- Khủng hoảng niềm tin đang gây ra những tổn thương lớn, giới kinh doanh lúng túng không biết làm thế nào để vượt qua. Song, không ít DN đã tìm ra cơ hội “vàng”, thu lợi đều và sống khỏe.

Tổn thương vì mất niềm tin

Tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam (Leader Talk), tổ chức nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Giáo sư Hà Tôn Vinh nhận xét, nền kinh tế Việt Nam đang bội phần khó khăn. Khoảng 70% GDP của Việt Nam dựa vào xuất khẩu. Tuy nhiên, các thị trường xuất khẩu chính của DN Việt Nam là châu Âu, Mỹ, Nhật... cũng nằm trong vòng xoáy khủng hoảng nên nhu cầu giảm mạnh. Cùng với đó, tiêu dùng trong nước cũng suy giảm nghiêm trọng khiến đầu ra của nhiều DN gặp khó. Các nguồn lực của DN ngày càng cạn kiệt, tài chính không có, thị trường cũng không, hàng tồn kho nhiều...

Từ năm 2010 đến nay, có khoảng 250.000 DN giải thể, ngừng hoạt động. Số còn lại, có đến 69% báo cáo thua lỗ, nợ thuế cao và giảm mạnh công suất từ 30-50%. Nhiều DN mất niềm tin vào kinh doanh, vào thị trường, buông xuôi. “Khủng hoảng niềm tin đang gây ra những tổn thương lớn trong giới kinh doanh, DN không biết vượt qua như thế nào”, Giáo sư Hà Tôn Vinh lo lắng.

{keywords}
Trong khủng hoảng, có nhiều DN tổn thương vì mất niềm tin (ảnh minh họa)

Ông Trần Vũ Hải, Công ty Luật Hà Nội, nói rằng, tiếp xúc với khách hàng thời gian qua, ông nhận thấy rất nhiều doanh nhân đang mất niềm tin trầm trọng. Họ mất niềm tin vào ngân hàng, vào chính sách và mất niềm tin với các DN khác, người lao động thì mất niềm tin vào DN. Đây là điều đáng báo động.

Tại diễn đàn, không ít DN cho biết hiện nay họ phải chịu quá nhiều khó khăn và trở nên chán nản, mất bình tĩnh, không thấy được hướng đi phù hợp.

Cơ hội khởi sắc

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, không ít DN cho hay họ vẫn tìm thấy cơ hội kinh doanh trong khủng hoảng.

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội DN trẻ Việt Nam, đánh giá, kinh doanh đang có nhiều thuận lợi. Chẳng hạn, lãi suất vay hạ thấp, có thể tìm được nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí thấp, việc mua bán các DN hay tài sản giá rẻ hơn rất nhiều so với trước kia. Vì thế, đây là cơ hội cho các DN khai thác, tìm hướng phát triển.

Theo ông Trần Trọng Hiếu, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư IDJ Việt Nam, trước kia khi kinh tế đi lên mọi người luôn tin tưởng và sẵn sàng đổ tiền vào bất động sản, chứng khoán... Nay kinh tế đi xuống, những người có suy nghĩ đó cũng đi xuống mãi và mất niềm tin.

Song, điều đáng ghi nhận là các quỹ đầu tư nước ngoài lại đang đổ vào Việt Nam. Tất nhiên, phải nhìn thấy cơ hội kinh doanh tại đây thì họ mới quyết định như vậy.

Để chứng minh, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam, nói rằng trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam từ đầu năm 2013 đến nay, có tới 70% là đầu tư vào lĩnh vực chế biến, công nghiệp - rõ ràng họ đã thấy “núi tiền” thu được khi đầu tư vào lĩnh vực này. 

{keywords}

Ngay tại diễn đàn, nhiều DN nhỏ và vừa cũng khẳng định họ cũng nhìn thấy những cơ hội kinh doanh trong khủng hoảng.

Ông Hà Ngọc Trung, Giám đốc công ty ảnh viện, áo cưới Moza ( Hà Nội) tiết lộ từ năm 2011 đến nay, doanh thu của Moza tăng tới 400%/năm, bất chấp tại Hà Nội, các đơn vị kinh doanh dịch vụ ảnh viện, áo cưới mọc lên như “nấm sau mưa", cạnh tranh gay gắt và người dân chắt bóp chi tiêu. Do vậy, công ty ông đã xây dựng nhiều gói sản phẩm có giá hợp lý và đẩy mạnh truyền thông, quảng cáo.

Bà Nguyễn Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty Lexim (Hà Nội), chuyên về cho thuê thiết bị xây dựng, cho biết, thị trường bất động sản trầm lắng khiến hàng chục DN xây dựng đang thuê thiết bị của Lexim đồng loạt ngừng hoạt động, trả lại máy móc. Lexim đã tìm hước đi mới là chuyển sang hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài và cho thuê thiết bị xây dựng hạ tầng như sân bay, đường, cảng... Rồi nâng cao năng lực cá nhân, tổ chức lại hoạt động kinh doanh, đưa ra gói giá cả rẻ hơn, nhờ đó công ty vẫn hoạt động tốt.

Còn Công ty Dịch vụ và Thương mại Hiền Lê (Bắc Ninh) trước đây chuyên thu gom, vận tải, xử lý chất thải công nghiệp cho công ty Canon và Samsung tại Bắc Ninh. Thấy các DN này đang “khát” nhà cung cấp linh kiện, DN liền tập trung tìm hiểu và đầu tư vào phát triển công nghiệp phụ trợ. Với sự giúp đỡ của phía đối tác, nay Hiền Lê trở thành nhà cung cấp các chi tiết nhựa cho Canon.

Ngoài ra, trong khi thép nội “chết gí”, công ty này đã linh hoạt chuyển sang cung cấp thép cho DN nước ngoài. Vừa qua, Hiền Lê còn đầu tư một lò luyện thép, cho ra 150 tấn/ngày mà vẫn không đủ hàng để bán.

“Chúng tôi đã tìm thấy cơ hội làm ăn với các DN ‘ngoại’, song quan trọng hơn cả là phải tạo dựng được uy tín với họ. Chỉ sơ sẩy một lần là không bao giờ có thể lấy lại được lòng tin”, bà giám đốc đúc rút.

Từ bài học xương máu của công ty thời trang Elise, Chủ tịch HĐQT Đinh Công Trạng khuyên các DN không nên tin vào dự báo. Bởi, do dự báo đều nói tình hình kinh tế năm sau sẽ khởi sắc hơn năm trước nên với số vốn 500 tỷ đồng và 2.000 lao động, công ty ông cứ ngồi im và chờ đợi. Chờ mãi, đến khi thấy sắp rơi vào vòng nguy hiểm, ông đã quyết định sa thải 500 công nhân và toàn bộ ban giám đốc, trong đó có cả ông. Sau đó, Elise bắt tay tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đến nay công ty trở lại hoạt động khá tốt và bắt đầu tuyển lại những công nhân đã sa thải trước đây.

Theo ông Trạng, đừng nên nghĩ khủng hoảng là ngày tận thế và bao giờ nó đi qua. Việc gì cần làm thì cứ làm và không quan tâm đến khủng hoảng.

Trần Thủy