Ai cũng biết những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thức ăn đường phố nhưng vẫn liều “nhắm mắt đưa chân”, còn các nhà quản lý hầu như bất lực với vô số hàng quán kém vệ sinh đua nhau mọc lên nhan nhản.

Thức ăn đường phố từ lâu đã trở thành nhu cầu của người dân nhất là các thành phố lớn. Những bữa ăn vừa nhanh, gọn, lại rẻ chính là lựa chọn hàng đầu của hầu hết dân lao động, sinh viên hoặc những người có thu nhập thấp, trung bình...

Điều đáng nói, bất cứ người tiêu dùng nào cũng biết những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thức ăn đường phố, nhưng họ vẫn “nhắm mắt đưa chân”, còn các nhà quản lý hầu như bất lực với vô số hàng quán, thức ăn vỉa hè kém vệ sinh cứ đua nhau mọc lên nhan nhản.

Giá rẻ nên vẫn hút khách

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đâu đâu cũng thấy hàng rong, thức ăn vỉa hè mọc tràn lan. Đặc biệt là những nơi tập trung đông người qua lại như bệnh viện, công viên, bến xe, nhà máy… Thực tế cho thấy, hầu hết người tiêu dùng đều biết thức ăn đường phố có nguy cơ bị “nhiễm khuẩn” rất cao, vậy tại sao người kinh doanh vẫn bán được hàng? 

{keywords}

Những quầy hàng rong luôn đắt khách - hầu hết là giới trẻ

Một trong những nguyên nhân chủ yếu là bởi giá rẻ phù hợp với túi tiền của người lao động, sinh viên, học sinh… vốn là đối tượng chiếm phần đông tại các thành phố lớn. Theo lẽ thường, người kinh doanh càng không chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm thì chi phí bỏ ra càng thấp và thức ăn bán ra lại càng rẻ. Mà hễ càng rẻ thì lại càng thu hút người mua. Đó là cái vòng luẩn quẩn khiến cho người có thu nhập thấp không có sự chọn lựa nào khác hơn là phải “sống chung với lũ”.

Như bạn Lê Hồng Lợi, sinh viên năm 2 Trường CĐ Kinh tế chia sẻ: “Có một lần vừa đi học về, vì quá đói bụng nên em cùng bạn rủ nhau đi ăn. Vừa kêu một tô bánh canh bán ở vỉa hè đường Sư Vạn Hạnh, chưa kịp ăn hết thì trong tô của em xuất hiện vài sợi tóc dài ngoằn, đụng vào cái tô đựng thấy nhơn nhớt, chắc tại rửa chưa kỹ, em cũng thấy hơi ơn ớn. Nhưng mà giờ không ăn đồ vỉa hè, sinh viên ít tiền lại không có điều kiện nấu ăn như tụi em thì biết ăn ở đâu!”. 

{keywords}

Chè khúc bạch hầu hết được chế biến bằng gelatin bẩn từ Trung Quốc

Anh Nguyễn Văn Thành, công nhân may tại Khu công nghiệp Tân Tạo cho biết: “Nói thức ăn vỉa hè là nguy hại, nhưng thật ra đi chợ về nấu ăn cũng không mấy an toàn. Thịt cá thì người ta ngâm, bơm thuốc cho tươi, rau củ thì không biết đâu là hàng Tàu, hàng ta. Muốn mua đồ an toàn thì phải vào siêu thị, giá rau củ, thịt cá ở siêu thị cũng mắc hơn chút đỉnh, mà công nhân như tụi tôi thời gian đâu đi siêu thị thường xuyên. Đi làm đã mệt rồi, về chỉ muốn ăn gì đó cho nhanh rồi nghỉ ngơi lấy sức thôi”.

{keywords}

Bên cạnh đó, còn do chính ý thức tự bảo vệ bản thân của người tiêu dùng. Trao đổi về vấn đề này, ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) - đã phân tích: “Có cầu ắt có cung, đó là quy luật không thể thay đổi của thị trường. Và không ít người ăn uống thực phẩm đường phố với tâm lý, có chết ngay đâu mà sợ.

{keywords}

Thực khách vô tư thưởng thức món ăn tại những hàng quán đường phố nhếch nhác

Chính vì vậy giải pháp đột phá để bảo đảm ATVSTP thức ăn đường phố chính là ý thức và hành động của mỗi người”. Thật vậy, dẫu bên cạnh là rác thải, hay những món thịt gà, thịt heo nom ngon lành nhưng khi ăn có mùi khó chịu thì cứ vẫn hút khách do giá thành phù hợp với túi tiền của phần đông người dân và cũng chính từ tâm lý “có chết ngay đâu mà sợ”. 

