Người đứng đầu các DN Việt Nam thường hành xử như những "ông vua" mà không thể nào đo đếm được.
Hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, cũng mang đến một sức ép tích cực buộc các DN, ngân hàng phải thay đổi. Tuy chuyển đổi chưa bao giờ là chuyện dễ dàng với các DN cũng như ngân hàng Việt Nam.
Tại Hội thảo: "Chuyển đổi mô hình kinh doanh DN và Ngân hàng trong thời đại mới", các chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng, với đầu tư tràn lan, theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn và thiếu bền vững. Tuy nhiên, việc khắc phục không hề dễ dàng.
Hầu hết các DN đầu tư chồng chéo, dàn trải vào các mảng không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, chủ yếu chạy theo các mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn nên mất cân đối nghiêm trọng về dòng tiền.
Trong khi đó, các DN Việt Nam đa phần có tỷ lệ vay nợ cao. Do kinh tế phát triển nóng, nên mục tiêu là vay được nhiều chứ không phải là vay có hiệu quả. Trước đây, vay càng nhiều càng tốt, thì nay càng gặp bất lợi.
Không chỉ các DN mà ngay các ngân hàng cũng phải trả giá đắt cho sự phát triển quá nóng. Sự bế tắc của các DN cũng khiến hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn, nợ xấu gia tăng.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, cũng mang đến một sức ép tích cực đó là ép các DN, ngân hàng phải thay đổi.
Từ nay sẽ không còn cảnh cho vay dễ dãi và vay thật nhiều, đầu tư vào bất cứ đâu nữa, tất cả đều phải xem xét, cơ cấu lại, cũng như nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh để thích nghi trong hoàn cảnh mới.
Mặc dù vậy chuyển đổi chưa bao giờ là chuyện dễ dàng với các DN cũng như ngân hàng, bởi vì hầu hết đều có tư duy ngắn hạn, đầu tư thiếu bài bản, quản trị yếu kém và không có chuẩn mực.
Các chuyên gia cho rằng vấn đề xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi không hề khó khăn, mà thực hiện nó mới là điều khó khăn. Điều quan trọng ở đây chính là những người lãnh đạo có tầm nhìn và có quyết tâm chuyển đổi hay không.
Ông Nguyên Hữu Thái Hòa, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT cho rằng, người đứng đầu các DN Việt Nam thường hành xử như những "ông vua" mà không thể nào đo đếm được. Sự quan tâm của lãnh đạo DN Việt đến chuyển đổi rất "đầu voi đuôi chuột", có thể 6 tháng đầu rất hào hứng, lúc nào cũng nói về chuyển đổi, về quyết tâm đưa DN đến tầm cao mới, nhưng 6 tháng sau chẳng còn thấy ai nói về chuyện chuyển đổi nữa và đâu lại vào đấy.
Ông Sharizal Mohn Suffian, Tập đoàn Tư vấn quản trị Hay Group cho biết, bản thân cấp lãnh đạo DN và cấp trung gian đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện chuyển đổi.
Người lãnh đạo phải quyết tâm thực hiện và dẫn dắt quá trình chuyển đổi, cũng như ban hành chính sách, thưởng phạt nghiêm minh. Tiếp đến là cấp trung gian phải tham gia tích cực bởi đây chính là những người trực tiếp thực hiện. Cấp quản lý trung gian thường có suy nghĩ chuyển đổi không biết có sống sót được không và lo ngại nguy cơ những người cũ mất việc làm hoặc bị thay bởi những người mới.
Ví dụ như MayBank năm 2007 là ngân hàng lớn của Malaisia nhưng họ nhận thấy cần phải chuyển đổi, đưa ngân hàng lên tầm cao mới và 2008 họ thay đổi tổng giám đốc, xây dựng chiến lược chuyển đổi. May Bank đã tuyển các phụ trách từ bên ngoài vào. Các sáng kiến luôn được đề cao, được chia sẻ hàng tháng, cùng với đó là các thành công được đánh giá nhìn nhận ngay chứ không đợi đến cuối năm mới tổng kết... đã tạo ra niềm hứng khởi. Và chỉ sau 3 năm chuyển đổi đến nay MayBank không còn là ngân hàng của Malaisia nữa, mà là ngân hàng của khu vực.
Theo ông Hòa thì có tới 90% sự đổi mới là thất bại, nhưng thất bại cũng là kinh nghiệm quý để nhìn vào đó rút ra những bài học và tìm hướng đi mới. Thực tế cho thấy chuyển đổi chỉ thành công khi có động lực và khi không còn đường lùi. Nếu thấy không có gì cần đổi mới mà cứ tiền hành thì chắc chắn là thất bại. Vị tướng dẫn quân ra trận mà không biết đánh như thế nào thì sẽ tổn thất lớn.
“Phải đảm bảo mọi người lao động biết rõ về đổi mới, tại sao phải đổi mới và từ lãnh đạo phải có các cam kết rõ ràng, phải khuyến khích người lao động tham gia với những sáng tạo không ngừng, bởi sáng tạo là đặc tính duy nhất của đổi mới”, ông Hòa nói.
Các chuyên gia cho rằng, đổi mới cần được tiến hành với tầm nhìn xa, với cải thiện về công nghệ về quản lý và nâng cao kỹ năng cho người lao động... Cũng không cần vội vã, hãy triển khai chậm với thông điệp nhất quán, triển khai từ những bộ phận có nhân sự tốt nhất, triển khai các vấn đề nhỏ trước để đạt kết quả và giành được sự ủng hộ.
Trần Thủy