Do ảnh hưởng của bão số 11 (Nari), toàn TP. Đà Nẵng tối 15/10 bị mất điện kéo dài khiến nhu cầu thực phẩm tăng mạnh, nhất là bánh mỳ khiến mặt hàng này khan hiếm.
Tại một số cửa hàng bánh mỳ khác trên đường Yên Báy, Ngô Quyền,... nhiều người cũng đành trở về tay không do cửa hàng sản xuất có hạn, lượng người mua quá đông.
“Lò đã hoạt động hết công suất nhưng do mỗi mẻ phải mất 15-30 phút mới có bánh nên không thể đáp ứng được nhu cầu của tất cả người mua”, một nhân viên bán bánh mỳ cho biết.
Chị Hoa (32 tuổi, trú Sơn Trà, Đà Nẵng) chia sẻ: “Tôi ra đây định mua mấy ổ bánh mỳ không về gia đình dùng với sữa hay patê lót dạ qua đêm nay nhưng cửa hàng không bán. Một mực phải bánh mỳ thịt chả 12.000-15.000 đồng/ổ mới bán”.
"Bão giá" hành người dân miền Trung
Sau 2 cơn bão dữ, một cơn "bão giá" các mặt hàng tiêu dùng lại ập xuống đầu những người dân miền Trung.
Tại Đà Nẵng, các mặt hàng tiêu dùng liên tục tăng giá sau bão. Một số mặt hàng thực phẩm nông sản đã tăng giá từ 3-5 lần so với trước bão. Nhóm tăng giá nhiều nhất vẫn là rau, củ, quả, mỗi loại có mức tăng từ 3.000-10.000 đồng/kg. Cụ thể, giá rau muống, mồng tơi, rau ngót ngày thường 5.000 đồng/bó thì sáng nay đã tăng lên 10.000 đồng/bó; thậm chí có nơi tăng lên 12.000 đồng/bó.
Tương tự, bắp cải ngày thường bán ở mức 6.000 đồng/kg đã tăng lên 12.000 đồng; bí đao từ 6.000 đồng lên 10.000 đồng/kg, đậu cove 12.000 đồng lên 14.000 đồng/kg... Riêng các loại hải sản cũng tăng giá khá mạnh.
Nguyên nhân là do vùng rau ở hai địa phương Quảng Nam và Hòa Vang là nơi cung cấp rau cho thành phố bị ngập nên số lượng giảm mạnh, đã đẩy giá rau muống, rau cải tăng lên 2-3 lần. Tại vùng rau sạch Túy Loan ở Đà Nẵng, đợt bão vừa qua đã gây thiệt hại trung bình mỗi sào rau từ 1,5 đến 3 triệu đồng.
Cả vùng Rau Túy Loan rộng gần 6 ha có đến 70 - 80% bị giập nát, héo úa trong khi sau bão, lượng rau tiêu thụ trên thị trường tăng cao nhưng cung đủ cung ứng. Điều đáng nói, do nhu cầu mua bán rất lớn, nhiều tiểu thương đã không niêm yết giá đúng như quy định hoặc viết giá không rõ ràng, tẩy xoá giá niêm yết nhằm đánh lừa người mua.
Một tiểu thương kinh doanh ở chợ đầu mối Hòa Cường cho biết, dự đoán được hàng sẽ về chợ ít trong ngày hôm nay nên chị đã phải có mặt tại chợ rất sớm để “gom” hàng về bán. Cũng theo chị Hương, giá các mặt hàng sáng nay đã tăng 10-15% so với ngày thường nhưng nhiều người đến chợ muộn đã không còn hàng để lấy. Những người đi trễ phải chấp nhận mua lại của các thương lái với giá cao hơn nhiều.
Ông Nguyễn Nho Hậu, Phó chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cho biết, rút kinh nghiệm từ những đợt bão các năm trước, để đảm bảo bình ổn về giá cả thị trường, chống sự lợi dụng tăng giá bừa bãi, Chi cục quản lý thị trường thành phố sẽ tăng cường kiểm tra tại các điểm bán nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp cố tình lợi dụng tăng giá để trục lợi.
PV (tổng hợp theo VTC, Xzone,Tri thức thời đại)