Chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng là những người thợ” tại phố Thuốc Bắc (Hà Nội) sẽ “độ” ra một chiếc cân đồng hồ làm sai lệch trọng lượng thực của đồ cần cân.

Biến cân lành thành cân "què"

Từ lời giới thiệu của dân buôn quen biết,  bỏ ra 50 nghìn đồng có thể “độ” một chiếc cân đồng hồ làm giá trị sai lệch từ 10gr lên đến vài chục kg, tìm đến phố Thuốc Bắc (Hà Nội). Vào vai một khách đi “độ” cân, mang theo chiếc cân đồng hồ hiệu Nhơn Hòa loại 12 kg đến cửa hàng P. T. T , nhờ “độ” cân.

Tại đây, cân đĩa được bày bán khá nhiều. Tuy nhiên nếu muốn được độ cân thì phải là người quen giới thiệu hoặc phải có khuôn mặt đủ độ tin tưởng.

Bà chủ cửa hàng P. T. T cho biết: “Mỗi kg chỉ nên ăn cắp được từ một đến hai lạng, vì cân càng nhiều thì cũng đồng nghĩa mình ăn ra được nhiều”. Bà lấy ví dụ luôn: "1kg em ăn được 2 lạng, 5kg em đã có 1kg đút túi rồi. Em làm thì đặt cân ở đây chiều quay lại lấy rồi trả tiền”. Nói đoạn chưa cần sự đồng ý của khách bà chủ rút bút và ghi hóa đơn. Cuối buổi chiều tôi quay lại, chủ cửa hàng này kiểm tra lại ngay với một quả cân 1kg đã được được kiểm định về trọng lượng. Kim chỉ trọng lượng quả cân trên mặt cân của tôi lên đến gần 900 gr.

Thấy tôi còn lưỡng lự, bà chủ này chốt thêm một câu trấn an: “Ăn ít thôi cho đỡ bị nghi ngờ, chứ muốn “xuống” bao nhiêu chị cũng làm được”. Có lẽ do cũng hiểu tâm lý của dân buôn nên bà chủ này đã chế cho tôi chiếc cân ăn gian 150 g mỗi kg.

{keywords}
Phố chế cân "điêu" luôn rất "ăn khách".

Rời phố Thuốc Bắc,  tôi mang chiếc cân tiếp tục tìm đến cửa hàng “độ” cân T. V  trên quốc lộ 32 gần thị trấn Cầu Diễn (Hà Nội). Vào cửa hàng này không khỏi ngạc nhiên trước một cơ sở rất sơ sài, nhưng có đầy đủ các chiêu sửa cân các loại. Theo lời của ông chủ cửa hàng thì tại cơ sở của mình chỉ trong vòng 15 phút ông có thể “ biến” những chiếc cân nằm bất động nhưng có thể thay đổi trọng lượng hàng tùy thích và đem lại lợi nhuận cao cho người sử dụng.

Ông này còn cho biết: “Ở đây đủ các kiểu khách ở khắp khu vực này đến nhờ “độ” cân, chủ yếu là cân đĩa”. Vừa dứt lời, có khách là bà bán hàng rong đến yêu cầu sửa cân gian. Ông chủ tiếp lời: “Anh thấy đấy, bây giờ dân buôn bán mà không cân điêu thì lãi được bao nhiêu. Mất một số tiền nhỏ nhưng có thể đem lại giá trị lớn hơn rất nhiều lần”.

Với chiếc cân tôi mang đến chỉ tròng vòng chưa đến 20 phút tháo ra lắp vào ông chủ cửa hàng đã “phẫu thuật” xong từ thiếu 150gr thành thừa 150 gr. Gật gù thán phục tài năng của chủ cửa hàng này, tôi được ông cho hay: “Loại cân từ 5 kg đến 50 kg làm khá đơn giản, chỉ cần tác động vào lò xo đẩy đĩa sẽ điều chỉnh lượng như mong muốn”. Theo ông chủ này thì cân điện tử ông cũng làm được nhưng khi sử dụng nó hay bị ẩm và nhanh hỏng, dân buôn ít người dùng, dùng cân đĩa là dễ ăn gian nhất mà cũng dễ tránh được khách hàng để ý.

Theo tìm hiểu của PV, việc “độ” cân rong cũng xuất hiện nhiều tại các chợ . Thường có một chuyên gia “độ” cân vài ngày lại dạo qua các chợ lớn nhỏ vào các buổi trưa. Mỗi lần làm mất 80 nghìn đồng.

{keywords}
Chỉ cần15-20 phút, người đàn ông này có thể "chế" ra "chiếc cân thần kì" có thể thay đổi trọng lượng hàng tùy thích.

Cân điêu, một kiểu ăn cắp vặt

Một lần đi chợ Nhà Xanh ở đường Cầu Giấy mua hoa quả,chị Phạm Thị Huyền, ở Mỹ Đình, hỏi mua xoài Thái thì được “chào” giá 50 nghìn đồng một cân. Mặc dù biết bị đắt, nhưng đang cần mua quả ngon để đi biếu nên chị mặc cả: “Em sẽ không mặc cả, nhưng chị cân đúng và chọn 4 kg ngon giúp em nhé”. Biết vớ được khách dễ tính nên cô bán hàng vui vẻ lôi từ sau thùng hàng ra một cái cân khác, đon đả nói: “Với em thì chị dùng cái cân này mới đúng, đấy em xem, 4kg chuẩn nhé”. Mua bán xong, cô bán hàng còn dặn chị lần sau nhớ quay lại mua nhưng chị Huyền cũng xin cạch không có lần thứ 2.

Qua quan sát thì những người bán hoa quả ven đường và bán dạo thường có hai chiếc cân khác nhau. Một chiếc dùng để cân khi họ mua hàng và một chiếc dùng để cân khi bán hàng. Đối với những khách hàng qua đường, phần lớn là họ sẽ cân thiếu từ 2- 4 lạng tùy theo số lượng mua, đặc biệt đối với những loại hoa quả đắt tiền. Cách cân của họ cũng rất khéo khiến người mua không nhận ra, còn đối với những người tinh mắt, có thể họ sẽ dùng cái cân “chuẩn”, tức là cân khi mua hàng để cân.

Trước đây để đối phó với tình trạng cân điêu, ban quản lý các chợ lớn tại Hà Nội từng có phong trào lắp đặt cân đối chứng để khách hàng kiểm tra. Tuy nhiên ở các khu chợ hiện nay khảo sát tại các chợ như Khương Đình, Nghĩa Tân… hầu như không một cái cân đối chứng nào còn tồn tại, nếu có cũng đã rỉ sét hoặc phục vụ vào mục đích khác. Nguyên nhân là ít người biết đến cái cân này, hoặc có biết cũng không nhiều người kỳ công vác hàng ra cân lại.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Đo lường có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên cho đến nay vẫn xuất hiện tràn lan nhiều cửa hàng “độ” cân với nhiều chiêu thức tinh vi, người tiêu dùng vẫn bị móc túi hằng ngày vì những cửa hàng “độ” cân và những hành vi buôn gian bán lận của dân buôn.

(Theo NĐT)