Cuối tháng 3/2011, giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn tăng cao. Nhiều gia đình thu nhập thấp ở Hà Nội đang phải thắt chặt chi tiêu trước sự biến động giá này. Theo khảo sát của chúng tôi, giá nhiều loại thực phẩm tươi sống ở các chợ tại Hà Nội tăng, kéo theo nhiều mặt hàng liên quan cũng tăng.

Tiêu thụ chậm do giá tăng cao

Ngày 28/3, có mặt ở chợ Hôm - Đức Viên, chúng tôi được các tiểu thương phản ánh: "Giá lương thực, thực phẩm tăng cao, nhưng mức tiêu thụ rất chậm". Trong những ngày tháng 3 này, mặt hàng tăng nhiều nhất là thịt lợn. Thịt lợn thăn bán tại chợ Hôm - Đức Viên có giá 110.000đ/kg. Tuy nhiên, theo chủ quầy hàng Thêm Thơm thì tăng giá mạnh nhất là thịt rọi, thịt nách, chân giò.

Thịt rọi trước Tết Nguyên đán 1 tháng chỉ có 65.000đ, nhưng nay đã lên tới 90.000đ/kg. Dù thịt lợn chiếm khối lượng lớn trong bữa ăn hàng ngày của người dân, tuy nhiên càng tăng giá mạnh thì sức tiêu thụ càng giảm. Theo chị Thơm thì giá  thịt  lợn tăng là  do giá thức ăn chăn nuôi tăng, đẩy giá lợn hơi lên cao. Thịt lợn tăng khiến giá thịt già, thịt bò đều tăng theo.


Nhiều mặt hàng thực phẩm tiêu thụ chậm do giá tăng cao.

Giá thịt gà ta có chợ đã tăng tới 160kg. Chủ quầy hàng chuyên kinh doanh thịt bò, thịt bê Thanh Vân cho biết: "Thịt bò bắp có giá 200.000đ/kg, thịt bò thăn 180.000đ/kg. Vì giá đứng ở mức cao nên ế lắm em ạ. Ngồi mấy tiếng buổi sáng mà mới bán được hơn 3kg thịt bò. Trước Tết, mỗi ngày tôi bán được 15kg, nhưng nay chỉ được 10kg thôi. Tăng thế này mà bán còn chậm, nếu tăng theo giá nhập thì không biết ế đến đâu".

Cùng với thịt, mặt hàng hải sản tươi sống cũng trong đà tăng giá. Theo chị Thoa, bán hải sản ở chợ Hôm - Đức Viên thì mỗi kilôgam hải sản đều tăng giá vài chục nghìn so với trước đây. Giá 1kg hàu sống tăng từ 180.000đ lên 200.000đ. Tăng mạnh nhất là tôm sú, từ 280.000đ lên 350.000đ. "Từ sáng đến giờ chưa bán được cân nào. Ế ẩm lắm em ạ" - chị Thoa kêu.

Sức tiêu thụ chậm khiến nhiều tiểu thương ở chợ Ngọc Hà cũng không dám nhập nhiều hàng. Một chủ quầy hàng thịt lợn ở ngay ngoài cổng chợ Ngọc Hà cho biết: "Có thời điểm, thịt lợn thăn lên tới 120.000đ/kg, có hôm tôi ế cả cân vì người tiêu dùng chê đắt". Rau xanh cũng là mặt hàng tăng giá nhiều trong những ngày vừa qua. Một mớ rau muống ở chợ Hôm - Đức Viên có giá 10.000đ; cải xoong, rau cần 8.000đ/mớ; lơ xanh 8.000đ/cây...

Ở nhiều chợ cóc, chợ xa trung tâm giá rau xanh giảm hơn, tuy nhiên vẫn đứng ở mức cao. Cùng với một số mặt hàng tươi sống tăng giá, thì giá bánh kẹo, sữa, dầu ăn, thực phẩm bán sẵn cũng tăng với lý do xăng, điện tăng. Một chai dầu ăn Simply 5 lít từ 189.000đ tăng lên 220.000đ…

Người tiêu dùng: Thắt chặt chi tiêu

Với việc giá của nhiều loại mặt hàng tăng quá cao, nhiều gia đình đã phải thắt chặt hầu bao, gồng mình chống chọi với hàng chục thứ phải chi tiêu hàng ngày. Cắt giảm chi tiêu, loại bỏ bớt các khoản không cần thiết, mua bán tiết kiệm, hoặc chuyển sang các mặt hàng có giá rẻ hơn… đó chính là những giải pháp để giúp cho các gia đình vượt qua thời kỳ giá cả tăng cao như hiện nay.