Trong khu ẩm thực tự phát ở một con hẻm góc đường Sư Vạn Hạnh giao với Hòa Hảo Q.10, TP.HCM, hàng quán mọc lên đông đúc và thực phẩm nghiễm nhiên phơi bày không tủ kính che đậy; không bảo quản hợp vệ sinh; vật dụng bán hàng được đặt dưới nền ẩm ướt; ngay gần khu vực cống rãnh bốc mùi. Vậy mà, suốt sáng-trưa-chiều-tối rất đông sinh viên từ các trường cao đẳng, đại học; những người lao động xung quanh khu này cứ lui tới ăn uống vô cùng tấp nập.

{keywords}

Người bán thường chuẩn bị đồ nghề rất gọn nhẹ trên xe đẩy để dễ dàng “tác chiến”

Chị Cao Thị Kim Quế, công nhân Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn cho biết: “Thấy báo chí phản ánh ghê quá cũng sợ, nhưng nhiều khi thèm đồ ăn vặt cũng phải mua thôi, đành tặc lưỡi chắc không chết ngay đâu!”. Cũng cùng tâm lý đó, hàng loạt người dân khi được phỏng vấn đều trả lời đại loại như biết là nguy hiểm nhưng cũng “nhắm mắt đưa chân” bởi … “ăn vào cũng thấy bình thường thôi, có bị gì đâu mà sợ”. 

Bác sĩ Trần Văn Ký - phụ trách chuyên môn của văn phòng phía Nam, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam - cho biết: “Tỷ lệ người nhiễm bệnh về đường tiêu hóa do ăn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh trên thực tế rất cao. Phần lớn những người từng ăn thức ăn đường phố ai cũng từng vài lần có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt... nhưng do chủ quan, không để ý nên không phát hiện được nguyên nhân”. 

Bệnh nan y từ thức ăn đường phố

Bác sĩ Trần Văn Ký còn cho biết thêm, tuy không chết ngay, nhưng rõ ràng nguy cơ mắc các chứng bệnh nan y từ thực phẩm đường phố đang treo lơ lửng trên đầu người dân, khi hàng loạt các loại thực phẩm, bánh trái bị tẩm ướp hóa chất độc hại được phát hiện. Như gần đây nhất là hàng loạt các mẫu bún, phở, bánh ướt… bị phát hiện có chứa chất tinopal, acid oxalic là hóa chất công nghiệp không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế và chất natri sulfite có trong danh mục nhưng vượt mức cho phép. Các chất này khi bị tiếp nhận lâu dài có nguy cơ làm tổn hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột và có thể dẫn đến viêm loét dạ dày. 

Gần đây, thông tin về việc nhiễm khuẩn AH (vi khuẩn ăn thịt người) được lan truyền rộng rãi như một lời cấp báo đối với những người có thói quen sử dụng thức ăn đường phố kém vệ sinh. Đây là loại vi khuẩn độc, chúng có thể xâm nhập cơ thể người qua đường miệng khi uống nước, ăn rau, cá, hải sản… rồi đi vào máu. Chúng sinh ra độc tố ruột, gây độc cho tế bào, làm tổn thương tổ chức cơ thể.

Bệnh có thể diễn biến nhiều trạng thái, nhưng nguy hiểm nhất là trường hợp hoại tử dần dần (ăn thịt người). Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM cho biết tuy nhạy cảm với nhiều kháng sinh và dễ bị kháng sinh tiêu diệt nhưng do bệnh diễn biến nhanh, bệnh nhân hoại tử nhiều tổ chức, dễ sốc nặng và suy đa tạng nên tỷ lệ tử vong trước đây có thể tới gần 100%. Việc phòng nhiễm loại vi khuẩn ăn thịt người này cần lưu ý nhất là phải chế biến hợp vệ sinh khi ăn các loại cá, hải sản, thực phẩm nói chung, nước sinh hoạt và nước uống; sử dụng các chất sát khuẩn và thuốc kháng khuẩn thích hợp... 

Các loại thức uống đường phố cũng có nguy cơ bị nhiễm độc rất cao. Chè khúc bạch, trà chanh mật ong, trà sữa trân châu… từng làm giới trẻ “phát cuồng” lại là mầm mống của những căn bệnh lạ. Ví như món trà chanh thơm ngon với giá cực rẻ thật ra chẳng khác nào “một ly hóa chất”. 

