Hải sản tẩy bằng hóa chất, thùng hóa chất tận dụng đựng gạo nước… cho đến bạch buộc, sâm Ngọc linh bị làm giả… khiến cho người tiêu dùng sống trong lo sợ.
Tâm điểm: Hải sản tươi nhờ urea, trắng vì Javel
Tuần qua, rộ lên thông tin nhờ áp dụng công nghệ tẩm đạm mà hải sản có thể tươi cả tuần và những con bạch thuộc, mực đen thui chỉ trong vòng 30 phút đồng hồ ngâm thuốc tẩy javel sẽ trắng nõn nà đang được giới kinh doanh hải sản áp dụng khá rộng rãi. Không chỉ vậy, một số tàu đánh bắt hải sản cũng thường đem theo đạm urea để ướp cá.
Thực tế, việc giữ hải sản tươi bằng uree và tẩy trắng bằng hóa chất đã có từ lậu và bị phát hiện rất nhiều nhưng chưa hề giảm. ThS. Lê Thanh Hải, Khoa Công nghệ sau thu hoạch đại học Hùng Vương TP.HCM cho biết: “Nếu urea tích luỹ ở thận dưới dạng tinh thể gây sạn thận, hoặc đi vào chu trình thải đạm amoni của thận gây độc cho tế bào thận gây viêm cầu thận thì javel phá huỷ tế bào người, làm rối loạn trao đổi chất, khó tiêu, stress, lão hoá các tế bào dẫn đến cơ thể già nhanh, nghiêm trọng có thể làm rối loạn các gen tế bào, gây ung thư...”.
Đầu năm 2013, tiểu thương tại chợ Bến Đình (TP Vũng Tàu) cũng từng tiết lộ rằng, hầu hết các loại cá tại chợ này đều đã được tẩm ướp đạm urea hai lần trước khi đem ra chợ bán. Nếu ế, tiểu thương còn phải ngâm thêm một lần nữa để bảo đảm hải sản tươi đến hôm sau. Các loại mực, bạch tuộc muốn tẩy trắng, tiểu thương ở chợ này cũng phải ngâm qua thuốc tẩy.
Cuối năm 2010, qua kiểm tra 6 mẫu cá (lấy tại chợ Đông Tác và chợ Phú Lâm, TP Tuy Hòa), Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm - mỹ phẩm - thực phẩm Phú Yên đã tìm thấy 4 mẫu có nhiễm phân urê với hàm lượng khá cao.
Nóng: Sâm giả, táo Tàu mang mác Mỹ
Bạch tuộc nghi làm giả: Anh Võ Văn Hưởng (Bến Cát, Bình Dương) được bạn tặng 2 kg bạch tuộc mới mua từ chợ Thủ Dầu Một. Tuy nhiên, khi dùng dao cắt bạch tuộc thì phát hiện có dấu hiệu khác thường, chúng rất dai, đưa lên mũi ngửi cũng không thấy có mùi tanh như loài bạch tuộc thông thường. Sau đó, anh Hưởng cắt bạch tuộc để nướng cũng không thấy có mùi vị gì cả, chỉ co nhúm lại như một cục cao su.
Sâm Ngọc Linh giả bán tràn lan: Ông Trần Văn Trung (Phường Quyết Tâm, Tp. Sơn La) cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn thành phố Sơn La có một số cá nhân chào bán sâm Ngọc Linh với giá 20 triệu đồng/kg có kèm khuyến mại nấm linh chi Hàn Quốc. Nhiều người đã mua nhưng khi thái ra ngâm rượu mọi người mới phát hiện ra đó là sâm giả.
Tại địa bàn các tỉnh phía Nam, sâm giả trở nên phổ biến khi giá mỗi kg sâm lên tới vài chục triệu đồng. Mới đây, công an tỉnh Kon Tum từng phát hiện một đường dây tiêu thụ sâm Ngọc Linh giả liên tỉnh. Nguồn củ sâm Ngọc Linh giả chính là củ vũ diệp tam thất từ Trung Quốc có hình dáng giống sâm rồi ngâm trong nước pha từ sâm Ngọc Linh thật để có mùi sâm.
Dầu gội hàng hiệu nhái tràn chợ: Hàng loạt các loại dầu gội, dầu xả mang nhãn hiệu nổi tiếng như The Bol, Dove, Clear, Pantene,… với giá siêu rẻ được bày bán ở khắp các khu chợ tại Hà Nội chỉ với giá từ 5.000 - 20.000 đồng/chai. Theo các tiểu thương, các cơ sở nhỏ lẻ gần Hà Nội bằng cách thu gom những vỏ chai dầu gội của những hãng nổi tiếng, sau đó đổ dầu gội đầu tự chế dán nhãn đưa ra thị trường tiêu thụ
Mới đây, QLTT tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát hiện và bắt giữ một số lượng lớn dầu gội dầu giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng được làm lậu, nhập lậu từ Trung Quốc.
