Mỗi năm, hàng trăm nghìn con chó bị bắt ở Thái Lan rồi buôn lậu sang Việt Nam, điểm đến cuối cùng của những con vật xấu số này là những nhà hàng đặc sản cao cấp và những quầy hàng vỉa hè ở Hà Nội. Nhu cầu thịt chó cao đến mức việc cung cấp đã trở thành một nghề hái ra tiền trên thị trường chợ đen. Tờ Guardian (Anh) ngày 27.9 đã có bài viết về chủ đề này.

5 triệu con chó bị thịt mỗi năm

Nguyễn Tiến Tùng là dạng đồ tể điển hình ở một lò mổ Hà Nội: Dẻo dai, điên cuồng và bẩn thỉu. Chiếc áo phông của Tùng dính đầy máu, quần soóc bò xộc xệch, bốc mùi và chân đầy vết xước. Người đàn ông 42 tuổi này đang kiểm tra lò mổ chó, vốn là một cái hiên nhà bằng bê tông nằm ngoài trời sát ngay sát con ngõ nhỏ đầy ắp những cửa hàng cung cấp các sản phẩm công nghiệp.

Hai con chó trụi lông đang được ông anh họ của Tùng xối nước rửa. Cách đó vài bước chân là vài chiếc lồng chó, mỗi lồng nhốt 5 con to như nhau, một số con vẫn còn đeo nguyên vòng cổ. Tùng bước đến một trong những lồng chó và vuốt ve một con khi nó đến sát cửa. Khi con chó vừa vẫy đuôi, anh ta cầm một chiếc ông bằng kim loạt bất ngờ đập một nhát vào đầu con vật, sau đó cười lớn và đóng sầm cửa lồng.

{keywords}

Cách không xa nhà Tùng, ở mạn Cầu Giấy có một trong những nhà hàng thịt chó nổi tiếng nhất Hà Nội: Quán thịt chó Chiếu Hoa, chỉ phục vụ một món đặc sản thịt chó. Thực đơn của nhà hàng gồm các món tiết canh chó, chó hấp, nướng gừng sả lá chanh và dồi, tất cả đều được ăn với mắm tôm và húng chó. “Nghe có vẻ lạ vì tôi ngồi đây ăn thịt chó trong khi tôi cũng nuôi chó ở nhà và không bao giờ nghĩ đến chuyện ăn thịt chúng” - Đức Cường, một bác sĩ 29 tuổi vừa nói vừa gật gù thưởng thức một miếng thịt chó với húng quế. “Nhưng tôi thấy ăn thịt chó của người khác chẳng làm sao. Thịt chó rất bổ và tốt cho sức khỏe” - Cường nuốt và hắng giọng.

Không ai biết chính xác người Việt Nam bắt đầu ăn thịt chó từ khi nào, chỉ biết là đã rất lâu. Ước tính có khoảng 5 triệu con chó bị đem ăn thịt mỗi năm. Thịt chó được ăn trên các bàn nhậu, trong những bữa tiệc sum họp gia đình hay một số dịp đặc biệt. Người ta cho rằng thịt chó giúp đàn ông tăng cường sinh lực và làm ấm cơ thể. Ngoài ra, thịt chó được xem là một món ăn giàu protein để thay thế các món truyền thống là thịt lợn, gà và bò.

Một số thực khách tin rằng nếu càng hành hạ con vật trước khi giết bao nhiêu, thịt của nó càng ngon bấy nhiêu. Điều đó lý giải vì sao những con chó tội nghiệp thường bị đập từ 10-12 phát bằng một ống kim loại nặng, bị chọc tiết hay thiêu sống. Ông John Dalley, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Soi Dog Foundation ở Thái Lan cho biết ông chứng kiến cảnh những con chó bị nhét một cái ống vào dạ dày rồi bơm gạo sống cùng nước để tăng trọng lượng. Tuy nhiên, với đồ tể như Tùng, anh ta chọn cách đơn giản hơn là đặt một hòn đá vào miệng chúng trước khi mở cửa lồng và đập chết.

Chính phủ ước tính có khoảng 10 triệu con chó ở Việt Nam, nơi thịt chó đắt hơn thịt lợn và có thể bán được với giá lên đến cả triệu đồng một đĩa ở những nhà hàng cao cấp. Nhu cầu thịt chó ngày càng tăng khiến những người cung cấp tìm đủ mọi cách, từ việc bẫy đến trộm chó, sau đó tìm nguồn cung ở nước ngoài. Vậy là một đường dây kinh doanh chó lên đến hàng triệu USD xuất hiện, mỗi năm tuồn khoảng 300.000 con chó từ Thái Lan vào Việt Nam. Trên thị trường chợ đen, việc buôn chó không bị đánh thuế khiến lợi nhuận của “nghề” này lên đến 300-500%.