{keywords}

Hóa chất tạo mùi, màu bày bán tràn lan, mua gì cũng có

Để chạy theo lợi nhuận, người bán sẵn sàng coi thường tính mạng của người tiêu dùng khi hàng loạt các quán trà chanh vỉa hè sử dụng hóa chất để thay thế các nguyên liệu tự nhiên. Ly trà chanh thơm ngon đến tay khách pha chế bằng bột chè (xuất xứ từ TQ) hòa với 1kg đường hóa học, có thể thay thế cho 400kg đường thông thường, cộng thêm một ít chất tạo mùi chanh. 

Khi quan sát một quán trà chanh trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM, dễ dàng nhận thấy hàng loạt ly cốc chỉ được tráng sơ qua rồi dùng lại để “tiết kiệm chi phí”, ngay cả những chiếc ống hút dùng xong cũng được người bán tận dụng một cách tối đa. 

Chè khúc bạch, món giải khát được giới trẻ ưa chuộng và tạo ra cơn sốt gần đây cũng đang gây bất an cho người tiêu dùng. Bởi rất nhiều hàng quán đã sử dụng gelatin bẩn, giá rẻ từ TQ có chất gây ung thư, sỏi thận, để tạo nên những viên “khúc bạch” nom rất ngon lành. Thành phần cơ bản trong chè khúc bạch gồm gelatin, sữa tươi, đường và dầu hạnh nhân, trong đó “gelatin” là nguyên liệu chính yếu để làm nên món chè mát ngọt này. 

Gelatin là một chất rắn không màu, không vị, giòn (khi để khô), làm từ collagen lấy trong da heo và xương gia súc. Ông Lê Thanh Hải - giảng viên khoa công nghệ sau thu hoạch Đại học Hùng Vương TP.HCM - cho biết: “Chế biến chè khúc bạch nếu sử dụng gelatin sạch thì dĩ nhiên không có vấn đề gì, vì đây là một món ăn bổ dưỡng, thanh nhiệt. 

Tuy nhiên, gần đây xuất hiện thông tin gelatin bẩn từ TQ, được sản xuất từ da động vật phế thải, bị phát hiện nhiễm kim loại nặng rất độc là chromium, hay được nhập khẩu không rõ nguồn gốc, thành phần, nhãn mác làm người tiêu dùng hoang mang. Bởi quá trình nhiệt hóa khi đun nấu, nếu gelatin không sạch, các kim loại nặng trong đó sẽ được giải phóng. Nếu vào cơ thể thì những thành phần này khó hấp thụ được, quá trình dài có thể gây rối loạn gien dẫn đến ung thư hay sỏi thận”.

Hãy tự bảo vệ mình

Theo Cục ATVSTP thuộc Bộ Y tế thì chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc đã có 87 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 1.800 bệnh nhân, trong đó có đến 18 trường hợp đã tử vong. Đáng nói là, số vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng thức ăn đường phố ngày càng tăng, chiếm từ 2 - 3% trên tổng số. Và hiện nay, tình hình ngộ độc do thức ăn đường phố đã trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn khi đã xuất hiện các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt. 

Điển hình như vụ ngộ độc bánh mì tại Tuy Hòa (Phú Yên) đã khiến 29 người phải nhập viện. Nguyên nhân xuất phát từ việc chủ quán bánh mì đã sử dụng loại chà bông có chứa độc tố “tụ cầu vàng”, đây là loại vi khuẩn khiến người nhiễm bị đau bụng dữ dội, nôn, đi ngoài và nguy hiểm hơn có thể trụy tim mạch, co giật dẫn đến tử vong. Và mới đây, một điều tra về tình trạng bệnh tiêu chảy cấp trên 8 hộ gia đình thì có từ 12 - 13% nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là do thức ăn đường phố. 

Trước cổng chính Bến xe Chợ Lớn, Q.5, hai bên đường bày bán đủ các loại thức uống và thực phẩm chế biến sẵn. Điều đáng nói, buổi sáng, nơi đây là một khu chợ tự phát, đến buổi trưa các quán ăn vỉa hè được dọn ra bên cạnh những đống rác thải bê bối, chưa kể những mùi khó chịu của chợ búa bốc lên nồng nặc. Vậy mà “bất chấp hoàn cảnh”, thực khách vẫn cứ vô tư thưởng thức những món khoái khẩu tại khu ẩm thực này. 

