Nguồn tin từ ngân hàng thương mại cho biết, hôm qua (10/10) Ngân hàng Nhà nước đã trở lại mua vào USD khi tỷ giá giảm khá nhanh và nguồn cung thuận lợi.
Quy mô mua vào và số lượng ngân hàng bán lại hiện không công bố, song đây là sự kiện đánh dấu sự trở lại mua vào của nhà điều hành sau khi ngắt quãng trong gần hai tháng qua.
Trước đó, hoạt động này được ghi nhận ở cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2013. Với đà giảm nhanh của tỷ giá USD/VND, ngày 7/8/2013, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã nâng mạnh giá mua vào USD từ mức 20.826 VND lên 21.100 VND (tăng 274 VND) và duy trì cho đến nay.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 10 này, hoạt động mua vào bị gián đoạn dù thanh khoản trên thị trường tốt và tỷ giá USD/VND tương đối ổn định.
Hai ngày qua, các ngân hàng thương mại liên tục hạ giá USD trên biểu niêm yết. Nguồn tin cho hay, nguồn cung đang thuận lợi trong khi nhu cầu mua ngoại tệ có dấu hiệu thấp hơn trước.
Tại các đầu mối thanh toán xuất nhập khẩu lớn như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)…, giá USD bán ra đã giảm gần 50 VND so với cuối tháng 9, hiện yết ở mức 21.125 VND, tức đã về sát mức mua vào 21.100 VND của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND hôm nay tiếp tục giảm nhẹ, đặc biệt là đã xuống dưới mức mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, có từ 21.090 - 21.100 VND. Và đây cũng là tín hiệu để Ngân hàng Nhà nước mua vào.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn cho hay, cung ngoại tệ khá thuận lợi trong khi cầu có dấu hiệu yếu đi đã phản ánh ở diễn biến tỷ giá hai ngày qua. Nguồn cung hiện tại được chú ý, dù chưa có số liệu cụ thể, là dòng vốn đầu tư gián tiếp được ghi nhận đang trở lại; nguồn kiều hối (theo dự báo của Ngân hàng Thế giới có thể đạt 11 tỷ USD trong năm nay) sắp vào mùa cao điểm cuối năm…
Bên cạnh đó, một yếu tố được người trong cuộc nói trên nhấn mạnh là kỳ vọng của thị trường nhìn chung đã hạn chế để kích thích chuyển đổi, hay giảm bớt sự găm giữ ngoại tệ trong dân cư và doanh nghiệp.
Theo Vneconomy