Một số tỉnh ở ĐBSCL đang rộ lên tình trạng người dân tranh nhau bắt ốc bươu vàng bán cho thương lái Trung Quốc, thậm chí họ còn thả nuôi thay vì tận diệt để bảo vệ đồng lúa như trước đây.
Dọc tuyến đường nối thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với TP Cần Thơ trong những ngày này đi đâu cũng thấy treo bảng “Thu mua ốc bươu vàng”. Đang lom khom bắt ốc bươu vàng (OBV) dưới cánh đồng lúa vừa thu hoạch ở xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Hậu Giang, chị Trần Thị Mận nói: “Thu nhập được lắm! Trước đây, người dân bắt OBV sống để bán cho các chủ vựa thường bị họ làm… eo đủ điều, nay bán bao nhiêu họ cũng mua. Tuy có hơi cực một chút nhưng lại có thu nhập”.
Chị Mận cho biết trước đây, người dân bắt OBV sống rồi bán trực tiếp cho các vựa. Nay OBV sau khi bắt được phải luộc chín, đập vỏ lấy thịt để bán, giá cao hơn nhiều. Trước đây, 1 kg OBV còn vỏ chỉ bán được khoảng 300 đồng, nay thịt của nó bán được từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. “Mỗi ngày cố gắng ra đồng bắt ốc cũng kiếm được khoảng trên 150.000 đồng. Bắt bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Khỏe lắm!” - chị Mận nói.
Nhiều hộ dân ở ĐBSCL bắt ốc bươu vàng để cung cấp cho các thương lái Trung Quốc |
Anh Đ.P.H, một thương lái cấp 2 chuyên thu mua OBV ở huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng để bán lại cho các vựa ở Hậu Giang, cho biết: “Gần đây, thịt OBV có giá lắm. Tôi nghe nói xuất khẩu ra nước ngoài nhưng nói thiệt thịt của nó luộc sơ qua thì làm sao bảo đảm vệ sinh nhưng các vựa vẫn mua hết. Lạ thật!”.
Ông Sáu Lồng, một hộ chuyên nuôi vịt thả đồng, cho biết: “Trước đây, sau khi thu hoạch lúa thì chủ ruộng nào cũng đồng ý cho thả vịt vào bắt OBV để vụ sau hạn chế nạn OBV cắn phá lúa non. Thế nhưng gần đây, không ít người ngăn cản khiến ốc sinh sôi nảy nở với tốc độ chóng mặt. Thậm chí, nhiều hộ còn mua OBV về thả nuôi trong ao để chúng sinh sản nhiều hơn. Đúng là nguy hiểm thật”.
Trong vai người đi mua ốc còn sống về làm thức ăn cho cá, chúng tôi được nhiều chủ vựa thu mua OBV ở thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Tụi tôi bây giờ chỉ cung cấp OBV đã qua luộc chín cho thương lái Trung Quốc thôi. Còn ốc sống hả? Không có đâu”.
Sau khi thu mua OBV đã qua luộc chín từ các hộ dân và thương lái cấp 2, các điểm chuyên thu mua OBV cấp 1 sẽ bảo quản bằng nước đá trong thời gian 48 giờ. Sau đó, lượng ốc này được các chủ vựa chở lên TP HCM giao cho các thương lái Trung Quốc. Họ khuyến khích cung cấp càng nhiều càng tốt nên các chủ vựa ai cũng muốn làm “đẹp lòng” bằng cách xuất hàng liên tục. Còn việc các thương lái Trung Quốc đem OBV tiêu thụ ở đâu thì các chủ vựa không hề hay biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc người dân đổ xô bắt OBV bán cho thương lái Trung Quốc, một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang nói: “Bà con kiếm thêm thu nhập từ việc bắt OBV để bán cho các vựa thì chúng tôi đã biết. Tuy nhiên, các chủ vựa bán cho ai thì địa phương không biết”.
Thu gom cả trứng ốc bươu vàng Không chỉ thu mua OBV, nhiều hộ dân ở tỉnh Đồng Tháp và các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cũng gom trứng OBV đem về dập nát rồi bán cho thương lái với giá khoảng 20.000 đồng/kg. Anh Trung Giang, một hộ dân ở tỉnh Đồng Tháp, đặt câu hỏi: “Người dân chúng tôi cũng chẳng biết họ mua trứng OBV để làm gì. Chỉ nghe nói đem bán lại cho các thương lái Trung Quốc”. Cũng theo anh Giang, từ ngày trứng OBV được thu mua thì nhiều hộ dân bắt đầu thả nuôi loài xâm hại này tại ao, ruộng của mình thay vì dùng thuốc trừ sâu để tiêu diệt như trước đây. |
Theo NLĐ