Nhận thấy tình trạng nhếch nhác như trên, cơ quan chức năng cũng thường xuyên đi “dẹp”. Nhưng ngặt một nỗi hai bên con đường này thuộc 2 phường khác nhau, nên mới xảy ra trường hợp Công an phường 1 đi kiểm tra thì người bán hàng rong lại chạy sang vỉa hè thuộc quản lý của phường 2, và ngược lại. 

Ngoại thành đã đành, đến khu trung tâm nổi tiếng về làm du lịch như Q.1 cũng không “thoát khỏi” nạn hàng rong nhếch nhác. Điển hình như tại khu “cà phê bệt” Công viên 30/4, hay bùng binh Hồ Con Rùa… Hàng rong tại các khu này nhộn nhịp từ sáng sớm cho đến 11 – 12 giờ đêm. Hàng chục loại thức ăn từ bánh tráng trộn, hột gà nướng, bắp xào… được bày bán nhan nhản. 

Đặc biệt, món bánh tráng trộn bên hông Bưu điện TP.HCM hay dọc trên vỉa hè thuộc khu Công trường Lam Sơn (Q.1) luôn là nơi thu hút đông người đến tìm mua. Do số lượng khách đông, người bán luôn tay liên tục bóc vỏ trứng cút, rồi lại xé nhỏ bánh tráng, gọt xoài, trộn nước sốt. Có khi họ dùng găng tay ni-lông đã sử dụng qua nhiều lần để trộn, thậm chí khi khách đốc thúc vì đợi lâu, người bán vô tư… để luôn tay trần bóp, trộn bánh tráng “cho tiện”. 

Vỏ xoài, rau răm các thứ được đựng nhếch nhác trong một bì ni-lông nhỏ bày ngay trên lề đường đầy khói bụi, ruồi nhặng. Không những mất mỹ quan đô thị, mà hầu như người tiêu dùng nào cũng biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao đến từ những hàng quán như thế này. Ngành chức năng cũng ráo riết kiểm tra và cấm bán hàng rong tại những địa điểm nêu trên. 

Nhưng người bán hàng rong vốn dĩ đã có kinh nghiệm “chạy công an”, nên mỗi khi nhác thấy bóng Đội quản lý đô thị đi kiểm tra là họ đã kịp thu dọn rồi chạy đi… mất dạng. Đến khi thấy tình hình yên ổn lại dọn ra… bán tiếp. Thế nên, vô số hàng quán buôn bán thức ăn, thức uống vỉa hè cứ vô tư mọc lên, bất chấp mọi nỗ lực của nhà quản lý. 

Hàng quán vỉa hè quản lý không xuể đã đành, còn chưa kể đến hàng loạt các cơ sở sản xuất thực phẩm chế biến sẵn như bún, phở, bánh tráng, bánh ướt… vi phạm nghiêm trọng về các tiêu chuẩn an toàn khi vô tư dùng hóa chất bảo quản, các chất phụ gia vượt ngưỡng quy định gấp nhiều lần. Các sản phẩm này lại được tuồn ra thị trường thông qua những hàng quán vỉa hè, và người dân lại khó thể phân biệt đâu là “thượng vàng hạ cám”. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Lâm Quốc Hùng - Cục ATVSTP - cho rằng không thể phủ nhận thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động cũng như thường xuyên kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Nên ta có thể nhận thấy nhiều hàng quán vỉa hè đã bày biện đồ ăn trong tủ kiếng, che đậy cẩn thận, dùng găng tay ni-lông hay dụng cụ để gắp thức ăn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người buôn bán chưa nghiêm chỉnh thực hiện. 

Bộ Y tế ra thông tư 30 với 10 tiêu chí về quản lý thức ăn đường phố nhưng việc quản lý vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi các nước phát triển áp dụng phương thức quản lý an toàn thực phẩm từ quy trình sản xuất, như Nhật Bản 99% quản lý an toàn trên điều kiện sản xuất, chỉ có 1% quản lý trên sản phẩm vì chi phí quản lý sản phẩm rất đắt đỏ. Chúng ta cũng có hệ thống truy xuất nguồn gốc nhưng đang trong giai đoạn xây dựng, kiểm tra quá trình sản xuất còn nhiều bất cập vì có tới 80% hộ sản xuất nhỏ lẻ rất khó khăn cho công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Trước những tồn tại từ khâu quản lý, cũng như khó có thể đòi hỏi cao hơn về ý thức, đạo đức kinh doanh của người bán hàng, thì chính người dân phải tự có ý thức để bảo vệ bản thân khỏi những hiểm họa trước mắt từ thức ăn, thức uống đường phố. 

Theo Dòng Đời