Thông tin từ luật sư riêng của ông Huỳnh Uy Dũng khẳng định di chúc của ông này hoàn toàn không có chi tiết trao lại chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Nam cho cậu bé 1 tuổi.

Báo chí thông tin sai?

Những ngày qua, dư luận đã tò mò với thông tin ông Huỳnh Uy công bố di chúc giao lại toàn bộ tài sản của mình cho con trai ông Dũng là Huỳnh Hằng Hữu, tại tiệc thôi nôi ngày 21/9. Đồng thời, có nhiều thông tin bé Huỳnh Hằng Hữu vừa tròn một tuổi cũng chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT CTCP Đại Nam (Bình Dương). 

Trong tiệc thôi nôi, ông Dũng cho biết, có lập di chúc cho phép Hữu thừa hưởng toàn bộ tài sản của ông. Kể từ ngày 21/9/2013, Hữu chính thức trờ thành chủ tịch HĐQT CTCP Đại Nam với hơn 2.000 nhân viên. Với tuyên bố này, Hữu sẽ trở thành người trẻ tuổi sở hữu khối tài sản khổng lồ gồm nhiều công trình, bất động sản như khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, khu dân cư trung tâm hành chính Dĩ An, KCN Sóng Thần 2, KCN Sóng Thần 3,... giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, trao đổi trên tờ Lao động, ông Phan Văn Hải, luật sư riêng của ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng Giám đốc khu du lịch Đại Nam , khẳng định thông tin cậu bé Huỳnh Hằng Hữu giữ chức Chủ tịch HĐQT CT Đại Nam là hoàn toàn không đúng với Di chúc của ông Huỳnh Uy Dũng, cũng như chưa đúng với công bố của ông Dũng tại tiệc mừng sinh nhật con trai.

 “Báo chí đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc về chức danh Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Đại Nam, với chức danh Chủ tịch HĐQT Hội đồng Giám sát Quỹ Thiện nguyện”. Vị luật sư này khẳng định: “Công ty Đại Nam hiện hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên không có việc để cậu bé 1 tuổi làm Chủ tịch HĐQT”.

{keywords}
Cậu bé Huỳnh Hằng Hữu không phải là Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Nam

Theo luật sư Hải, ông Dũng chỉ là một trong rất nhiều cổ đông tại Công ty Đại Nam. Hiện ông Dũng vẫn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ CTCP Đại Nam. 

Ông Dũng có di chúc trao toàn bộ tài sản của mình cho con trai. Số tài sản này thuộc về một “quỹ thiện nguyện” và Huỳnh Hằng Hữu có quyền sở hữu với tài sản nằm trong quỹ này. Hội đồng Giám sát sẽ quản lý tài sản trong suốt thời gian cậu bé Hữu chưa đủ tuổi trưởng thành; đến khi Hữu  tròn 18 tuổi thì sẽ được quyết định riêng theo di chúc mà cha mẹ để lại.

Một tuổi không được làm chủ tịch HĐQT

Theo các chuyên gia, một tuổi chưa đủ năng lực hành vi dân sự nên không thể đảm nhiệm vị trí chủ tịch hội đồng quản trị.

Trao đổi báo PLTPHCM, TS Lê Minh Hùng, trưởng bộ môn Luật dân sự - Trường ĐH Luật TPHCM phân tích, vợ chồng chủ tịch KDL Đại Nam có quyền lập di chúc để lại khối tài sản cho cậu con trai một tuổi. Nhưng nếu nói cậu bé đó làm chủ tịch HĐQT CTCP Đại Nam thì chưa phù hợp với quy định của pháp luật. 

Theo ông Hùng, cậu bé mới một tuổi là người không có năng lực hành vi dân sự, trong khi chủ tịch HĐQT là chức danh quản lý của công ty. Quy định của Luật doanh nghiệp ghi rõ, vị trí chủ tịch HĐQT của CTCP nếu được HĐQT bầu thì người đó phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tức đủ 18 tuổi trở nên. Như vậy, về mặt pháp lý, tuy cậu có thể chủ sở hữu phần vốn góp trong công ty nhưng bản thân cậu bé không thể tự mình định đoạt tài sản cũng như không có tư cách điều hành công ty. 

Lúc này, cậu bé cần có người đại diện hợp pháp (cha mẹ tùy theo thỏa thuận) làm người đại diện chủ sở hữu phần vốn góp để tham gia vào HĐQT. Ngoài ra, cần lưu ý, chủ tịch HĐQT sẽ được hội đồng quản trị bầu ra theo quy định của điều lệ chứ không phải theo ý chí của cá nhân ông Huỳnh Uy Dũng.

{keywords}
Huỳnh Hằng Hữu chưa đủ năng lực hành vi để làm Chủ tịch HĐQT

Đồng quan điểm, luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TPHCM) cho biết, đây chỉ là “di chúc” chưa có hiệu lực pháp luật, nên con trẻ 1 tuổi chưa trở thành chủ sở hữu thật sự của khối tài sản; vì vậy chưa thể tham gia vào HĐQT công ty.

Ông Dũng vẫn còn toàn quyền quyết định đối với khối tài sản này và cũng có thể hủy bỏ “di chúc” bất cứ lúc nào. Như vậy, con trẻ 1 tuổi là chủ sở hữu hợp pháp của khối tài sản vừa được cha tặng cho. Pháp luật quy định tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự thì do cha mẹ quản lý. Vì con trẻ 1 tuổi là trẻ chưa thành niên, do đó ông Dũng và bà Hằng là người đại diện theo pháp luật, nên có quyền tiếp quản và quản lý tài sản của con trẻ 1 tuổi.  

Theo Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định: Người chưa đủ 6 tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện (Điều 21). Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác (Điều 20).

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: Trong trường hợp cha mẹ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, có tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên (Điều 46). Tại Điều 110 Luật Doanh nghiệp năm 2005 - quy định về tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên HĐQT: Phải có đủ năng lực hành vi dân sự và Điều 111 qui định: Đại hội đồng cổ đông hoặc HĐQT bầu chủ tịch HĐQT theo quy định tại điều lệ công ty. Trường hợp HĐQT bầu chủ tịch HĐQT thì chủ tịch được bầu trong số thành viên HĐQT.

Từ các quy định pháp luật nêu trên có thể thấy rằng: Trẻ em 1 tuổi là trẻ vị thành niên, không có năng lực hành vi dân sự nên không thể đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên HĐQT, do đó không thể được bầu làm chủ tịch HĐQT trong số thành viên HĐQT. Mặt khác, dù trẻ 1 tuổi với tư cách là chủ sở hữu khối tài sản cổ phần, nhưng quyền định đoạt tài sản đó thì do cha mẹ (người đại diện theo pháp luật) quyết định, nên trẻ 1 tuổi càng không thể tự tham gia vào các hoạt động của DN nên không thể ứng cử vào thành viên HĐQT và không thể trở thành chủ tịch HĐQT của công ty.

DK (Tổng hợp)