Sầu riêng còn xanh được nhà vườn thu hoạch đồng loạt rồi đem nhúng vào một dung dịch màu vàng, để vài ngày cho chín đều, sau đó bán khắp trong Nam ngoài Bắc với lời rao sầu riêng chín cây thượng hạng.

Chưa biết độc hại như thế nào, nhưng những trái sầu riêng này khi bóc ra đều nhão nhoét, có mùi ôi... do tác dụng của hóa chất có trong phân bón.

“Xanh cỡ nào cũng chín gấp”

Bắt đầu từ việc trồng xen cây sầu riêng trong rẫy càphê để lấy bóng mát, giữ nước, chắn gió, tuy nhiên đến thời điểm này, Đắc Lắc (tỉnh có diện tích càphê lớn nhất nước) đã nhanh chóng vươn lên tốp đầu cả nước về diện tích, sản lượng sầu riêng.

Cũng ngẫu nhiên như vậy, cây sầu riêng được phát hiện rất phù hợp với vùng đất đỏ bazan của cao nguyên Đắc Lắc, không chỉ năng suất cao mà cũng cơm vàng, hạt lép, thơm ngon không kém sầu riêng Nam Bộ.

Hiện một hécta càphê tại Đắc Lắc cho 10 - 15 tấn/sầu riêng, mang về cho người trồng nguồn thu phụ lên tới 200 - 250 triệu đồng/năm. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi đưa ra thị trường, sầu riêng xuất xứ từ Đắc Lắc đã bị “đầu độc”, cho chín ép bằng một loại thuốc kích thích.

{keywords}

Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi đến xã Ea Yông, huyện Krông Pắc để tận mục sở thị cách pha chế, tẩm nhúng sầu riêng bằng một loại “biệt dược”.

Hàng chục điểm bán sầu riêng dọc hai bên quốc lộ 26 (đường từ Buôn Ma Thuột đi Nha Trang), người đi đường dừng lại mua tấp nập, có đoạn gây ách tắc giao thông. Do mua ngay trên đoạn đường mà hai bên là những vườn càphê bạt ngàn xen canh sầu riêng, không ai mảy may nghi ngờ.

Chúng tôi mua một trái sầu riêng 3kg với giá 60.000 đồng, ăn thử thấy chua, không có mùi thơm thường thấy của sầu riêng Đắc Lắc. Chúng tôi bám anh N.V.D - một thương lái đã làm quen trước đó - vào các rẫy càphê trồng xen canh cây sầu riêng để tìm hiểu.

Tại các vườn cây, sau khi thu hoạch hàng loạt trái xanh, nông dân đem nhúng vào một loại dung dịch màu vàng đựng trong thùng nhựa. Sau đó họ lấy ra, để cho ráo nước và ngấm thuốc, chờ thương lái đến cân.

Dung dịch này được pha chế từ một loại thuốc đóng chai mang tên “Trái chín” - sản xuất bởi Cty TNHH sinh học HPH; trụ sở tại 327/37 Hà Huy Giáp, phường Thạnh Xuân, quận 12 (TPHCM), bán tại các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ở huyện Krông Pắk.

Ông N.X.Q - một chủ vườn ở xã Ea Yông - cho biết, trước đây sầu riêng ở Đắc Lắc chủ yếu bán đi TPHCM, gần đây có nhiều thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương... vào mua. Để gom được một xe hàng, bình thường họ phải đi mua ở nhiều vườn khác nhau, mất thời gian lại tăng chi phí. Vì vậy họ rất ủng hộ nhà vườn trong việc sử dụng thuốc “Trái chín” để ép sầu riêng chín đồng loạt.

“Nếu nhà vườn xử lý không kịp, thương lái mua luôn trái xanh rồi đưa đến một bãi đất trống để lần lượt nhúng thuốc, sau đó mới xếp lên container chở đi, làm như vậy thì sầu riêng xanh cỡ nào cũng chín gấp” - ông Q nói.

Bán để làm... kem hoặc phụ gia thực phẩm

Được biết loại thuốc này năm ngoái chỉ có giá 30.000 đồng/chai, nhưng năm nay đã tăng lên 45.000 đồng/chai do nhu cầu sử dụng tăng cao đột biến. Một chai thuốc 500ml pha với 20l nước, sau đó đem nhúng những trái sầu riêng xanh vào. Sau  từ 4 - 5 ngày thì những quả sầu riêng này chín đều, và ăn được, kể cả những quả chưa già vẫn chín như thường. Nhưng sầu riêng nhúng thuốc không có độ ngọt như chín cây, giá bán cũng rẻ hơn - thường chỉ khoảng 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, ngay tại vườn, loại hàng không bị nhúng thuốc “Trái chín” có giá bán từ 17.000 - 20.000 đồng/kg.

Chúng tôi hỏi sao nhà vườn không để sầu riêng chín mới thu hái cho đảm bảo chất lượng lại bán được giá cao, ông N.X.Q nói thu hoạch nhiều lần mất công lắm, với lại để lâu sợ rớt giá.

