- 20 dự án điện của EVN chậm tiến độ tương đương sản lượng điện thiếu hụt lên tới 84,225 tỷ kWh. Trong khi đó, có những năm EVN cắt điện triền miên cả nước, đổ dầu để chạy rồi cuối năm, kêu lỗ và… tăng giá.
Chậm tiến độ là thiếu điện, tăng giá thành
Theo Thanh tra Chính phủ, kể từ năm 2005 đến hết tháng 7/2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải đầu tư 42 dự án nguồn điện với tổng mức đầu tư 425,043 nghìn tỷ đồng với mục tiêu đến 2015, cả nước đạt sản lượng 194 - 210 tỷ kWh.
Tuy nhiên, EVN có tới 20 dự án chậm tiến độ. Cơ quan thanh tra đã nêu rõ, việc này đã dẫn đến thiếu nguồn điện và làm tăng chi phí đầu tư các dự án. Trong đó, 21 tổ máy của các dự án chậm tiến độ từ 1-3 năm.
“Rùa bò” nhất, chậm tới 41 tháng ở dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng khiến hệ thống thiếu hụt mất 6,15 tỷ kWh. Dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2 chậm 13 tháng, khiến hệ thống thiếu mất 2,145 tỷ kWh sản lượng.
Sản lượng điện thiếu hụt lớn nhất là ở các dự án nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2, Quảng Ninh 1 và 2. Trong đó, nhiệt điện Hải Phòng 1 chậm 33 tháng, lượng điện thiếu hụt là 9,9 tỷ kWh. Nhiệt điện Hải Phòng 2 chậm 39,5 tháng, lượng điện thiếu hụt lên tới 11,85 tỷ kWh. Tính đến nay, dự án mới hoàn thành được 50%. Hai Dự án nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2 đều chậm 36 tháng khiến lượng điện thiếu hụt lên tới 10,8 tỷ kWh.
Trong số các dự án thủy điện, dự án thủy điện Tuyên Quang, chậm tới 30,5 tháng với lượng điện thiếu hụt là 3,4 tỷ kWh, dự án thủy điện Buôn Kuôp chậm 24 tháng, gây thiếu 2,24 tỷ kWh, dự án thủy điện Srepôk chậm 36 tháng, với sản lượng điện thiếu hụt là 2,64 tỷ kWh.
Thanh tra Chính phủ đã thống kê, tổng sản lượng điện thiếu hụt của 20 dự án do chậm tiến độ lên tới 84,225 tỷ kWh. Trong khi đó, tổng giá trị nghiệm thu cho 20 dự án này đã là 89.760 tỷ đồng.
Theo tính toán sơ bộ, sản lượng thiếu hụt điện như trên tương ứng 80-90% sản lượng điện tiêu dùng trong một năm. Trong khi nhiều dự án không vào đúng tiến độ thì năm 2009-2010, thủy điện gặp hạn hán, cả nước thiếu điện trầm trọng. Thời điểm tháng 4-5-6 năm 2010, Tập đoàn này “ăn đong” điện, khống chế mỗi ngày chỉ được dùng có hơn 270 triệu kWh. Khắp các tỉnh thành ở miền Bắc, điện bị cắt triền miên. Nếu như nhà máy Uông Bí mở rộng, Hải Phòng, Quảng Ninh vào chuẩn tiến độ thì miền Bắc đã không đến thiếu điện như vậy.
Ghi nhận của cơ quan Thanh tra cho hay, lý do chậm tiến độ là do EVN thiếu vốn và khó khăn giải phóng mặt bằng.
Song, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, EVN phải đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm cho việc chậm tiến độ gây thiếu điện, dù có lý do chính đáng hay không.
Điều trái khoáy nữa là trong lúc một mặt kêu thiếu vốn làm điện, công ty mẹ EVN còn có tới 121 nghìn tỷ đồng đầu tư cho ra ngoài cho các công ty liên kết, đầu tư mua trái phiếu và cho 23 đơn vị thành viên vay vốn.
Trong giai đoạn mà 20 dự án ì ạch triển khai, sự cố liên tục, chi phí đầu tư phát sinh quá lớn thì EVN còn mải làm viễn thông với khoản vốn 2.996 tỷ đồng đầu tư vào EVN Telecom. Cùng đó, gần 2000 tỷ đồng EVN bỏ vốn vào tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…
Con số 121 nghìn tỷ đồng đầu tư ra ngoài đã tương đương 50% tổng vốn đầu tư mà EVN cần có để triển khai 42 dự án nguồn điện.
Nhập nhèm giá thành điện
Trong lúc tình trạng nguồn điện đầu tư không đảm bảo, năm 2011, EVN vẫn được tăng giá điện tới 2 lần, tổng tỷ lệ tăng hơn 20%.
Điều đáng nói là, các dữ liệu chi phí sản xuất điện cho việc tăng giá được chỉ ra có nhiều sai lệch so thực tế.
Thanh tra Chính phủ cho biết, sản lượng các nhà máy nhiệt điện than giảm so với đề án giá điện là 3,5 tỷ kWh nhưng giá thành bình quân tăng 58 đồng/kWh, chi phí giảm số tiền là 1.857 tỷ đồng so với đề án giá điện.
Sản lượng điện chạy đầu giảm so với đề án là 1,6 tỷ kWh, giá thành bình quân tăng 1.282 đồng/kWh và chi phí giảm số tiền lên tới 3.303,32 tỷ đồng so với đề án giá điện.
Sản lượng điện giao nhận các nhà máy thủy điện trên 30MW tăng so với đề án giá điện là 1,259 tỷ kWh, giá thành bình quân giảm 45 đồng/kWh, giảm chi phí số tiền là 317,38 tỷ đồng so với đề án giá điện.
Năm 2011 là năm thuận lợi về thủy điện. Đây là năm EVN đã tăng cường ưu tiên huy động nguồn thủy điện vì giá rẻ, giảm huy động các nguồn nhiệt điện khác giá đắt hơn. Nhưng với kết luận thanh tra như trên, khi có các chênh lệch giữa con số thực tế và con số dự trù như vậy, Tập đoàn sẽ hưởng lợi vì giá bán điện tăng nhưng chi phí phát điện lại giảm.
Hơn nữa, đối với các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN, Thanh tra Chính phủ phát hiện giá thành sản xuất điện lại cao hơn cả giá bán điện bình quân. Ví dụ nhà máy thủy điện Đồng Nai có giá thànhtới 2.730,77 đồng/kWh. Các nhà máy thủy điện như Đại Ninh, Tuyên Quang, Sông Tranh có giá thành lần lượt là 1.011,85 đồng/kWh, 1055,88 đồng/kWh và 1178 đồng/kWh. Cộng cả chi phí truyền tải, phân phối thì giá thành sản xuất 1kWh thủy điện của 5 nhà máy này lớn hơn hẳn con số 1.242 đồng/kWh giá bán điện bình quân năm 2011.
Theo các chuyên gia kinh tế, có thể nguyên nhân giá thành cao do EVN trích khấu hao trong giai đoạn nhà máy mới vận hành. Nhưng những con số trên cho thấy, có sự không minh bạch, rõ ràng trong bài toán giá thành điện của EVN.
Với thực tế trên có thể thấy, EVN vẫn còn luẩn quẩn trong nhiều hạn chế như: chậm tiến độ, gây thiếu điện điện, phải đổ dầu phát… rồi kêu lỗ để đòi tăng giá. Đó như là một thói quen mà người tiêu dùng dù khó chịu vẫn phải gánh chịu.
Phạm Huyền