- Mở cửa cho nhà đầu tư “ngoại”, điều băn khoăn là tỷ lệ 49% sẽ được đưa vào dự thảo thay thế cho mức 30% hay là mức trần chỉ áp dụng cho những ngân hàng yếu kém, cần tái cấu trúc lại?
Chờ thời điểm mở room
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg tại New York (Mỹ) mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ đang xem xét cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng nội địa lên 49% trong “tương lai gần”.
Các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng đều cho rằng, việc nới room giống như "mở toang cánh cửa" để hút vốn ngoại và đó là một thông tin hết sức tích cực. Tuy nhiên, đến thời điểm nào thì tỷ lệ này sẽ được áp dụng và dành cho những ngân hàng loại nào vẫn là câu hỏi mọi người quan tâm.
Theo cam kết gia nhập WTO, đến năm 2020, mức trần tỷ lệ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tại tổ chức tín dụng Việt Nam sẽ phải gỡ bỏ. Chỉ còn 8 năm nữa, nhưng việc nâng tỷ lệ lên 49% vẫn còn phải chờ trong tương lai gần.
Hiện tại, Nghị định 69/2007/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam, tổng tỷ lệ sở hữu là 30% và theo dự thảo do Ngân hàng Nhà nước công bố - dự kiến sẽ thay thế Nghị định 69 - thì tỷ lệ sở hữu dành cho các nhà đầu tư nước ngoài hầu như không thay đổi.
Theo đó, đối tác chiến lược được sở hữu không quá 20% vốn điều lệ và tổng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại một nhà băng không vượt quá 30%. Riêng với các ngân hàng yếu kém nằm trong diện cần tái cấu trúc, tỷ lệ sở hữu này có thể vượt quy định trên đối với từng trường hợp cụ thể do Thủ tướng quyết định.
Điều các nhà đầu tư băn khoăn là tỷ lệ 49% sẽ được đưa vào dự thảo thay thế cho mức 30%, hay là mức trần, chỉ áp dụng cho những ngân hàng yếu kém, cần tái cấu trúc lại?
Các chuyên gia đánh giá, nếu để tỷ lệ sở hữu 49% dành cho các ngân hàng yếu kém thì chưa thực sự hấp dẫn.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCharm) cho rằng sẽ là “giấc mơ không có thật” nếu nghĩ rằng nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua lại những ngân hàng hoạt động trì trệ và rơi vào khó khăn nhất với tỷ lệ này.
Tỷ lệ 49% dành cho các ngân hàng đang hoạt động tốt thì rất hấp dẫn, nhưng với những ngân hàng yếu kém, nhà đầu tư chuyên nghiệp không muốn nguồn vốn của mình bị phó mặc cho người điều hành và quản lý yếu kém, mang lại nhiều rủi ro. Với những ngân hàng này, nhà đầu tư luôn muốn nắm quyền kiểm soát để chủ động.
Ai bán và ai dám mua
Một số nhà đầu tư nước ngoài cho biết, đối với những ngân hàng đỡ yếu kém thì tỷ lệ sở hữu dành nhà đầu tư nước ngoài nên để mức 51% và những ngân hàng yếu kém nhất nên ở mức 75% vốn điều lệ. Nếu quy định được như vậy thì ngân hàng nội yếu kém sẽ là "miếng bánh" hấp dẫn khối ngoại đổ vốn tham gia tái cơ cấu.
Sự có mặt của nhà đầu tư “ngoại” góp phần nâng cao tính minh bạch của ngân hàng (ảnh minh họa - nytimes). |
Bản thân nhiều lãnh đạo ngân hàng Việt Nam cũng muốn nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên cao hơn 49%.
Ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch Sacombank, cho rằng, việc mở room lên đến 49% là một tín hiệu tốt. Khi ấy, một dòng tiền thực từ nước ngoài vào đầu tư cho các ngân hàng, lĩnh vực ngân hàng sẽ tốt hơn so với hiện nay. “Quan điểm riêng của tôi là 51% sở hữu nước ngoài cũng rất tốt, chứ không chỉ là 49%. Tỷ lệ càng cao thì càng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư chiến lược và nâng càng nhanh càng tốt”, ông Phú nói.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, góp ý nên chia thành các nhóm. Nhóm 1 gồm 10 ngân hàng thương mại cổ phần mạnh nhất, bán 35%; nhóm 2 gồm 5 thành viên tiếp theo trong nhóm 15 ngân hàng mạnh nhất, bán 49%; số còn lại bán 100%; riêng Agribank chỉ nên bán 10%.
Sở dĩ chia như vậy vì 10 ngân hàng thương mại cổ phần mạnh nhất cùng với Agribank đã chiếm trên 70% thị phần, vì vậy Nhà nước vẫn nắm quyền chủ động trên thị trường tiền tệ. Với 5 ngân hàng cổ phần bán 49% vì cần tạo điều kiện để họ lớn mạnh thực sự. Các ngân hàng còn lại xếp vào nhóm khó khăn cần tái cơ cấu nên bán tất 100%, vì nếu không mở hết cỡ thời điểm này thì có lẽ không bao giờ nhà đầu tư nước ngoài mua nữa - ông Hưởng giải thích.
Các chuyên gia cho rằng nên tư duy về việc giới hạn sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng trong nước nhằm ngăn ngừa, hạn chế cổ đông nước ngoài nắm giữ tỉ lệ vốn lớn và thao túng hoạt động của ngân hàng trong thời điểm hiện nay cần phải thay đổi.
Hiện Việt Nam có nhiều ngân hàng hoạt động yếu kém, thiếu minh bạch, nợ xấu cao cần phải tái cơ cấu. Xu hướng hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là điều hết sức cần thiết.
Lợi ích lớn nhất mà ngân hàng nội nhận được khi hơp tác với các ngân hàng ngoại là trình độ quản trị tiên tiến và có tiềm lực tài chính mạnh. Sẽ có nguồn vốn lớn được bơm thẳng vào ngân hàng yếu kém để tái cấu trúc tình hình tài chính yếu kém. Đi cùng với việc bơm vốn, phương thức quản trị DN tại các ngân hàng cũng sẽ phải được thay đổi căn bản. Qua đó, giúp những ngân hàng yếu kém nhanh chóng trở thành những ngân hàng ổn định và góp phần làm cho hệ thống ngân hàng nội mạnh lên, thoát khỏi gánh nặng nợ xấu.
Sự hợp tác giữa ngân hàng nước ngoài với ngân hàng Việt Nam thông qua hình thức góp vốn, cử đại diện tham gia vào HĐQT sẽ mang đến nhiều thành công. Đơn cử, sự có mặt của nhà đầu tư “ngoại” góp phần nâng cao tính minh bạch của ngân hàng.
Trên thực tế, kết quả tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các tổ chức tín dụng Việt Nam rất khả quan. Cụ thể, hiện có 13 ngân hàng thương mại cổ phần, có vốn nhà đầu tư nước ngoài tham gia, thì tất cả đều không nằm trong nhóm yếu kém, thậm chí phần lớn thuộc nhóm đầu.
Tiềm lực về vốn và kinh nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng trong nước. Tuy nhiên phương án này vẫn khó thực hiện bởi rõ ràng là đến nay, việc nới "room" đang còn nhiều do dự.
Trần Thủy