Nghi vấn mực khô, thịt bò, bạch tuộc cao su sẽ chỉ là nghi vấn vì ngay đến các cơ quan quản lý cũng không có kết luận rõ ràng.
Không buồn kết luận
1,5 tấn mực khô xé sợi nghi làm giả bị Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Trị bắt giữ cách đây không lâu, sau khi lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, đã kết luận là mực giả và quyết định cho tiêu hủy. Tuy nhiên điều dư luận quan tâm là mực giả đó được làm từ chất liệu gì?
Trả lời chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Viết Thế - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Quảng Trị cho biết, chỉ có thể kết luận là giả thôi chứ không biết chính xác làm từ chất liệu gì. Theo ông Thế, mẫu mực giả được xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế (Trung tâm) nhưng Trung tâm này chỉ có thể đưa ra kết quả về các chỉ tiêu protein, chất xơ… không đúng với kết cấu của mực khô thông thường chứ không kết luận chính xác đó là chất gì, ngoài giả thiết có thể được làm từ thịt một loại động vật nào đó. Liên hệ với ông Đặng Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm, ông Khánh từ chối trả lời với lý do toàn bộ dữ liệu đã chuyển trả phía Quảng Trị.
Một vụ việc khác, cách đây hơn một tuần, anh Võ Văn Hưởng, trú tại ấp Phú Nghị, xã Hòa Lợi, H.Bến Cát, tỉnh Bình Dương được một người bạn tặng gần 2kg bạch tuộc tươi, khi sơ chế phát hiện bạch tuộc có dấu hiệu bất thường như dai, dứt khó đứt, ít nhớt và không có mùi tanh đặc trưng của bạch tuộc, không thu hút ruồi muỗi. Đem “bạch tuộc” nướng trên lửa thì săn lại hệt như ruột xe bị đốt.
Theo phóng viên Quảng Điền (báo Bình Dương), người trực tiếp tiếp nhận phản ánh của anh Võ Văn Hưởng, những bất thường nói trên hoàn toàn là thật, anh Điền cùng một số đồng nghiệp đã kiểm chứng. Số “bạch tuộc” anh Hưởng đưa đến, để ba bốn ngày trong điều kiện bình thường nhưng không bị thối. Phóng viên Quảng Điền cho biết, anh đã liên hệ với một đơn vị y tế của tỉnh nhưng cơ quan này không mấy mặn mòi với sự việc trên, chỉ đưa ra phỏng đoán có thể loại bạch tuộc này được tẩm ướp một loại hóa chất, chất bảo quản nào đó.
Báo cho quản lý thị trường (!)
Rất nhiều trường hợp người tiêu dùng nghi ngờ mua phải thực phẩm bị làm giả nhưng không biết “gõ cửa” cơ quan nào. QLTT phải nhờ đến cơ quan y tế kiểm định, nhưng cơ quan kiểm định lại không công bố kết luận rõ ràng sản phẩm là giả hay thật. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: "Luật đã quy định rõ vai trò của từng đơn vị, đối với những mặt hàng nông sản thực phẩm là do bộ, sở nông nghiệp quản lý về chất lượng, công bố các kết quả, tiêu chuẩn. Các sản phẩm này khi lưu thông trên thị trường sẽ chịu sự kiểm soát của QLTT, Bộ Công thương. Khi phát hiện sản phẩm khô mực giả, người dân có thể báo cho QLTT xử lý. Ngành y tế chỉ là đơn vị tham gia phối hợp cùng hai đơn vị trên chứ không giữ vai trò trực tiếp trong vấn đề này”.
Bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng TP.HCM cho biết, do hầu hết các trường hợp người tiêu dùng mua phải những sản phẩm này đều không có nguồn gốc xuất xứ nên dù muốn, Hội cũng không thể can thiệp được.
PGS-TS Đặng Minh Nhật, Trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho rằng, trường hợp người sản xuất sử dụng hóa chất để chế biến khiến các loại thịt bị biến tính có thể dai hơn, khó tiêu hóa hơn nhưng không thể biến đổi hoàn toàn các thành phần trong đó mà nhựa hay cao su không có được.
Cách kiểm tra thông thường là đốt và ngửi mùi… nếu đúng các loại gọi là thực phẩm có những dấu hiệu bất thường như tính đàn hồi cao, đốt cháy có mùi nhựa… thì rõ ràng không phải là thực phẩm. Với cấu trúc của thực phẩm, khó có thể kéo dài, co giãn và có độ bền như vậy, khả năng những loại thực phẩm này bị làm giả từ một vật liệu nào đó là hoàn toàn có thể, vì ở Trung Quốc từng phát hiện hàng loạt các loại thực phẩm như gạo, trứng, thịt… bị làm giả từ nhựa, cao su… nhìn cảm quan bên ngoài rất khó phát hiện. Giá thành sản xuất ra sản phẩm giả cũng được truyền thông nước này đưa ra là thấp hơn sản phẩm thật.
(Theo Phunuonline)