Như gia đình chị Nguyễn Thị Dung, công chức của một chi cục thuế. Hiện nay, tổng thu nhập sau hơn 2 năm công tác của chị Dung là hơn 2,6 triệu đồng/tháng, thế nhưng lương chưa tăng mà giá các mặt hàng phục vụ cuộc sống hằng ngày như giá thực phẩm, đồ gia dụng và giá đóng tiền học cho cô con gái mới 4 tuổi đã tăng so với năm trước.

Chị Dung cho biết: Tiền học tuy không tăng nhưng tiền ăn của cháu đã tăng lên thêm gần 100.000 đồng/tháng so với thời điểm trước. Tổng tiền học mẫu giáo của con gái đã gần 1 triệu/tháng, khiến vợ chồng chị phải giảm bớt các loại chi tiêu không cần thiết, tự nấu ăn sáng ở nhà.

Đối với các gia đình công chức có con theo học trường tư thục như gia đình chị Thu Hương, ở Kim Giang, quận Hoàng Mai, Hà Nội thì tiền học cho cậu con trai 5 tuổi đã tăng từ 1,6 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng kể từ Tết ra đến nay. Để tiết kiệm, chị Hương đã mang cặp lồng cơm đến cơ quan và giảm bớt mua sắm quần áo không cần thiết. 

Theo công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Tổng cục Thống kê, tại Hà Nội trong tháng 3/2011 tăng 2,41% so với tháng trước, tăng 13,56% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng cao nhất của CPI Hà Nội trong hơn một năm trở lại đây, tính từ tháng 2/2010 khi CPI là 2,61%.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thì giá tiêu dùng tăng dồn dập từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 đã khiến cho mặt bằng giá chung đang ở mức rất cao. Tăng cao nhất là ngành hàng ăn uống, trong đó tăng mạnh là thịt lợn. Tại hệ thống siêu thị của Hà Nội, giá thịt lợn niêm yết cao hơn so với trước đây, nó kéo theo cả giá thịt gà, thịt bò cũng tăng.

Một trong những nguyên nhân tăng giá thịt lợn mạnh là do thức ăn chăn nuôi tăng cao, khiến người nông dân lãi ít, dẫn tới một số hộ bỏ chăn nuôi. Có trang trại nuôi 1.000 con lợn thì giờ giảm xuống còn 200 con. Theo Sở Công thương Hà Nội thì việc bình ổn giá vẫn tiếp tục được thực hiện.

Nhưng theo ông Phú thì bình ổn giá hiện nay chưa bền vững, ví như tình trạng giá dầu ăn thấp hơn ở ngoài nên đã bị tư thương "vét" sạch để kiếm chênh lệch. Do vậy, việc "mua tận gốc, bán tận ngọn", hoặc liên kết hợp tác giữa sản xuất và phân phối phải được các doanh nghiệp vào cuộc thì mới mong giá thành xuống thấp để người dân được hưởng lợi.

Nhằm giảm giá thành nhiều mặt hàng đang bán tại các siêu thị, Hiệp hội siêu thị Hà Nội vừa triển khai kế hoạch đến hơn 30 siêu thị trên địa bàn, trong đó có việc tiết giảm chi phí lưu thông trong nội bộ; liên kết mua chung, bán chung giữa các siêu thị.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thì muốn giá hàng hóa giảm thì phải giải quyết tận gốc của vấn đề. Đó là phải củng cố lại sản xuất và năng suất lao động để làm dồi dào nguồn hàng trong nước; phân phối và lưu thông không qua nhiều khâu trung gian và liên kết hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà phân phối.

(Theo Công an nhân dân)