Một thùng trà, một siêu nước cùng vài chiếc cốc, ngày ngày bà Sen, 65 tuổi ra đường Trần Xuân Soạn bán chè xanh nhưng cho là chủ yếu.
Đi trên đoạn đường từ chợ Hôm dọc xuống phố Trần Xuân Soạn (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi có một cụ bà cứ thấy ai chậm rãi qua đường hay tiến lại hỏi thăm là nhiệt tình đưa ngay cốc trà xanh vào tay. Khách uống bao nhiêu tùy thích, thậm chí có thể mang đi vài chai, tất cả đều miễn phí. Khi có ai ngỏ ý muốn trả tiền thì bà nhất định không lấy, bảo là “bà mời, chẳng đáng là bao”, ép lắm, bà mới xin 1.000 đồng tiền nước cho có.
“Anh/chị/cháu… đi đâu, tìm gì đấy để bác chỉ cho? Uống trà nhé, trà ngon lắm, bác không lấy tiền đâu”; “Nhưng mà đã ăn gì chưa, trà của bác pha đặc lắm, ai không uống quen là dễ say; hay đi ăn gì đi rồi quay lại đây uống nước”; “Anh/chị/cháu bây giờ có về luôn không, chờ tí để bác vào nhà đóng cho vào chai nước mang về nhé!” hay “Lúc nào thích thì lại ghé đây uống nước miễn phí nhé”… là những câu quen thuộc của bà cụ đặc biệt này.
Bà Sen quanh năm mời trà miễn phí người đi đường. |
Cụ bà quanh năm mời nước người qua đường tên là Sen, năm nay đã 65 tuổi, sống tại một căn nhà nhỏ trong ngõ 76 Trần Xuân Soạn. Hằng ngày, bà mang bếp lò, ấm nước, cốc chén và một thùng lá chè xanh ra buôn bán, song bán thì ít mà cho thì nhiều. Công việc chính của bà Sen là bán lá chè xanh. Vì vậy, bà đun nước trà để mọi người thưởng thức, mua hàng. Tuy nhiên, một ngày, thu nhập từ việc bán lá chè chẳng được bao nhiêu, cân không có nên ai mua bao nhiêu bà chỉ ước chừng bốc cho đầy túi, còn nước trà không chỉ dành cho khách uống thử, mà bất kể ai qua đường, bà cũng mời uống.
Nhiều người trên phố Trần Xuân Soạn còn bất ngờ khi biết bà Sen có hoàn cảnh khó khăn nhưng bao năm nay vẫn giữ nếp kinh doanh “mời trà miễn phí” đó. Chồng bà mất sớm, bà có hai người con thì con gái đã ngoài 35, bị bệnh thần kinh gần chục năm nay; con trai đã có gia đình, ở riêng.
Bà Sen đưa cốc chè xanh mời khách. |
“Chè xanh tôi nhập về không mất nhiều vốn, còn nước trà thì hằng ngày cũng chỉ đun đi đun lại một ấm to, với khoảng hơn 10.000 đồng tiền chè và 3.000 đồng tiền than, chẳng đáng là bao. Tôi bán hàng ở đây không mất tiền thuê chỗ, ai cũng thương tôi nghèo khó nên chẳng bao giờ đuổi. Thấy hoàn cảnh của tôi, hàng áo dài nhờ tôi trông coi, quét dọn hộ cửa hàng, một tháng trả cho 1,5 triệu đồng; phường cũng trợ cấp cho con gái tôi 500.000 đồng mỗi tháng. Tôi còn trông xe cho những ai có nhu cầu nữa, ngày túc tắc cũng được vài cái. Mẹ con tôi ăn rau ăn dưa quen rồi nên vẫn đủ ăn”, bà Sen tâm sự.
Cụ bà kinh doanh lá chè xanh cho biết thêm, bà muốn được đi xa trợ giúp, ủng hộ những người nghèo; nhưng do điều kiện không cho phép, gia cảnh khó khăn, con gái ốm đau nên bà chỉ có thể làm từ thiện ở nhà, từ những việc nhỏ nhất. Bà quan niệm: “Ở đời sống không được bao nhiêu, lúc chết tiền cũng không mang theo được, nên cố gắng làm được gì thì làm, bản thân lại được vui vẻ”.
Không ít người buôn bán ở khu vực chợ Hôm hiện là khách “ruột”, thường xuyên uống trà xanh miễn phí của bà Sen, cho biết: “Tính bà Sen thế, chả ai bảo được. Thôi thì kệ bà, để cho bà làm từ thiện”. Số khác chứng kiến cảnh bà nhiệt tình rót nước mời khách, hỏi thăm, giúp đỡ tận tình đều không khỏi cảm kích. Tuy nhiên cũng có người cho rằng đó là phương thức kinh doanh của bà, bởi làm vậy, bà có thể “quảng cáo” được nước trà đến với người đi đường, thậm chí không ít khách thương còn dúi cho bà một khoản tiền lớn hơn nhiều giá trị của một cốc trà xanh.
(Theo Tri thức)