- Khi hạ tầng kỹ thuật, giao thông đã bắt đầu thành hình thì bất động sản phía Đông Sài Gòn lại bị hạn chế với hạ tầng xã hội. Đây chính là nguyên nhân làm cho đô thị phía Đông trở nên hoang hóa.
Cách đây chưa lâu ông Hoàng Minh Trí, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chia sẻ với báo chí hiện có rất nhiều dự án bỏ hoang tại các quận 2, 9, Thủ Ðức. Nguyên nhân chủ yếu là do hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không có. Xây khu đô thị giữa rừng, giữa ruộng thì không thể hấp dẫn cư dân vào sinh sống. Cơn sốt bất động sản qua đi cũng là lúc bộ mặt đô thị tại những khu vực này hiện rõ.
Một cư dân hiếm hoi trong khu dân cư Khang An (Phường Phú Hữu, Quận 9) chia sẻ: “Khi mới chuyển đến đây sinh sống, thấy các biệt thự được mọc lên nhanh chóng, tôi hy vọng đây sẽ là một khu dân cư nhộn nhịp. Nhưng 5 năm rồi nơi đây vẫn tiêu điều. Chẳng những sợ khi phải sống trong khu dân cư hoang vắng, hạ tầng quanh khu vực vẫn để ngỏ khiến cuộc sống rất bất tiện. Thậm chí, muốn đi ăn nhà hàng chúng tôi cũng phải vào tận trung tâm, nhưng điện đường vào khu dân cư chưa có. Ở biệt thự tiền tỷ mà bị cô lập thì chẳng ai muốn về sinh sống”.
Gần trung tâm hơn là các khu dân cư ở quận 2 vẫn thiếu hụt các hạ tầng xã hội mặc dù hạ tầng kỹ thuật, giao thông đã gần hoàn thiện. Do vậy, khi nhìn một cách tổng thể có thể thấy sự kết nối rất rời rạc, cả khu cứ như nhiều mảnh vỡ chắp vá, ít cây xanh, không công viên, không thảm xanh công cộng, không bệnh viện; đường sá không chỉ hẹp mà còn mở hướng tuyến bất hợp lý, giao cắt nhau tùy tiện, các dịch vụ tiện ích hầu như không đáng kể.
Ngay cả khu đô thị mới Thủ Thiêm một thời đình đám, nghe có vẻ hấp dẫn nhà đầu tư nhất thì việc phát triển hạ tầng phục vụ cho việc xây dựng cũng chưa đáp ứng được. Đây là một trở ngại đối với khu đô thị Thủ Thiêm.
Trong khi với khu đô thị Phú Mỹ Hưng, họ nhanh chóng thu hút được nhà đầu tư là nhờ nhanh chóng xây dựng đường Nguyễn Văn Linh và các trục ngang để tạo cơ sở hạ tầng cho khu đô thị.
Ông Võ Sỹ Nhân, Giám đốc công ty TNHH Tiến Phước, than phiền về hạ tầng quá kém của Thủ Thiêm. Theo ông, hiện Thủ Thiêm mới chỉ có vài hạ tầng xương sống như hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm, đại lộ Mai Chí Thọ... song đường sá bên trong không có. Do hạ tầng kém, việc vận chuyển vật liệu, thiết bị vào đây để thi công quá khó khăn và tốn kém, thường doanh nghiệp phải tự xây dựng đường công vụ để phục vụ riêng cho công trình của mình.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khu Đông Sài Gòn đang có nhiều lợi thế về hạ tầng kỹ thuật. Hầm Thủ Thiêm đã làm xong, đường Mai Chí Thọ cũng đi vào hoạt động, các cây cầu Sài Gòn 2, Thủ Thiêm 2, 3 đang xây dựng; tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây đang nên hình, nên dạng tạo nên một hệ thống giao thông hoàn chỉnh để mời gọi và thu hút đầu tư. Tuy vậy, việc hoàn thiện các hạ tầng xã hội mới là động lực chính thu hút không chỉ nhà đầu tư mà ngay cả cư dân về sinh sống.
Theo TS. Nguyễn Minh Hòa, Trưởng bộ môn đô thị học Trường ÐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, thành phố nên cân nhắc phát triển đô thị theo mô hình nhà đầu tư lớn không chỉ về vốn mà cả về kinh nghiệm phát triển đô thị. Nhà đầu tư này sẽ đóng vai trò đầu tàu, lôi kéo, dẫn dắt các nhà đầu tư thứ cấp tham gia, tạo ra sự đồng thuận trong quy hoạch, thiết kế, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. Nếu làm được điều này thì trong tương lai không xa, TP.HCM sẽ có nhiều khu đô thị tầm cỡ như Phú Mỹ Hưng.