Người tiêu dùng mất cơ hội được giảm giá xăng dầu khi giá thế giới đã bắt đầu tăng trở lại sau thời gian dài giảm sâu vào giữa tháng 9-2013

Sau 1 tháng kể từ khi điều chỉnh giảm giá ngày 22-8, từ đầu đến trung tuần tháng 9-2013, đã có thời điểm giá xăng dầu thế giới giảm mạnh. Tuy nhiên, liên bộ Tài chính - Công Thương không có động thái nào nhằm giảm giá xăng dầu trong nước.

Vẫn còn... lỗ!

Theo tính toán của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, đến ngày 23-9, giá cơ sở mặt hàng xăng RON 92 đứng ở mức 24.761 đồng, trong khi giá bán lẻ là 24.270 đồng/lít. Theo đó, doanh nghiệp (DN) xăng dầu đang lỗ 491 đồng/lít.

{keywords}

Dù hiện giá bán lẻ xăng dầu thấp hơn giá cơ sở theo tính toán nhưng nhìn vào diễn biến giá trong 1 tháng qua (từ ngày 23-8 đến 23-9), có thể thấy liên bộ Tài chính - Công Thương đã bỏ qua thời điểm “vàng” để giảm giá xăng dầu khi giá thế giới có thời điểm giảm rất sâu. Cụ thể, mức giảm sâu nhất là vào ngày 18-9 - giá xăng dầu tại thị trường Singapore chạm mốc 110,06 USD/thùng, giảm hơn 9 USD/thùng (mức cao nhất trong 1 tháng qua được thiết lập ngày 29-8 với 119,21 USD/thùng).

Mặt khác, theo bảng giá được Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam công bố, giá xăng RON 92 bình quân 30 ngày tại thị trường Singapore tính đến hết ngày 23-9 là 115,51 USD/thùng, tăng 1,36 USD/thùng so với ngày 23-8 (ngay sau khi giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước 300 đồng/lít ngày 22-8).

Nếu tính theo chu kỳ 10 ngày thì giá xăng RON 92 tại Singapore đến hết ngày 23-9 là 112,89 USD/thùng, giảm 0,87 USD/thùng so với thời điểm 23-8. Như vậy, giá cơ sở xăng RON 92 nếu tính theo chu kỳ 30 ngày đang phải gánh thêm 2,62 đồng/lít so với chu kỳ tính giá 10 ngày, khiến giá cơ sở theo tính toán của mặt hàng này đã bị đẩy lên cao.

Nhìn vào diễn biến giá xăng dầu thế giới thì có thể nhận thấy có thời điểm giá đã giảm sâu, hoàn toàn có thể giảm trong nước. Tuy nhiên, theo công thức tính giá 30 ngày thì giá cơ sở vẫn cao hơn giá bán do phải gánh cả thời điểm giá cao trước đó.

Tăng chiết khấu hoa hồng

Ông Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Công ty CP Thương mại Nam Sài Gòn, cho biết hiện mức chiết khấu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho đại lý của ông dao động trong khoảng 520-530 đồng/lít. Tuy nhiên, mức chiết khấu này không phải do hai bên thỏa thuận mà là quyết định từ phía Petrolimex.

Trong khi đó, ông Phát cho hay theo thông báo của Bộ Tài chính gửi các DN và đại lý kinh doanh xăng dầu thì mức chiết khấu hoa hồng không quá 50% chi phí kinh doanh của DN. Trong đó, định mức chi phí kinh doanh cho phép là 860 đồng/lít.

“Theo quy định này thì mức chiết khấu hoa hồng cho đại lý sẽ không được quá 430 đồng/lít. Tuy nhiên, chi phí kinh doanh thực tế của DN là bao nhiêu thì chỉ DN đó biết nên thường chi phí hoa hồng trích cho đại lý cũng được DN đầu mối tự quyết” - ông Phát giải thích.

Tại các đại lý xăng dầu khác, chiết khấu hoa hồng hiện phổ biến ở mức 500-600 đồng/lít. Cá biệt, có đại lý chiết khấu hoa hồng lên tới 750 đồng/lít.

Lý giải nguyên nhân tăng chiết khấu hoa hồng đại lý trong khi theo tính toán thì DN đang bị lỗ, đại diện một DN xăng dầu cho rằng giá xăng dầu thế giới đã có xu hướng tăng trở lại. Trong khi đó, tình hình bất ổn ở Syria vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên nhiều khả năng giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng. Việc tăng chi phí định mức hoa hồng sẽ giúp giải phóng nhanh lượng hàng đã nhập, thu hồi vốn, tranh thủ nhập hàng trước khi giá tăng cao.

“Nếu không nhanh tay nhập hàng ngay từ giờ mà nhập về tại thời điểm giá cao thì sẽ đẩy giá cơ sở tăng cao, DN lỗ. Khi đó thì khó tránh tăng giá xăng dầu” - vị đại diện này khẳng định.

Đại diện Petrolimex cho biết hiện tập đoàn vẫn có báo cáo định kỳ gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để phản ánh thông tin dưới góc độ DN. Còn việc điều hành giá do liên bộ thực hiện để đảm bảo mục tiêu vĩ mô chung.

Đã không giảm lại còn đòi tăng

Trong khoảng nửa đầu tháng 9-2013, bất chấp các phiên giảm giá liên tiếp của xăng dầu thế giới, liên bộ tài chính - Công Thương không hề có động thái điều hành giảm giá bán lẻ xăng dầu. Đã vậy, một số DN như Petrolimex, Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp... lại đề xuất Bộ Tài chính tăng giá bán lẻ xăng dầu.

Tuy nhiên, ngày 12-9, Bộ Tài chính đã từ chối đề xuất này, đồng thời cho biết sẽ theo dõi diễn biến giá thế giới để có những điều chỉnh phù hợp.

(Theo NLĐ)