- Tại Việt Nam, một 1 kg trà ô long có giá 2-3 triệu đồng, trong khi giá xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI cho công ty mẹ ở Đài Loan chỉ dưới 4 USD/kg, tức chưa đầy 100.000 VND. Phù phép giá thấp để giả lỗ, trốn thuế là chiêu chuyển giá trắng trợn của một số doanh nghiệp FDI.

Lỗ ăn vào vốn 18 lần, vẫn... sống khỏe

Vào Việt Nam từ năm 2006, Công ty chế biến trà Ô Long Jun Chow của Đài Loan có vốn đầu tư 6,344 tỷ đồng. Nhưng 4 năm sau, tổng số lỗ được công ty khai báo lên tới 23,903 tỷ đồng, số lỗ gấp 3,7 lần vốn đầu tư.

Trước đó, 17 doanh nghiệp chế biến trà ở tỉnh Lâm Đồng cũng đã bị Cục thuế tỉnh này bêu tên khi khai lỗ một cách quá mức, quá bất thường.

Ví dụ như công ty Trà Đài Loan, vốn đăng ký là 10,427 tỷ đồng, nhưng đến năm 2009, lỗ lũy kế của công ty đã xấp xỉ 17,7 tỷ đồng. Công ty TNHH Trà Kinh Lộ cũng có vốn ban đầu lên tới 26,9 tỷ đồng, vậy mà sau 4 năm, con số lỗ đã lên tới hơn 56,8 tỷ đồng. Hay như công ty King Wan Chen, vốn đầu tư là 29 tỷ đồng nhưng kết quả thu lại là con số lỗ gần 38,3 tỷ đồng.

Vì lỗ, trong suốt 5 năm, khi mà các DNNN chế biến trà ở Lâm Đồng đã nộp ngân sách tới gần 13,2 tỷ đồng, doanh nghiệp tư nhân trong nước nộp 21 tỷ đồng thì những doanh nghiệp FDI này chỉ đóng góp vỏn vẹn có 272 triệu đồng thuế môn bài.

{keywords}
Một kg trà ô long bán ở Việt Nam khá đắt đỏ, lên tới 2-3 triệu đồng, trong khi giá xuất khẩu về Đài Loan chỉ khoảng 100.000 đồng (ảnh minh họa).

Hàng xuất khẩu được ưu đãi hưởng thuế giá trị gia tăng là 0% và được hoàn 100% thuế giá trị gia tăng đầu vào. Vì vậy, các công ty FDI còn được hoàn lại thuế giá trị gia tăng đầu vào tới hơn 21,6 tỷ đồng. Trong khi đó, các DNNN và doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ xin hoàn thuế hơn 5 tỷ đồng. Chưa hết, phía nhà đầu tư “ngoại” còn được miễn toàn bộ thuế đất.

Theo chuyên gia ngành thuế, với logic kinh doanh bình thường, lỗ đến ăn cả vào vốn thì doanh nghiệp chỉ có chết, giải thể, phá sản. Vậy mà, những công ty này vẫn cứ “hồn nhiên” sống khỏe, sống lâu. Câu hỏi đặt ra là họ lấy vốn từ đâu?

Thông thường, các công ty này đều có chung một mẫu trả lời, do “được hỗ trợ vốn từ công ty mẹ”. Ví dụ như công ty Trà Đài Loan, tuy lỗ hơn 17 tỷ đồng nhưng lại được vay từ công ty mẹ tới 28 tỷ đồng; công ty Trà Kinh Lộ cũng được vay từ công ty mẹ tới hơn 27 tỷ đồng, bù cho khoản lỗ hơn 26 tỷ; công ty King Wan Chen vay hơn 12 tỷ từ công ty mẹ.

Hoặc nếu không phải là vay mượn, các công ty cũng khai là được tăng vốn bổ sung do công ty mẹ rót sang, như trường hợp công ty Haiyih lỗ hơn 63 tỷ nhưng được công ty mẹ rót cho hơn 58 tỷ vốn bổ sung.

Một trường hợp điển hình, lỗ liên tục 5 năm, âm cả vào vốn nhưng vẫn cứ tăng trưởng quy mô đều đều, mở rộng đầu tư, đẩy mạnh sản xuất... là dấu hiệu dễ nhất thấy nhất ở những doanh nghiệp FDI chuyển giá.

Tại Đăk Nông, ngay từ năm 2011, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh đã đau đầu với kết quả kinh doanh vô lý “sờ sờ trước mắt” của công ty TNHH Pagoda, vốn 100% của Malaysia. Đây là công ty sản xuất chế biến đậu phộng sấy giòn, sản phẩm chủ yếu được xuất bán cho công ty mẹ ở Malaysia là Thong Thye Groundnut Factory Sdn.Bhd.

