng chính tại đây, tôi cay đắng phát hiện ra chiếc ví hiệu D&G của mình, được quảng cáo là hàng hiệu và mua tại một trung tâm lớn tại Hà Nội với giá gần 3 triệu đồng thì ở đây được bán với giá 110 tệ, tương đương 350 nghìn đồng.

(Theo Chất lượng VN)