Người bán không bày bán công khai sữa xách tay. Chứng từ hóa đơn được hợp thức hóa bằng các chứng từ khác nên khó để cơ quan chức năng kiểm tra.

Thị trường sữa đa dạng với các loại sữa ngoại, nội, sữa nhập khẩu chính ngạch. Tuy sữa bột dành cho trẻ em hàng xách tay chiếm lượng khá khiêm tốn nhưng việc quản lý còn bị thả nổi, chất lượng thì cũng “hên xui”.

Tâm lý sính ngoại

Theo khảo sát của chúng tôi, tại các tuyến đường chuyên kinh doanh sữa ở quận 3 như Nguyễn Thông, Võ Văn và Nguyễn Thị Minh Khai, hầu hết các cửa hàng bán sữa đều trưng bày nhan nhản các loại sữa ngoại nhập xách tay như Enfamil Infant, Similac Go&Grow, Meiji... Những người bán hàng cũng không quên giới thiệu cho các bà mẹ mới lần đầu mua rằng ở tiệm họ vừa có một loại xách tay mới về, uống rất tốt. Không ít bà mẹ, vì tâm lý muốn mua sữa tốt nhất cho con, nên chấp nhận mua sữa xách tay dù phải chịu giá cao.

Trên các website bán hàng, khá nhiều thương hiệu như sữa Pháp xách tay hiệu U tout petits 900 g dành cho bé từ 10 tháng đến ba tuổi, sữa Enfagrow Older Toddler số 2 của MeadJohnson, Similac Go & Grow, sữa PediaSure Complete của Abbott-Mỹ, Sữa Aptamil  (600 g) của Anh, sữa dê Vitacare 1 xách tay của Nga… rất phong phú. Kèm theo hình ảnh sản phẩm là những dòng hướng dẫn sử dụng, công thức gồm các thành phần gì, chức năng của sản phẩm… Thực tế cho thấy các sản phẩm được gọi là xách tay này hầu như là không có nhãn phụ tiếng Việt.

{keywords}

Với sữa xách tay, người mua không quan tâm đến nhãn mác trên vỏ hộp mà chủ yếu tin tưởng vào tiệm quen (ảnh minh họa).

Chị Nguyễn Thanh Thảo (quận Tân Bình) cho biết: “Lúc đầu có cho bé ở nhà uống sữa Meiji nhưng khi đến tiệm quen, người này giới thiệu cũng hiệu Meiji xách tay về. Mình thấy đó là hàng Nhật nên mua”. Tuy nhiên, khi hỏi trên hộp toàn tiếng Nhật làm sao biết được. Chị “tỉnh queo” cho biết vì quen người bán hàng nên tin tưởng.

Tương tự nếu mua các sản phẩm khác như Similac Go&Grow hay Enfamil Infant hàng xách tay thì cũng không hề có nhãn phụ tiếng Việt. Với các thông tin tiếng Anh nếu không dịch được các bà mẹ kể là họ nhờ… Google.

Cơ quan chức năng khó kiểm tra

Vậy hàng xách tay nguồn ở đâu ra? Ông Dương Thanh Hoàng, Chi cục phó, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết hàng xách tay chủ yếu đi bằng đường hàng không do người quen mang về làm quà biếu tặng. Nếu nhu cầu không nhiều thì những người đó sẽ mang đi trao đổi ở các cửa hàng.

Trong những lần quan sát tại các điểm bán cho thấy có những người giỏ chất khoảng 6-7 hộp sữa đến tận cửa hàng bán lại. Sau khi xem “đát” bên dưới hộp, nếu cận “đát” giá thu mua sẽ thấp hơn. Chủ một cửa hàng sữa ở quận 3 cho biết phải thu như vậy để cạnh tranh.

Câu hỏi đặt ra hàng xách tay chỉ lẻ tẻ như vậy làm sao có thể cung cấp trên thị trường? Với việc vi phạm nhãn hàng hóa như vậy là sản phẩm bất hợp pháp, vậy vì sao các sản phẩm này vẫn ngang nhiên tồn tại. Điều này không chỉ mang đến rủi ro cho người tiêu dùng mà ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp chân chính.

Trong một lần trả lời truyền thông, ông Đỗ Thanh Lam, Cục phó Cục Quản lý thị trường, cho biết luật đã có quy định tất cả các loại sữa lưu thông trên thị trường Việt Nam phải được sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Nhà phân phối phải có đầy đủ chứng từ theo quy định mới được thông qua.

Theo ông Lam các mặt hàng này vẫn có mặt trên thị trường là do những người kinh doanh ham lời cũng như do tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng. Tuy nhiên, về chất lượng thì các loại sữa này có thể là sữa kém chất lượng hoặc là sữa quá hạn sử dụng, người ta tẩy xóa lại để bán ra thị trường để kiếm lời. Bên cạnh đó người bán không bày bán công khai. Chứng từ hóa đơn được người bán hợp thức hóa bằng các chứng từ khác nên khó để cơ quan chức năng kiểm tra.

Ông Dương Thanh Hoàng, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết quản lý thị trường TP.HCM phối hợp với Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm kiểm tra về các loại sữa. Các sản phẩm vi phạm về nhãn hàng hóa được xem là hàng nhập lậu và sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, để biết chất lượng đạt hay không thì phải đem kiểm nghiệm phân tích từng chỉ tiêu.

Sữa nhập lậu tràn qua biên giới

Cục Quản lý thị trường cho biết tình trạng thu gom hàng hóa miễn thuế tại khu thương mại, công nghiệp Mộc Bài - Tây Ninh vẫn diễn ra. Mặt hàng chủ yếu là sữa Ensure, nước giải khát, bánh kẹo, dầu ăn. Phương thức phổ biến là thuê người Campuchia mua hàng miễn thuế, mang đến cột mốc số 0 (vùng đệm) giữa Việt Nam và Campuchia sau đó tìm cách vận chuyển đưa vào nội địa. Hoặc họ thuê mướn người dân mua hàng miễn thuế theo định suất rồi vận chuyển về thị trấn Gò Dầu. Sau đó đưa lên các xe ô tô chở hàng hóa, xe ô tô du lịch, xe ô tô buýt chở về TP.HCM tiêu thụ.

(Theo PL TP.HCM)