Cốc, đĩa giấy nhiễm kim loại nặng: Ngày 3/10, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y) tế đã công bố đã phát hiện có 4/6 mẫu thôi nhiễm chì, Arsen. Các mẫu bị phát hiện có nguồn gốc nhập từ Trung Quốc và sản xuất trong nước. Tuy nhiên, mức độ thôi nhiễm nằm trong giới hạn cho phép, nên vẫn đảm bảo an toàn theo quy định.
Dùng thùng hóa chất đựng... gạo, nước: Tại huyện Long Thành, Trảng Bom, thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), những thùng đựng hóa chất đã qua sử dụng bày bán tràn lan, không được kiểm soát. Nhiều người mua loại thùng này về sử dụng làm phao kết bè cá, thậm chí dùng để đựng nước, lúa gạo. Vì thiếu hiểu biết, tin lời người bán nên khách hàng không biết đây là rác thải công nghiệp nguy hại.
Táo Tàu đội lốt táo Mỹ: Hiện nay, cam Navel (Úc) và táo Red Delicious (Mỹ) được chào bán với giá khả rẻ, khoảng 50.999đ và 44.900đ/kg tại siêu thị. Mức giá này cũng khiến nhiều người tiêu dùng phân vân vì nếu nhập khẩu trực tiếp từ Úc hay Mỹ trái cây khó để có được mức giá rẻ như chào bán trên thị trường. Nhiều nghi ngờ rằng, trái cây “nhập khẩu” giá rẻ này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Theo Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), lượng trái cây được nhập khẩu từ phương Tây vào thị trường Việt Nam không đáng kể. Trái cây giá rẻ bày bán trên thị trường có thể là gắn nhãn mác giả.
Chanh leo pha chế siêu rẻ: Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, những túi nước chanh leo giá 5.000 đồng. Nhưng để có những túi nước chanh leo thơm ngon bán với giá siêu rẻ chỉ 5.000 đồng, khi pha chế, người bán chỉ cho một phần rất nhỏ chanh leo thật, còn lại là đường, chất tạo ngọt, hương liệu.
Một số chuyên gia hóa học cho biết, các loại chất tạo ngọt nhân tạo như Cyclamate, Splenda, Sodium Sulfamate, Calcium… khi sử dụng nhiều có thê gây nhiều tác dụng phụ bao gồm: Các vấn đề tiêu hóa (đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn), kích ứng da (phát ban, nổi mề đay, mẩn đỏ, ngứa, sưng tấy), thở khò khè, ho, chảy nước mũi, đau ngực, đánh trống ngực, lo lắng, giận dữ, trầm cảm, và ngứa mắt. Đặc biệt là có khả năng gây ung thư.
Sầu riêng chín nhờ thuốc ép: Sở NN-PTNT Đắk Lắk vừa phát hiện và lập biên bản thu giữ hơn 650 chai thuốc nhãn hiệu “Trái chín”. Đây là loại thuốc mà nông dân mua về hòa vào nước để nhúng ép chín nhanh trái sầu riêng xanh trong thời gian ngắn. Loại thuốc này do một công ty ở TP.HCM sản xuất, đóng thành chai 500 ml, trên bao bì ghi là phân bón lá, nằm ngoài danh mục được phép lưu hành.
Mùa chăn đệm tồn kho bung hàng: Vào mùa rét, những sản phẩm chăn ga “tồn kho” của năm trước được đem ra phơi lại và năm sau lại bán cho khách hàng với giá rẻ chỉ 30.000 – 50.000 đồng/gối, 100.000 - 150.000 đồng/vỏ chăn, 120.000 - 150.000/ga trải giường… Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư thì chăn ga gối đệm, quần áo từ mùa thu - đông năm ngoái, sau một thời gian dài không đụng đến đã phát sinh nấm mốc và con bọ, mạt mà mắt thường rất khó phát hiện. Mạt có thể sinh sống, phát triển trong chăn, chiếu, đệm và là một trong những nguyên nhân gây dị ứng. Không chỉ gây hiện tượng mẩn ngứa, mà con mạt này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng về đường hô hấp, nhất là ở những người có cơ địa dị ứng, viêm mũi dị ứng, bị hen.
Lạ: Dân nhậu Việt ăn chuột Campuchia
Những ngày này, nước lũ về ngập các cách đồng ở An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Đây cũng là mùa chuột đồng xuất hiện số lượng lớn. Tại cửa khẩu Khánh Bình, An Phú (An Giang) giáp với xã Chray Thom, huyện Co Thum, tỉnh Kandal (Campuchia) có những vựa chuột cả trăm tấn được nhập từ Campuchia về.
Nhờ vào công việc săn bắt chuột bán cho thương lái mà những người dân ở An Giang đang có thu nhập khá ổn định khi mùa nước lũ về.
Bảo Hân (tổng hợp)