Theo các nhà vườn ở Krông Pắk, khi thương lái chở đi xa thì họ không biết, còn tại Đắc Lắc sầu riêng nhúng thuốc chủ yếu bán cho những người làm kem hoặc phụ gia thực phẩm. Những sản phẩm kem hoặc phụ gia này chỉ cần có mùi sầu riêng là được, quan trọng là hạ thấp chi phí đầu vào nên người sản xuất biết rõ nhưng vẫn mua.

Không chỉ “phù phép” sầu riêng xanh thành sầu riêng chín, thuốc “Trái chín” còn làm chín các loại trái cây khác như chôm chôm, đu đủ, xoài, chuối... đặc biệt có thể dùng cho càphê, hồ tiêu. Càphê và hồ tiêu có đặc điểm chín thành nhiều đợt, việc thu hoạch cũng phải kéo dài vừa tốn nhân công, vừa dễ bị mất trộm. Do vậy, thuốc “Trái chín” cũng là giải pháp “tối ưu” đối với nhiều hộ trồng càphê, hồ tiêu ở Đắc Lắc để tránh “đêm dài lắm mộng”.

Thuốc “Trái chín” là... phân bón lá

Để tìm hiểu loại thuốc nhúng sầu riêng mà nông dân đang dùng, chúng tôi tìm đến Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Đắc Lắc thì được biết loại thuốc “Trái chín” là phân bón lá, không có trong danh mục thuốc BVTV được Bộ NNPTNT cho phép lưu hành.

Cơ quan này cũng cho biết dư lượng độc tố trong thuốc “Trái chín” ngấm vào quả sầu riêng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như thế nào hiện chưa được kiểm nghiệm.

Qua thông tin của phóng viên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắc Lắc đã tiếp nhận sự việc, thành lập đoàn kiểm tra đến các cửa hàng bán loại thuốc này.

Tại cơ sở kinh doanh thuốc BVTV Hai Ngọc ở xã Ea Yông do ông Nguyễn Ngọc làm chủ, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở có bày bán nhiều chai thuốc “Trái chín” trên kệ hàng.

Kiểm tra kho chứa của cửa hàng, đoàn kiểm tra còn phát hiện 20 thùng thuốc “Trái chín”, mỗi thùng 30 chai, tổng cộng 600 chai thuốc mà nông dân sử dụng để nhúng sầu riêng.

Tại cửa hàng hạt giống và nông dược Trúc Phượng ở thị trấn Phước An - do bà Đặng Như Hồng làm chủ - cũng có 54 chai thuốc cùng loại. Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong, tạm giữ các lô hàng trên, đồng thời lấy mẫu gửi đi kiểm định và yêu cầu nhà sản xuất cung cấp hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Minh Tặng - Phó Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắc Lắc - cho biết: “Chúng tôi khuyến cáo nông dân không nên dùng các loại thuốc này để nhúng cho trái chín, vì đây là một loại phân bón có độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy rằng trước mắt chưa thấy rõ, nhưng về lâu dài sẽ gây ra nhiều loại bệnh tật”.

Còn theo ông Trịnh Tiến Bộ - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắc Lắc - thì thuốc “Trái chín” có thành phần hoá chất, khi sử dụng cho hoa quả sẽ thúc đẩy quá trình phân giải gluco thành đường, làm cho trái chín sớm. Trên vỏ chai chỉ ghi mỗi thành phần là Etylen nên chưa thể khẳng định thuốc gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng như thế nào, phải chờ kết quả phân tích, kiểm nghiệm. Nhưng trước mắt có thể khẳng định chất lượng sầu riêng nhúng thuốc “Trái chín” không bằng sản phẩm cùng loại chín tự nhiên.

Theo một cán bộ đoàn kiểm tra, cho dù “Trái chín” có trong danh mục phân bón được phép lưu hành thì việc sử dụng phân bón để làm chín sầu riêng cũng vi phạm nguyên tắc, có thể gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

 “Nếu có sai thì chúng tôi chỉ bị phạt hành chính thôi”

Ông Trần Thanh Quang - GĐ Cty TNHH sinh học HPH, trụ sở tại 327/37 Hà Huy Giáp, phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM - cho biết: “Sản phẩm làm chín trái mang tên “Trái chín” của chúng tôi không có trong danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành là đúng, bởi vì đây là phân bón chứ không phải thuốc BVTV. Loại phân bón này chúng tôi đã đăng ký và được Cục Trồng trọt thuộc Bộ NNPTNT cấp phép sản xuất, không có độc hại gì cho sức khỏe người tiêu dùng. Khi sử dụng dung dịch “Trái chín”, chất lượng sầu riêng không bằng trái chín cây, tôi nghĩ là do nông dân thu hái cả những trái non và việc đó chúng tôi không thể quản lý được”. Về việc Chi cục BVTV Đắc Lắc tạm giữ 650 chai thuốc “Trái chín”, ông Quang cho biết: “Đó là việc của họ, Cty đã cung cấp hồ sơ công bố chất lượng theo yêu cầu của họ, nếu có sai thì chúng tôi chỉ bị phạt hành chính thôi”.  

(Theo Lao Động)