Ở đông bắc Thái Lan, thị trấn yên bình Tha Rae được mệnh danh là “làng đồ tể” với khoảng 5.000 người chuyên buôn lậu, trộm cắp hoặc giết chó. Các quầy thịt chó ở đây bán mỗi cân khoảng 300 baht (200.000 đồng). Bất chấp việc chống buôn lậu, một số lượng lớn chó vẫn được tuồn ra ngoài biên giới Thái Lan do đã “chung chi” rất nhiều tiền hối lộ. Các nhà bảo vệ động vật cho biết, những tên trộm chó thà bị phạt rồi tái phạm còn hơn là bỏ nghề. Chúng hoạt động nhờ được một tập đoàn mafia “chống lưng”. Với nguồn lợi khổng lồ gần 2 triệu USD/năm, không có lý gì mà những kẻ buôn chó để lực lượng chức năng cản trở.

Để đến được Việt Nam, những con chó bị nhồi nhét vào những chiếc lồng sắt, mỗi lồng từ 12-15 con, mỗi xe chở từ 6-8 lồng. Xe chạy từ Thái Lan qua sông Mekong sang Lào, từ Lào đi dọc quốc lộ 8 sang Vinh, Nghệ An. Những kẻ buôn lậu dùng biển số giả và hệ thống định vị toàn cầu GPS nên không gặp bất cứ trở ngại nào. Anh Nguyễn Dương, một tài xế chở khách hàng ngày chạy tuyến Vinh - Hà Nội nói rằng những chiếc xe tải này chở đầy chó, gần đây cả mèo nữa.

Ăn hay không ăn thịt chó?

Ở Hà Nội, những quán thịt chó thường tập trung ở một khu vực nhất định. Dọc đường Tam Trinh, phía nam thành phố, hàng chục quầy bán thịt chó vỉa hè phục vụ khách đi xe máy hoặc đi bộ. Người bán tay thoăn thoắt chặt, tẩm ướp và đưa thịt, mắm tôm, ớt, rau thơm cho khách. Ở quán Hoa Mơ, một phụ nữ 63 tuổi cả đời làm nghề bán thịt chó nhanh nhẹn gói cho khách 12 chiếc chân chó. “Vợ tôi vừa sinh cháu nhưng ít sữa. Tôi mua chân chó về hầm theo bài thuốc đông y để xem có nhiều sữa hơn không” - người khách nói. Mỗi hàng thịt chó như vậy nhập khoảng 100 con mỗi ngày, nhưng không ai trong số họ biết nguồn gốc chó ở đâu, một số người nói rằng có thể từ Thái Lan và Lào.

Quyền sở hữu động vật vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên chó ở đất nước này vừa được nuôi để giữ nhà vừa được nuôi để ăn thịt. Thịt chó từng là nguyên nhâ gây bùng phát dịch tả và bệnh dại. Trong một hội nghị quốc tế đầu tiên về buôn bán thịt chó ở Hà Nội hồi cuối tháng 8, các nhà làm luật và những người vận động từ Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đã nhất trí một kế hoạch 5 điểm, trong đó có việc cấm vận chuyển chó xuyên biên giới vì mục đích thương mại trong 5 năm nhằm nghiên cứu mối liên hệ giữa việc này và sự lan truyền bệnh dại. Theo ông John Dalley thuộc Soi Dog Foundation, thỏa thuận này cũng không giúp ích gì nhiều cho việc đẩy lùi hoạt động buôn bán và giết chó. Ông cho biết giới buôn lậu thay bằng việc vận chuyển chó sống đã giết thịt chúng ở Thái Lan rồi mới đưa đi.

Trong các quốc gia liên quan đến việc buôn bán chó, Thái Lan là nước có hành động quyết liệt nhất. Một xe chở chó bị hải quan Thái Lan bắt giữ, sau đó những con chó này được gửi đến trang trại của chính phủ ở Nakhon Phanom. Tại đây chúng được điều trị trước khi chuyển đi các trang trại khác trên khắp đất nước. Gần 5.000 con chó, phần lớn được cứu sống từ những tay buôn lậu, hiện đang sống ở đó.

Tuy nhiên chỉ một số rất nhỏ được trả về gia đình và mỗi ngày khoảng 30 con chết vì nhiễm trùng hoặc bệnh tật. Một nghị sĩ Thái Lan, ông Bhumiphat Phacharasap gợi ý rằng nên xem chó giống như lợn và bò, miễn là đảm bảo chúng không bị bệnh, được tiêm chủng và có giấy phép xuất khẩu. Tuy nhiên, những người phản đối nói rằng việc ăn thịt chó là vô đạo đức vì chúng rất thông minh và là bạn của con người. Đáp lại, những người ủng hộ ông Bhumiphat Phacharasap lập luận rằng như vậy là đạo đức giả vì theo một số kết quả nghiên cứu khoa học, lợn còn thông minh hơn chó, vậy mà nhiều người vô tư ăn thịt lợn chẳng cần suy nghĩ.

Đối với người Việt Nam, chẳng hạn như bác sĩ Đức Cường khi được hỏi liệu có thấy gì khác biệt khi ăn thịt một con chó của người khác, bác sĩ này trả lời: “Nó không phải là con chó của tôi, vì thế tôi chẳng cần quan tâm”.

(Theo Laodong)