Mua sâm tặng nấm Linh chi
Phản ánh tới Chất lượng Việt Nam, ông Trần Văn Trung ( trú tại tổ 1 Phường Quyết Tâm, Tp. Sơn La) cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn thành phố Sơn La có một số cá nhân chào bán sâm Ngọc Linh với giá 20 triệu đồng/kg có kèm khuyến mại nấm linh chi Hàn Quốc.Về công dụng của loại sâm này người bán quảng cáo là có thể bồi bổ cho người bệnh nặng, tăng cường sinh lực, thậm chí chữa được rắn cắn và cả các bệnh thông thường như đau bụng, say nắng.
“Biết công dụng của sâm Ngọc Linh cực tốt, lại đang có người nhà bị bệnh nên tôi đã cùng một người hàng xóm mua 1kg sâm Ngọc Linh để được khuyến mại thêm nửa kg nấm linh chi Hàn Quốc. Nhưng khi mang một phần đi rửa để thái ra ngâm rượu thì phát hiện thấy mùi sâm không còn thơm đặc trưng mà thay vào đó là mùi rất hăng. Nghi nhờ tôi mới nhờ con kiểm tra thì tá hỏa ra là… củ tam thất”, ông Trung cho biết.
Theo ông Trung, số sâm ông cùng hàng xóm mua là của người bán dạo. “Họ nói tiếng miền trong, mang rất nhiều loại thuốc quý đi chào bán. Tôi vốn là bộ đội ngày xưa đi rừng cũng biết khá nhiều loại thuốc quý nên khi thấy người bán giới thiệu loại sâm Ngọc Linh ở Kon Tum này nên cũng không nghi ngờ gì cả. Nhìn củ “sâm” tam thất mà nát cả ruột gan”, ông Trung than thở.
Cũng giống như trường hợp của ông Trung, bà Cao Thanh Thủy ( trú tại phường Chiềng Lề, Tp. Sơn La) cũng mua phải sâm giả của người bán dạo. Cũng vẫn chiêu mời chào hấp dẫn về công dụng của sâm người bán còn hứa hẹn nếu dùng không tốt có thể đổi trả thông qua số điện thoại bên bán cung cấp.“Tôi đâu có dám mua nhiều vì nó đắt nhưng thấy nói sâm Ngọc Linh này có thể chữa được bệnh khớp nên tôi cũng bỏ 4 triệu ra mua 2 lạng sâm khô về dùng. Họ nói nếu không khỏi có thể gọi để họ mang sâm đến đổi. Tôi còn được họ khuyến mại cho 3 thang thuốc nam bổ gan nữa. Thế nhưng khi phát hiện không phải sâm xịn, số điện thoại người bán cho cũng tắt luôn rồi…”, bà Thủy giãi bày.
Tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, những người bán sâm Ngọc Linh giả thường đến những địa bàn các tỉnh để chào hàng. Với những lời mời chào hấp dẫn, bên cạnh đó còn đưa ra những khuyến mại như cho tặng thêm các sản phẩm khác đề tăng độ hấp dẫn của món hàng muốn bán. Được biết, nửa cân nấm linh chi được khuyến mại thêm mà ông Trần Văn Trung nhận được cũng không phải là nấm linh chi có xuất xứ từ Hàn Quốc.
Lợi dụng sự nhẹ dạ của người dân, một số đối tượng đã dùng chiêu hóa trang cho các loại củ gần giống sâm Ngọc Linh để “lòe” người tiêu dùng. Nhiều người vì thiếu thông tin, chỉ nghe quảng cáo mà nhẹ dạ móc hầu bao mua hàng giả.
Hình thức khá giống nhau nên tam thất hoang dễ bị "phù phép" thành sâm Ngọc Linh xịn
Sâm bị làm giả như rau
Tại địa bàn các tỉnh phía Nam, sâm giả trở nên phổ biến khi giá mỗi kg sâm lên tới vài chục triệu đồng. Cũng với những chiêu giảm giá hoặc thu lượm được số ít do mưa bão gây sạt lở núi Ngọc Linh làm lộ ra, được dân địa phương nhặt bán rẻ… Tuy nhiên, theo những người có kinh nghiệm, thì hầu hết những loại sâm này đều đã được “phù phép” và chúng …không phải là sâm như quảng cáo.
Theo một chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh về các loại sâm cho biết, hiện trên thị trường Việt Nam sâm Ngọc Linh bị làm giả quá nhiều. Mới đây, công an tỉnh Kon Tum từng phát hiện một đường dây tiêu thụ sâm Ngọc Linh giả liên tỉnh. Theo khai nhận của các đối tượng liên quan, nguồn củ sâm Ngọc Linh giả chính là củ vũ diệp tam thất từ Trung Quốc được đưa vào Kon Tum (nơi có vùng sâm Ngọc Linh) để đội lốt thành sâm quý. Công nghệ làm giả khá đơn giản: lấy củ vũ diệp tam thất có hình dáng giống sâm rồi ngâm trong nước pha từ sâm Ngọc Linh thật để có mùi sâm.
Theo ông Nguyễn văn Thạch , chuyên gia dược liệu cho biết, vì sự chênh lệch về giá và sự hiểu biết của người dân về sản phẩm này còn quá ít nên nhiều người cơ hội đã làm giả sâm để trục lợi. Theo ông Thạch, trước đây Viện dược liệu cũng đã có những cảnh báo về tình trạng này từ các mẫu sâm khách hàng đưa đến nhờ kiểm nghiệm.Tuy nhiên theo ông Thạch, hầu hết các lại củ giả sâm đều không có tính độc hại. Nhưng loại giả phổ biến nhiều nhất là củ vũ diệp tam thất (còn được gọi tam thất hoang, sâm vũ diệp, trúc tiết nhân sâm, sâm hai lần chẻ…), có tên khoa học Panax bipinnatifidum Seem.
Các loại này có giá rẻ chỉ vài trăm nghìn/kg.Theo ông Trần Hoàn - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, vấn nạn sâm giả thương hiệu Ngọc Linh này được tuồn từ phía Bắc vào Tây Nguyên sau đó bày bán khắp nơi đang ngày một giết chết thương hiệu sâm Ngọc Linh. Điều này khiến doanh nghiệp không dám đưa sâm thật của mình vào kinh doanh vì sợ bị làm giả như các loại rau quả Đà Lạt....
Theo vị giám đốc này, nếu tình trạng làm giả sâm ngọc linh không được ngăn chặn thì không chỉ doanh nghiệp, người tiêu dùng bị thiệt hại mà người dân vùng nguyên liệu có nguy cơ đứng trước những khó khăn vô cùng lớn khi thương hiệu sâm ngọc linh bị hàng giả đánh lùi.
(Theo VietQ)