Năm 2006, Pagoda đến Việt Nam với số vốn đầu tư 2,377 tỷ đồng. 5 năm sau, công ty báo cáo cơ quan thuế là đang gánh tổng số lỗ lũy kế lên tới 44,525 tỷ đồng. Số lỗ gấp tới hơn 18 lần so với số vốn ban đầu, nhưng kỳ lạ là công ty Pagoda vẫn tồn tại cho đến nay.

Trước thực tế đó, một cán bộ thanh tra thuế thốt lên: “Những doanh nghiệp FDI này đã chuyển giá một cách ngang ngược, trắng trợn”.

Phù phép giá xuất khẩu thấp

Trong vòng tròn khép kín khi giao dịch mua bán với công ty mẹ, các thanh tra viên chống chuyển giá cuối cùng cũng tìm ra sự thật.

Tổng số doanh thu của công ty chế biến trà Jun Chow và công ty Pagoda được xác minh lại là đều tăng 200%.

{keywords}
Báo cáo là thua lỗ nặng nhưng một số DN FDI vẫn sống khỏe, sống lâu (ảnh NLĐ)

Ở các công ty trà Đài Loan tại Lâm Đồng, kết quả kinh doanh thực ra đã có lãi ngay từ năm đầu tiên vào Việt Nam, năm 2005-2006. Sau thanh tra, từ con số lỗ lũy kế 311,685 tỷ đồng, các doanh nghiệp FDI này phải thừa nhận sự thật đã lãi hơn 1.033 tỷ đồng.

Chiêu lách luật phổ biến nhất là các doanh nghiệp có vốn “ngoại” đã hạ giá xuất khẩu, chuyển lợi nhuận về công ty mẹ ở Đài Loan. Điển hình như trà ô long, loại sản vật truyền thống gốc từ Đài Loan, Trung Quốc, có giá bán lẻ 2 triệu đồng/kg tại Việt Nam. Được quảng cáo là giúp ngăn ngừa ung thư, nhiều hộ khá giả không ngại ngần bỏ tiền bạc triệu mua trà về uống, thậm chí, đua nhau mua để biếu xén như món quà quý. Thế nhưng, ở các công ty FDI Đài Loan này, giá xuất ban đầu chưa đến 1 USD/kg, tức chỉ 17.000-18.000 đồng/kg, nếu tính theo tỷ giá lúc đó. Sau này, giá xuất khẩu tăng hơn chút nhưng cũng chỉ nhích lên có 2-4 USD/kg, tương đương có 40.000-80.000 đồng/kg.

Mức chênh lệch giữa giá bán trên thị trường và giá xuất cho công ty mẹ lên tới hơn 10 lần.

Hay Công ty TNHH Haiyih bán sản phẩm trà lên men một phần cho doanh nghiệp trong nước, giá bình quân 491.000 đồng/kg, song bán cho công ty mẹ tại Đài Loan chỉ 3,8 USD (tức khoảng 80.000 đồng).

Tương tự, Công ty TNHH Tứ Hải (thuộc Ing Dian Company) bán sản phẩm trà lên men cho DN trong nước bình quân 200.000 đồng/kg, nhưng khi bán cho công ty mẹ ở Đài Loan giá là 3,3 USD (70.000 đồng). Giá bán xuất khẩu của các công ty này chỉ bằng 13 đến 61% so với giá bán nội tiêu của các doanh nghiệp có sản phẩm bán trong nước, chỉ bằng 61% so với giá thành bình quân chung.

Sau khi xác định lại, các DN FDI trên đều phải “cúi đầu’ chấp nhận, giá thực tế xuất khẩu cao hơn khoảng từ 2 đến 3 lần so với giá kê khai. Ví dụ, giá kê khai bình quân từ 3 đến 4 USD/kg thì giá xác định lại bình quân từ 5,5 đến 11,68 USD/kg. Sau khi giảm hết tất cả các khoản chuyển lỗ và kể từ năm 2010 trở đi, các doanh nghiệp này không được ưu đãi miễn thuế thu nhập DN nữa.

Xét theo con số tuyệt đối thì giá trị truy thu thuế trong các vụ việc trên không lớn, song do đây là những trường hợp điển hình chuyển giá thông qua phù phép hạ giá xuất khẩu. Tuy nhiên, chuyện ở các doanh nghiệp nông sản này chỉ là con số nhỏ. Có những vụ việc, số truy thu lên tới cả trăm tỷ đồng và đều dính đến các thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.

(còn nữa)

Phạm Huyền